Năm 2024: Ngành điện dồn lực cho các công trình cấp và truyền tải điện
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 07:29, 13/12/2023
Nhiều giải pháp đảm bảo cấp điện cho nền kinh tế năm 2024EVN đồng bộ nhiều giải pháp đảm bảo cấp điện năm 2024 Bộ Công Thương chỉ đạo nhà máy nhiệt điện than và thuỷ điện, đảm bảo điện cuối năm 2023 và năm 2024Bộ Công Thương phê duyệt kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024 |
Năm 2023, Việt Nam thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, nhu cầu tiêu dùng và các hoạt động kinh tế tiếp tục suy giảm, kinh tế thế giới tăng trưởng thấp hơn dự báo, tiềm ẩn nhiều rủi ro trước những yếu tố, diễn biến thiếu khó lường của kinh tế, chính trị toàn cầu, nợ công, chuỗi cung ứng hàng hóa chiến lược (như dầu thô, lương thực, chất bán dẫn...), các thị trường tài chính, tiền tệ, thiên tai, thời tiết cực đoan … tác động tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới, sự phục hồi và phát triển ổn định của các quốc gia, nhất là các nền kinh tế lớn, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của Việt Nam. Cùng với đó, yêu cầu phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn vừa là cơ hội, nhưng cũng là thách thức khi nhiều quốc gia phát triển đưa ra các hàng rào, tiêu chuẩn mới với hàng nhập khẩu
Ở trong nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng kinh tế chung suy giảm mạnh so với năm 2022. Thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, thiếu đơn hàng, đà tăng trưởng thị trường trong nước có dấu hiệu chững lại, giá xăng dầu và nhiều loại hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất, chi phí sản xuất, vận tải còn ở mức cao, áp lực cạnh tranh và sự gia tăng các rào cản kỹ thuật tại các thị trường xuất khẩu, nhiều bất cập, vướng mắc nội tại sau nhiều năm tích tụ tiếp tục bộc lộ…, tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh, việc làm và đời sống của người lao động.
Năm 2023 hiện tượng El Nino khiến lượng mưa thấp, nước về các hồ thủy điện giảm dẫn đến không đủ nước cho sản xuất điện |
Cùng với đó là các yếu tố bất thường của thời tiết, nắng nóng cùng hiện tượng El Nino đã khiến lượng mưa giảm, nước về các hồ thủy điện, hồ chứa hơn thấp trung bình nhiều năm đã ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà máy thủy điện phải dừng, giảm công suất phát điện do không có nước...Trong bối cảnh đó, ngành điện đã có nhiều nỗ lực để đảm bảo cao nhất nguồn cung điện cho nền kinh tế.
Nhìn lại một năm “Ngược gió”
Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện năm 2023 ước đạt 280,6 tỷ kWh, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 98,6% so với Kế hoạch năm 2023 được duyệt, cơ bản, phụ tải bám sát kế hoạch năm 2023 do Bộ phê duyệt.
Theo đó, đối với công tác quản lý nhà nước, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành và đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn để đưa các dự án nguồn điện lớn có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện đi vào vận hành, huy động tối đa các nguồn lực bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt như: Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 (1.200 MW), Vân Phong 1 (hoàn thành Tổ máy 1 – 716 MW).
Đồng thời, chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị liên quan đảm bảo tiến độ đầu tư, xây dựng các công trình nguồn điện, lưới điện trọng điểm, đặc biệt là các công trình lưới điện 500 kV mạch 3 kéo dài từ Quảng Trạch đến Phố Nối. Nhiều công trình lưới đã hoàn thành và sớm đưa vào vận hành như: Trạm biến áp 500kV Long Thành (đấu nối 220kV), đường dây 500kV Sông Hậu - Đức Hòa (GĐ2: từ VT78 - TBA 500 kV Đức Hòa), Trạm biến áp 220kV Cam Ranh, Trạm biến áp 220 kV Tây Ninh và ĐZ 220kV Tây Ninh -Tân Biên, Nhánh rẽ 220kV TBA 220kV Krông Ana…
Liên quan đến Chương trình Đầu tư công Cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo, giai đoạn 2021-2025: Bộ Công Thương đã trình Chính phủ xem xét, hoàn thiện hồ sơ theo ý kiến của các thành viên Chính phủ về Nghị quyết Chương trình đầu tư công trong đó kiến nghị Chính phủ: Trình Quốc hội bổ sung nguồn dự phòng ngân sách trung ương cho dự án Cấp điện Huyện đảo Côn Đảo; phê duyệt cơ chế tài chính và hiệu chỉnh kỹ thuật Chương trình Chuyển dịch Năng lượng Bền vững Việt Nam – EU (SETP) và trình Quốc hội đưa nguồn vốn Chương trình SETP vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025; trình Quốc hội có nghị quyết riêng về giao vốn đầu tư công cho EVN đối với các dự án/tiểu dự án thuộc Chương trình.
