Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Tokyo bắt đầu tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 11:45, 15/12/2023

Khoảng 13 giờ chiều 15/12 (giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam hạ cánh xuống sân bay quốc tế Haneda (Thủ đô Tokyo) bắt đầu chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản và hoạt động song phương tại Nhật Bản từ ngày 15 đến 18/12 theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Tokyo bắt đầu tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản ảnh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới sân bay quốc tế Haneda (Tokyo).

Ra sân bay đón Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam về phía Nhật Bản có Thứ trưởng Ngoại giao Komura Masahiro, Cục trưởng Lễ tân Shimada, Liên lạc viên của Thủ tướng Chính phủ Hiroto; về phía Việt Nam có Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu, một số cán bộ, nhân viên Đại sứ quán.

Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản được tổ chức tại Tokyo từ ngày 16 đến 18/12/2023 là dịp đặc biệt quan trọng; diễn ra vào dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai bên.

Dự kiến các Lãnh đạo ASEAN và Nhật Bản sẽ kiểm điểm lại quá trình hợp tác 50 năm qua, từ đó đề ra tầm nhìn và định hướng phát triển quan hệ trong giai đoạn mới.

Dự kiến, Hội nghị sẽ thông qua 2 văn kiện gồm: “Tuyên bố Tầm nhìn về Quan hệ Hữu nghị và Hợp tác ASEAN-Nhật Bản: Đối tác tin cậy” và “Kế hoạch triển khai Tuyên bố tầm nhìn về Quan hệ Hữu nghị và Hợp tác ASEAN-Nhật Bản: Đối tác tin cậy”; nhằm cụ thể hóa những kết quả trao đổi của các Nhà lãnh đạo tại Hội nghị.

Nhật Bản tham gia sâu rộng vào các tiến trình hợp tác chính trị-an ninh khu vực, là một trong những đối tác cùng ASEAN sáng lập các diễn đàn như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM Plus)…; ủng hộ đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN; chủ động, đề xuất nhiều sáng kiến hợp tác phòng chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, hợp tác an ninh biển, an ninh mạng, tội phạm kinh tế…

Nhật Bản là đối tác thương mại và đầu tư quan trọng của ASEAN: là đối tác thương mại lớn thứ 4 và đầu tư FDI đứng thứ 2 của ASEAN trong năm 2022. Hợp tác kinh tế đầu tư giữa ASEAN và Nhật Bản được triển khai qua nhiều cơ chế/khuôn khổ khác nhau, trong đó có Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP).

Nhật Bản cũng là đối tác tích cực đóng góp cho triển khai Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI) và hỗ trợ thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Tokyo bắt đầu tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản ảnh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới sân bay quốc tế Haneda (Tokyo).

Nhật Bản là một trong những đối tác quan trọng hỗ trợ ASEAN xây dựng cộng đồng và hội nhập khu vực thông qua Quỹ Hội nhập Nhật Bản-ASEAN (JAIF). Tháng 5/2019, ASEAN và Nhật Bản cũng đã ký Hiệp định Hợp tác Kỹ thuật ASEAN-Nhật Bản (TCA) nhằm tạo điều kiện cho Nhật Bản hỗ trợ tốt hơn cho hợp tác phát triển cho toàn khu vực ASEAN.

Hai bên ủng hộ phối hợp duy trì đà hợp tác, nhất là tập trung kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm chuỗi cung ứng thương mại và đầu tư và thúc đẩy phục hồi.

Nhật Bản dành 50 triệu USD hỗ trợ ASEAN thành lập Trung tâm ASEAN ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi (AC-PHEED), đồng thời khẳng định tiếp tục hỗ trợ Trung tâm này đi vào hoạt động bền vững.

Nhật Bản đã hỗ trợ gói trang thiết bị y tế trị giá hơn 200 triệu USD song phương cho các nước ASEAN; đã hỗ trợ ASEAN 16 triệu liều vaccine cho các nước ASEAN trong tổng số 30 triệu liều cung cấp ra nước ngoài, dành 2,5 tỷ yên thiết lập kho lạnh bảo quản và vận chuyển vaccine, hỗ trợ vật tư, công nghệ y tế, máy tạo oxy cho nhiều nước ASEAN.

Trong thúc đẩy phục hồi toàn diện, hai bên nhất trí tăng cường thương mại và đầu tư, ủng hộ việc duy trì chuỗi cung ứng khu vực, đẩy mạnh hợp tác về chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực trong nền kinh tế số, quản lý thiên tai, chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng xanh…

Nhật Bản tích cực hỗ trợ ASEAN triển khai Khung Phục hồi tổng thể với khoản cho vay trị giá 192 tỷ yên với lãi suất thấp nhất…

Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Tokyo bắt đầu tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản ảnh 2
Ra sân bay đón Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam về phía Nhật Bản có Thứ trưởng Ngoại giao Komura Masahiro, Cục trưởng Lễ tân Shimada, Liên lạc viên của Thủ tướng Chính phủ Hiroto.

Đối với quan hệ song phương Việt Nam-Nhật Bản: từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973 cho đến nay, Việt Nam và Nhật Bản đã lần lượt xác lập khuôn khổ quan hệ từ Đối tác tin cậy, ổn định lâu dài năm 2002 lên Đối tác chiến lược vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á năm 2009, Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á năm 2014 và Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới ngày 27/11/2023.

Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất, đối tác hợp tác lao động thứ 2, nhà đầu tư số 3, đối tác du lịch thứ 3, thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.

Về thương mại: hai nước đã dành cho nhau thuế suất tối huệ quốc từ 1999. Trong 9 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Nhật Bản đạt trên 32,9 tỷ USD, giảm 7,9% so cùng kỳ năm 2022; trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 17,2 tỷ USD, giảm 3,8 %, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Nhật Bản đạt 15,7 tỷ USD, giảm 12 % so cùng kỳ năm 2022.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Tokyo bắt đầu tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản ảnh 3
Lễ đón Thủ tướng Phạm Minh Chính tại sân bay quốc tế Haneda (Tokyo).

Đầu tư FDI của Nhật Bản vào Việt Nam lũy kế tính đến 20/9/2023, đạt 71,3 tỷ USD với 5.198 dự án còn hiệu lực, xếp thứ 3/143 các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng vốn FDI của Nhật Bản vào Việt Nam đạt khoảng 2,9 tỷ USD, tăng 50 % so cùng kỳ 2022. Về viện trợ ODA: Nhật Bản là nước cung cấp vốn vay bằng đồng Yên cho Việt Nam lớn nhất, tổng giá trị vay tính đến hết năm tài khóa 2020 là 2.812,8 tỷ yên (tương đương 27,5 tỷ USD), chiếm hơn 26% tổng vốn ký kết vay nước ngoài của Chính phủ)…

Chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao và hoạt động song phương tại Nhật Bản lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ góp phần củng cố và thúc đẩy mối quan hệ giữa ASEAN-Nhật Bản nói chung, Việt Nam-Nhật Bản nói riêng lên một tầm cao mới, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển thịnh vượng ở khu vực cũng như thế giới.

THANH GIANG