Đắk Nông tập hợp nông dân để tăng quy mô sản xuất
Đắk Nông đang triển khai các giải pháp tập hợp nông dân để tăng quy mô sản xuất, phát triển kinh tế hiệu quả, bền vững.
Chị Hứa Thị Niên, thôn Thanh Sơn, xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô (Đắk Nông) cho biết, những năm trước đây, người dân trên địa bàn chủ yếu trồng lúa; chủ yếu để phục vụ lương thực cho gia đình, hầu như không có mục tiêu kinh doanh.
Khi được Hội Nông dân (HND) địa phương vận động vào HTX Nông nghiệp Buôn Choáh để trồng lúa chất lượng cao, nâng cao hiệu quả sản xuất, đa số người dân đồng ý tham gia. Nhờ đó, mấy năm nay, mọi người đã sản xuất lúa theo quy mô hàng hóa.
Tham gia vào HTX, nông dân được hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa một cách bài bản, khoa học, theo hướng quy mô hàng hóa. Nông dân cũng được HTX liên hệ với các đơn vị khác để mua phân bón, giống lúa bảo đảm chất lượng. Hiện nay, bà con chủ yếu trồng giống lúa ST25, mang lại giá trị kinh tế cao.
Theo HND tỉnh Đắk Nông, việc tập hợp nông dân vào các tổ chức, tổ hội nghề nghiệp, HTX như trường hợp chị Niên là mục tiêu lớn nhất của HND tỉnh hiện nay.
Nông dân đang chiếm trên 70% dân số của tỉnh Đắk Nông. Đắk Nông có khoảng 140.000 hộ sinh sống ở khu vực nông thôn. Đây là nguồn lực rất lớn để HND tỉnh phát triển hội viên và phát triển các tổ hội nghề nghiệp, HTX.
Đại hội Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông lần thứ V, nhiệm kỳ 2023-2028 đặt mục tiêu kết nạp 12.000 hội viên mới, nâng tổng số hội viên đến cuối nhiệm kỳ đạt 70.000 người.
HND tỉnh Đắk Nông nhận định, thời gian tới, sản xuất nông nghiệp còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn. Nông dân còn khó khăn, lo lắng vì giá vật tư nông nghiệp tăng cao, thị trường nông sản bấp bênh. Lao động nông nghiệp ngày càng giảm về số lượng, nhưng chất lượng lao động chưa cao. Một bộ phận nông dân thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm nên rời địa phương đi làm ăn xa.
Do đó, khâu tập hợp nông dân để tạo liên kết, tăng quy mô trong sản xuất, phát triển kinh tế nông thôn là hết sức cần thiết. Nhiệm kỳ 2023-2028, các cấp HND đặt mục tiêu trở thành điểm tựa cho nông dân.
Các cấp HND sẽ đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia các tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế.
Theo ông Hồ Gấm, Chủ tịch HND tỉnh Đắk Nông, thực tế cho thấy, nhờ tham gia vào các tổ chức, tổ hội, HTX, các hộ sản xuất nhỏ lẻ đã giảm được chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm. Mặt khác, nông dân có điều kiện thuận lợi để tiếp cận các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất. Đầu ra sản phẩm của người dân trở nên ổn định, giảm bớt rủi ro về thị trường.
Thời gian tới, HND các cấp sẽ tăng cường đào tạo nghề, tư vấn, hỗ trợ, cung cấp tri thức mới về khoa học công nghệ, giúp nông dân có đủ thông tin, điều kiện, nguồn lực để phát triển kinh tế, làm giàu và giảm nghèo bền vững. Đây là cách để người dân nhận thấy được các lợi ích khi tham gia các tổ chức, tổ hội, HTX.
Tại Đại hội đại biểu HND tỉnh Đắk Nông diễn ra vừa qua, ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch HND Việt Nam đánh giá: Đắk Nông có lực lượng nông dân dồi dào, nhưng tham gia các tổ chức, tổ hội, HTX chưa nhiều. Nhiều hộ vẫn "độc lập tác chiến" trong sản xuất, phát triển kinh tế.
Do đó, nhiều sản phẩm người dân làm ra còn gặp nhiều khiếm khuyết, rủi ro về đầu ra. Bà con chưa xây dựng được các vùng nguyên liệu rộng lớn và sản xuất theo quy mô hàng hóa; chưa xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm.
Thực tế này, HND tỉnh Đắk Nông cần tiếp tục đẩy mạnh vận động, tập hợp nông dân tham gia vào các tổ chức, HTX để sản xuất, phát triển kinh tế một cách có bài bản, hiệu quả, bền vững.