Tây Phi tìm lời giải cho "bài toán an ninh"
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 08:32, 14/12/2023
Trong số 15 nước thành viên ECOWAS, có 4 quốc gia gồm Mali, Burkina Faso, Niger và Guinea hiện do quân đội nắm quyền kiểm soát sau các cuộc đảo chính từ năm 2020. Sierra Leone ngăn chặn kịp thời âm mưu đảo chính ngày 30/11 vừa qua. Hội nghị thượng đỉnh gần nhất của ECOWAS diễn ra hồi đầu tháng 8, tập trung chủ yếu vào tình hình ở Niger sau cuộc đảo chính quân sự khiến Tổng thống Mohamed Bazoum bị phế truất và giam lỏng tại dinh thự ở thủ đô Niamey. Khi đó, các nguyên thủ quốc gia Tây Phi không loại trừ khả năng can thiệp quân sự để khôi phục chức vụ cho ông Bazoum và áp đặt trừng phạt kinh tế và tài chính nghiêm khắc đối với Niger.
Tại hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo Tây Phi nỗ lực tìm cách ngăn chặn làn sóng đảo chính lan rộng trong khu vực. Chủ tịch Ủy ban ECOWAS Omar Touray nêu rõ, bất chấp lệnh trừng phạt và những nỗ lực của ECOWAS, lực lượng đảo chính ở Niger tiếp tục củng cố quyền lực, trong khi chính quyền quân sự ở Mali và Burkina Faso đã ngừng hợp tác với khối trong tiến trình chuyển tiếp sang chế độ dân sự. Ông Touray đánh giá, tiến độ thực hiện kế hoạch chuyển tiếp dân sự ở những nước này đã chững lại. Chủ tịch luân phiên ECOWAS, Tổng thống Nigeria Bola Ahmed Tinubu nêu bật sự cần thiết tiếp tục tăng cường hợp tác với các chính quyền quân sự thúc đẩy tiến trình chuyển tiếp.
Khu vực Tây Phi phải đối mặt với thách thức lớn trong việc ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan bạo lực và quản lý vũ khí, trong đó kiểm soát vũ khí là yếu tố thiết yếu. Tại Tây Phi, các cuộc xung đột địa phương và xuyên biên giới ngày càng tăng, nhiều nhóm vũ trang, nhóm cực đoan hình thành. Xu hướng này lan rộng hơn do sự phổ biến các loại vũ khí thông thường bất hợp pháp, nhất là vũ khí hạng nhẹ, đạn dược và chất nổ, vốn thường được sử dụng trong các hoạt động khai thác vàng trái phép và các vụ tấn công, bạo lực. Số liệu thống kê cho thấy, các nhóm vũ trang vô chính phủ ở châu Phi nắm giữ hơn 40 triệu vũ khí hạng nhẹ, chiếm gần 80% số vũ khí lưu hành trên lục địa này, trong khi các lực lượng quốc phòng và an ninh chỉ nắm giữ chưa đến 11 triệu vũ khí hạng nhẹ.
Tình hình an ninh tại nhiều nước Tây Phi, nhất là các các quốc gia sau đảo chính đối mặt nhiều nguy cơ, trong bối cảnh Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Mali (MINUSMA) đã hoàn tất rút quân khỏi quốc gia Tây Phi này và quân đội Pháp dự kiến hoàn tất rút quân khỏi Niger trước ngày 22/12 tới. Niger từng là đối tác quan trọng của các nước phương Tây, nhưng kể từ sau cuộc đảo chính, nước này đã thu hồi các hiệp ước an ninh với Liên minh châu Âu (EU) và Pháp, đồng thời chấm dứt hai hiệp ước với Pháp. Chịu sự trừng phạt của ECOWAS, nền kinh tế Niger rơi vào khủng hoảng trầm trọng, nguy cơ bất ổn càng gia tăng.
Mali cũng đứng trước mối đe dọa an ninh lớn sau khi MINUSMA rút đi. Ðược triển khai từ năm 2013 tại Mali, MINUSMA có sự tham gia của 11.700 binh sĩ đến từ 65 quốc gia. Hồi tháng 6, chính quyền quân sự ở Mali đã yêu cầu MINUSMA rời khỏi nước này. Việc MINUSMA rút đi có thể khiến giao tranh gia tăng giữa các nhóm vũ trang ở miền Bắc Mali nhằm tranh giành quyền kiểm soát lãnh thổ. Jama’at Nusrat al-Islam wal Muslimeen (JNIM) - một nhóm Hồi giáo cực đoan có liên hệ với tổ chức khủng bố Al-Qaeda, mới đây tuyên bố đã chiếm giữ một căn cứ quân sự ở miền Bắc Mali, gây thiệt hại nặng nề cho quân đội nước này.
Những "lỗ hổng an ninh" cùng với tình trạng khủng hoảng sau đảo chính ở một số quốc gia Tây Phi đang đặt ra nhiều thách thức cho khu vực. Không chỉ tăng cường hợp tác để giải "bài toán an ninh", các nước Tây Phi cần một giải pháp tổng thể, trong đó bao gồm cả các biện pháp phát triển kinh tế, duy trì trật tự, ổn định xã hội cho toàn khu vực.