Nâng cao năng lực ngành logistics bằng hệ sinh thái mở
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 08:29, 13/12/2023
Dồn dập vốn đổ vào thị trường logistics ViệtHiệp định EVFTA, cơ hội lớn cho ngành logistics Việt Nam |
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, logistics là ngành dịch vụ có vai trò thiết yếu, đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm cho người lao động. Đặc biệt, với tốc độ 14-17% và quy mô 40-42 tỷ USD mỗi năm, ngành logistics trong nước đang trải qua thời kỳ tăng trưởng bùng nổ chưa từng có.
Dù vậy theo các chuyên gia, ngành này vẫn còn hạn chế như hạ tầng logistics còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ và thiếu liên kết; quy hoạch cảng biển còn bất cập, chưa có cảng đầu mối, các trung tâm logistics lớn; sự liên kết giữa các phương thức vận tải, năng lực vận tải còn thấp. Từ đó dẫn tới chi phí logistics Việt Nam trung bình ở mức 16,8 - 17% cao hơn nhiều so với bình quân của thế giới.
Hệ sinh thái mở giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho logistics Việt (Ảnh minh họa) |
Để góp phần giải quyết các điểm nghẽn, đưa ngành logistics cất cánh, ông Phạm Hải Anh, Phó Tổng Giám đốc Sowatco, Thành viên Sotrans Group, thành viên Tập đoàn ITL cho rằng, cần tận dụng hơn nữa hệ thống sông ngòi sẵn có ở các đồng bằng thông qua phương thức vận chuyển sà lan kết hợp với phát triển hệ thống cảng cạn, ICD có bến kết nối với sà lan.
Ông Phạm Hải Anh lấy ví dụ, tại Đồng bằng sông Cửu Long, giá cước trung bình một container từ Cần Thơ đi Cái Mép dao động 8,5 - 9 triệu đồng. Nếu phát triển được hệ thống vận tải đường thủy bằng sà lan, kết hợp với các ICD để kết nối với đường bộ thì có thể giảm chi phí đến 50%. “Sà lan là giải pháp hợp lý trong tương lai gần. Ngay cả về dài hạn, việc phát triển thêm các cảng biển và trung tâm logistics quy mô lớn và kết nối giao thông thủy bằng sà lan cũng là phương pháp tối ưu", ông Phạm Hải Anh nhận định.
Đề xuất này của ông Hải Anh xuất phát từ kinh nghiệm thực tế không chỉ đang triển khai tại Sotrans Group mà còn ở toàn bộ ITL. Theo đó, doanh nghiệp này đang sở hữu hệ sinh thái logistics mở, giúp mang đến nhiều giải pháp vận chuyển linh hoạt theo nhu cầu khách hàng.
Đến nay, hệ sinh thái ITL vận hành 30 sà lan, phối hợp chặt chẽ với hạ tầng mạnh mẽ, gồm hơn 5 cảng và ICD từ Bắc tới Nam, tổng diện tích kho bãi lên đến 500.000 m2. Cùng với đó là đội xe tải và container hiện đại gồm 500 phương tiện sẽ giúp các phương thức vận chuyển được tổ chức hợp lý, tối ưu về thời gian lẫn chi phí.
“Trong hệ sinh thái của mình, chúng tôi đang tiếp tục phát triển năng lực vận chuyển bằng sà lan, cũng như hệ thống cơ sở hạ tầng (cảng cạn, ICD) quanh các sông. Hướng đi này tạo ra sự linh hoạt trong kết hợp vận tải đa phương thức và tăng hiệu suất đội xe tốt hơn, giúp tiết kiệm chi phí một cách đáng kể", ông Alexander Olsen, Phó Chủ tịch Khối Vận tải Quốc tế và Thương mại của ITL cho biết.
Bên cạnh hệ sinh thái mở, chuyển đổi số cũng là giải pháp tháo điểm nghẽn cho ngành logistics. Lý giải điều này, các chuyên gia cho biết, vấn đề gián đoạn hay chồng chéo thông tin trong hoạt động giao vận của chuỗi cung ứng đang là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp ngành logistics. Do vậy việc nắm bắt thông tin kịp thời là một yếu tố quan trọng, giúp các bên liên quan nắm bắt được tình trạng của hàng hóa, nguyên vật liệu, lịch trình giao nhận... nhằm phối hợp hoạt động liền mạch và hiệu quả.
Đối với giải pháp này, một số doanh nghiệp lớn như Công ty Tân Cảng, Gemadept, Vinafco, U&I, TBS, Transimex, Sotrans… đã áp dụng thành công giải pháp công nghệ, mang lại hiệu quả cho dịch vụ logistics, giảm đáng kể chi phí liên quan.
Theo đánh giá của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, những giải pháp nói trên không chỉ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam về mặt chi phí mà còn thực hiện mục tiêu quan trọng về xanh hóa nền kinh tế. Với một hệ sinh thái hoàn chỉnh và rộng mở, các giải pháp vận chuyển sẽ không ngừng cải thiện hiệu quả về năng lượng và hiệu suất.