Đắk Nông hỗ trợ tăng năng lực cạnh tranh cho hàng công nghiệp nông thôn
Các chương trình khuyến công đang tạo động lực cho công nghiệp nông thôn Đắk Nông tái sản xuất, mở rộng quy mô, gia tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Tạo sự khác biệt trong sản phẩm
Cà phê đặc sản của Công ty TNHH Dịch vụ và thương mại Tài Đức (Đắk Mil) hiện đang có mặt ở nhiều thị trường lớn trong nước nhờ chất lượng và hương vị đặc trưng.
Giám đốc công ty Lương Thị Hương cho biết, mỗi năm, nhu cầu thị trường mỗi khác nên bắt buộc doanh nghiệp phải làm mới để cho ra những sản phẩm phù hợp. Cụ thể, năm qua, doanh nghiệp đã tham gia rất nhiều lớp chế biến, rang xay nâng cao, bảo quản cà phê từ các chuyên gia đầu ngành.
Nguyên liệu đầu vào đã có nhiều thay đổi. Trước đây, nông dân chưa chú ý canh tác để ra một ly cà phê chất lượng, uống ngon mà còn phó mặc cho thời tiết. Giờ đây, sau khi hướng dẫn kỹ thuật, người dân đã tuân thủ chặt chẽ các quy trình canh tác, nhất là hái chín 100% nên chất lượng nguyên liệu ngày càng đạt chuẩn.
Năm nay, thị trường nhu cầu nhiều nên công ty đã mở rộng nhà xưởng và thuê thêm nhân công có tay nghề. Đặc biệt, thông qua nguồn Quỹ Khuyến công quốc gia, năm nay, doanh nghiệp đã được hỗ trợ đầu tư thêm một số máy móc công nghệ mới.
“Mọi năm, cà phê tại công ty được chế biến ướt. Năm nay, công ty được hỗ trợ máy bắn màu giúp tỷ lệ hạt cà phê được phân loại chính xác hơn Thiết bị mới không chỉ hạn chế ảnh hưởng tới môi trường, mà còn giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ lại lượng đường trong cà phê, tạo hương thơm nhiều hơn”, bà Hương chia sẻ.
Mặc dù ra đời sau nhưng sản phẩm mắc ca Minh Phong của Công ty TNHH sản xuất, thương mại, xuất nhập khẩu Minh Phong (Đắk Song) đã có chỗ đứng trên thị trường và giữ chân khách hàng nhờ sản phẩm chất lượng cao, uy tín.
Ông Nguyễn Minh Hoàng, giám đốc công ty cho biết, sản phẩm mắc ca của doanh nghiệp được đánh giá cao về chất lượng đó là nhờ bí quyết rang sấy riêng. Sản phẩm lại chủ yếu được thu hái từ những nương rẫy, không sử dụng các loại thuốc hóa học, không lạm dụng phân bón vô cơ. Nhờ đó, hạt mắc ca của công ty rất tự nhiên, thân thiện với môi trường, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Để chủ động vùng nguyên liệu, ổn định cho chế biến, công ty đang liên kết với người dân trên địa bàn cùng nhau xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn. Hiện nay, vùng nguyên liệu của công ty đã được mở rộng hơn 100ha. Doanh nghiệp đã đầu tư máy sấy, máy rang, mở rộng quy mô sản xuất để đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Nhiều chương trình hỗ trợ
Để năng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm hàng hoá không chỉ có chất lượng, mà còn phải trang bị thêm những kỹ năng cần thiết để doanh nghiệp công nghiệp nông thôn nhạy bén, bắt nhịp với những thay đổi của thị trường.
Nhận thấy nhu cầu đó, UBND tỉnh Đắk Nông vừa phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Đà Nẵng tổ chức lớp tập huấn trang bị kiến thức và kỹ năng về chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn.
Nhiều nội dung về chiến lược và tầm nhìn của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thực thi chuyển đổi số, thách thức, rào cản và các giải pháp, lộ trình triển khai chuyển đổi số được các chuyên gia tập trung thông tin. Từ đó, các doanh nghiệp được tiếp cận, trải nghiệm các nền tảng số để nâng cao năng lực cạnh tranh trong giai đoạn mới.
Năm 2023, thông qua Đề án Khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương, Đắk Nông đã có nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp được hỗ trợ đầu tư máy móc, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất. Từ đó, từng bước thích ứng với sự dịch chuyển của nền kinh tế, cũng như đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.
Ông Nguyễn Thanh Tòng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, Sở Công thương cho hay: "Năm 2024 chúng tôi tập trung hỗ trợ doanh nghiệp đã có nền tảng, có máy móc thiết bị cần hiện đại hóa. Từ đó giúp các doanh nghiệp có nền tảng dễ dàng phát triển nhanh, thuận lợi hơn trong quá trình tiếp cận thị trường".