Giáo dục - Đào tạo

Gia Nghĩa thiếu cả máy và người dạy môn Tin học

Nguyễn Hiền 18/12/2023 05:30

Tin học là môn học bắt buộc, nhưng việc triển khai môn học này ở các trường thuộc TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) vẫn gặp nhiều khó khăn.

Máy tính vừa thiếu vừa kém chất lượng

Trong tiết thực hành môn Tin học của Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Nghĩa Tân, nhiều học sinh ngồi học chung một máy tính trong khi vẫn còn nhiều máy tính khác không ai sử dụng.

Cô giáo bộ môn Tin học Võ Thị Thu Trang chỉ vào những máy để trống cho biết: “Đây là những chiếc máy bị hư hỏng nặng, đã sửa chữa nhiều lần rồi nhưng không thể sử dụng được nữa. Hiện tại phòng có tổng 34 máy tính thì chỉ có 22 máy hoạt động được. Trong số những máy hoạt động được phần lớn cũng chạy rất chậm dù đã được cài đặt lại nhiều lần. Thậm chí có máy phải khởi động 15-20 phút hoạt động nên ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hành của học sinh”.

img_9761(1).jpg
Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm có 2 phòng máy nhưng mỗi phòng chỉ có khoảng 2/3 số máy hoạt động được

Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm hiện có 35 lớp, với 1.642 học sinh các khối từ lớp 6 đến lớp 9. Trường được đầu tư hai phòng máy để phục vụ học sinh học môn Tin học. Vì lượng học sinh đông nên tần suất sử dụng hai phòng máy gần như liên tục.

Thầy giáo Phạm Hoàng Chinh cho biết: “Số lượng máy hoạt động được hiện nay không đáp ứng đủ nhu cầu thực hành cho học sinh. Nhiều máy được trang bị từ lâu, hết thời hạn sử dụng, hiện không có linh kiện để thay thế. Những máy đang sử dụng thì cũng thất thường hôm được hôm không. Có lớp trên 50 học sinh nhưng phòng máy chỉ có hơn 20 máy hoạt động được nên khi học chung, nhiều em không kịp làm bài thực hành của mình”.

img_9769(1).jpg
Hầu hết các máy tính của Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm được trang bị lâu năm nên không có thiết bị thay thế

Theo ông Đinh Việt Anh, Hiệu phó Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, máy tính được cấp đã sử dụng lâu năm, hư hỏng nhiều nên trường luôn ở trong tình trạng thiếu máy để học sinh thực hành. Để khắc phục tình trạng thiếu máy tính, trường đã kêu gọi xã hội hóa để bổ sung, nhưng kết quả còn hạn chế.

Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, phường Nghĩa Đức được trang bị phòng thực hành môn Tin học với 25 máy tính. Tuy nhiên, số máy tính sử dụng được hiện chỉ còn 8 máy.

Thầy giáo Nguyễn Duy Thanh phụ trách bộ môn Tin học, Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai cho biết: “Các máy tính gần như không kết nối được với internet vì cấu hình rất yếu. Trong số 8 máy dùng được chỉ có 5 máy chạy tương đối ổn định. Số lượng máy tính ít trong khi các lớp bình quân đều 40 học sinh trở lên nên việc học phần thực hành đạt hiệu quả chưa cao. Mỗi lần tổ chức kiểm tra hay thi chỉ được 5-8 học sinh nên mất rất nhiều thời gian. Trường cần có thêm 20 máy tính nữa mới bảo đảm để học sinh được thực hành hết”.

Cũng theo thầy giáo Thanh, Tin học là môn đặc thù và có đến 60% thời lượng là thực hành trên máy tính. Nếu ở lớp học sinh không được thực hành thì về nhà dù có máy các em cũng không thể tự luyện tập, học được giống các bộ môn khác. Trong khi đó, chương trình Tin học của lớp 3, lớp 4 đòi hỏi cao. Nhiều phần đã làm lập trình nên không đủ máy để thực hành là điều thiệt thòi cho học sinh.

img_0796(1).jpg
Phòng thực hành môn Tin học của Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai nhìn "hoành tráng" nhưng chỉ có 8 máy hoạt động được

Việc thiếu máy tính để dạy và học không chỉ riêng với Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai mà là tình trạng chung của các cơ sở giáo dục khác trên địa bàn TP. Gia Nghĩa.

22 trường nhưng chỉ có 8 giáo viên chuyên môn Tin học

Cùng với thiếu máy tính, điều đáng lo hơn của các nhà trường là tình trạng thiếu giáo viên dạy bộ môn Tin học. Ông Bùi Ngọc Đương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai cho biết: “Trường hiện có 1.183 học sinh các khối lớp. Theo chương trình giáo dục phổ thông mới thì môn Tin học là môn bắt buộc đối với lớp 3, lớp 4 và đến năm học 2024-2025 áp dụng thêm khối lớp 5. Tuy nhiên, hiện tại trường không có giáo viên chuyên môn Tin học.

Để đáp ứng yêu cầu dạy học, trường tạo điều kiện để một giáo viên bộ môn có chứng chỉ Tin học B đi tập huấn, bồi dưỡng thêm về phụ trách môn Tin học cho các khối lớp. Nếu áp dụng dạy bắt buộc đối với cả học sinh lớp 5 thì trường cần có thêm một giáo viên bộ môn Tin học nữa mới bảo đảm yêu cầu.

img_0808(1).jpg
Số lượng máy hư hỏng nhiều nên học sinh phải học chung máy dẫn đến tình trạng học thực hành không đạt hiệu quả

Bà Lê Thị Như Hương, Phó Trưởng Phòng GD-ĐT TP. Gia Nghĩa thì việc triển khai dạy môn Tin học ở các nhà trường đang gặp nhiều khó khăn do thiếu trang thiết bị và giáo viên. Để đáp ứng yêu cầu dạy và học cho giáo viên và học sinh, ngành Giáo dục thành phố đã đẩy mạnh xã hội hóa để bổ sung thêm số lượng máy tính. Riêng từ đầu năm 2023 đến nay các phòng và các trường đã kêu gọi hỗ trợ được 30 máy tính.

Tuy nhiên, số lượng học sinh ngày càng tăng và nhu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với các khối lớp cũng gia tăng khó khăn cho các trường, nhất là các trường tiểu học. Vì vậy, chất lượng bộ môn Tin học chưa được nâng cao theo mong muốn. Thống kê, bậc tiểu học và THCS có khoảng trên 250 máy tính, trong đó chỉ có khoảng 150 máy là hoạt động được.

img_0798(1).jpg
Học sinh chủ yếu học lý thuyết vì hầu hết máy tính bị hư hỏng

Cũng theo bà Hương, Gia Nghĩa hiện có 22 trường tiểu học, THCS và trường tiểu học-THCS nhưng chỉ có 8 giáo viên có trình độ đào tạo chuyên môn Tin học. Riêng bậc tiểu học không có giáo viên nào có trình độ chuyên môn Tin học. Những năm trước đây, các trường chủ yếu phân công giáo viên các bộ môn khác phụ trách dạy Tin học.

Để đáp ứng nhu cầu theo chương trình giáo dục phổ thông, năm 2023, Phòng GD-ĐT TP. Gia Nghĩa đã mở lớp bồi dưỡng cho một số giáo viên ở các trường để phụ trách dạy Tin học cho học sinh các khối lớp 3 và lớp 4. Đây cũng chỉ mới là giải pháp tình thế.

Bên cạnh đó, trên cơ sở có sự đồng thuận của phụ huynh, một số trường đã thực hiện hợp đồng với giáo viên bằng nguồn xã hội hóa. Tuy nhiên, theo bà Hương đây cũng chỉ là phương án bất đắc dĩ.

Nguyễn Hiền