Đồng thời, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về điều tiết hoạt động điện lực, trong đó đã đề nghị xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) và thực hiện Chương trình xây dựng văn bản quy phạm, pháp luật năm 2023 liên quan đến công tác điều tiết hoạt động điện lực.
Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh điện đã từng bước công khai, minh bạch. Bộ Công Thương đã thành lập Đoàn kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tiến hành kiểm tra tại EVN và các đơn vị thành viên; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan tổ chức công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm 2022 của EVN; Thực hiện công khai trên trang thông tin điện tử của Bộ về tỷ giá USD, giá than, giá dầu trong nước và thế giới, giá khí, cơ cấu sản lượng điện mua, giá mua điện bình quân hàng tháng, phụ tải cực đại, công suất khả dụng của hệ thống điện...
Hoạt động kinh doanh điện đã từng bước công khai, minh bạch (Ảnh: minh họa) |
Đại diện Cục Điều tiết Điện lực cho biết, năm 2023 Bộ Công Thương đã xây dựng phương án giá bán điện bình quân (hàng năm và trong năm). Cụ thể, chỉ đạo EVN phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá kỹ các tác động đến tình hình kinh tế vĩ mô và các nhóm khách hàng sử dụng điện để đề xuất lộ trình điều chỉnh giá bán lẻ điện năm 2023 và mức độ điều chỉnh phù hợp, đảm bảo ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.
”Trên cơ sở phương án giá điện do EVN xây dựng, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, giá bán lẻ điện bình quân năm 2023 đã được EVN điều chỉnh tăng 02 lần: tăng 3%, lên mức 1.920,3732 đồng/kWh, chưa bao gồm VAT (từ ngày 04/5/2023) và tăng 4,5%, lên mức 2.006,79 đồng/kWh, chưa bao gồm VAT (từ ngày 09/11/2023).”- đại diện Cục Điều tiết Điện lực cho biết.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đã ban hành quy định về giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện và giá bán điện cho các đơn vị bán lẻ điện; ban hành khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp; ban hành biểu giá chi phí tránh được năm 2023; phê duyệt khung giá phát điện năm 2023 áp dụng cho nhà máy nhiệt điện than và thủy điện; Ban hành giá dịch vụ phụ trợ năm 2023 của các nhà máy điện Ninh Bình, Cần Thơ - Ô Môn, Bà Rịa, Thủ Đức.
Ngoài ra, Bộ cũng đã tiến hành kiểm tra, đôn đốc các đơn vị phát điện đủ điều kiện tham gia thị trường phát điện cạnh tranh. Tính đến ngày 15/11/2023, có 110 nhà máy điện trực tiếp tham gia chào giá trên thị trường điện cạnh tranh với tổng công suất đặt là 30.909,5 (MW) chiếm khoảng 38% tổng công suất đặt toàn hệ thống và 06 đơn vị mua buôn điện (EVN, các Tổng công ty Điện lực: miền Bắc, miền Trung, miền Nam, TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh) trực tiếp tham gia mua điện trên thị trường giao ngay, ký hợp đồng song phương với các nhà máy điện; trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo hồ sơ xây dựng nghị định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng lớn
Công tác cấp giấy phép hoạt động điện lực được thực hiện trên cổng dịch vụ công trực tuyến đảm bảo thuận tiện, tiết giảm chi phí cho đơn vị đề nghị cấp phép. Đến tháng 11/2023, Bộ Công Thương đã tiếp nhận 329 hồ sơ đề nghị cấp giấp phép hoạt động điện lực; đã thẩm định, kiểm tra điều kiện, cấp 183 giấy phép, từ chối 31 hồ sơ không đủ điều kiện. Có 115 hồ sơ đang được Bộ thẩm định, kiểm tra điều kiện.
Đặc biệt, Bộ đã ban hành nhiều văn bản và tổ chức các đoàn kiểm tra công tác xử lý sự cố, chuẩn bị nhiên liệu phục vụ phát điện năm 2023 và kế hoạch năm 2024. Việc cung ứng điện trong năm 2023 về cơ bản được đảm bảo, tuy nhiên, trong một số thời điểm cuối mùa khô năm 2023, khu vực miền Bắc đối mặt với tình trạng thiếu điện do thủy văn khô hạn bất thường, nắng nóng cực đoan, nhu cầu sử dụng điện tăng cao đột biến, kéo dài.
Dự báo năm 2024, tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện (tại đầu cực máy phát) và nhập khẩu của toàn quốc năm 2024 đạt khoảng 309,24 - 309,42 tỷ kWh, tăng khoảng 9,4 - 9,47% so với năm 2023, trong đó dự kiến điện thương phẩm đạt 290,1 tỷ kWh. Dồn lực cho đảm bảo nguồn cung điện trong năm 2024 là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của ngành Công Thương.
Dồn lực cho các công trình cấp và truyền tải điện
Để đảm bảo nguồn cung điện trong năm 2024 đặc biệt là trong các tháng mùa khô và mùa nắng nóng, Bộ Công Thương đã đề ra một loạt các giải pháp đồng bộ, chỉ đạo sát sao các đơn vị thuộc bộ và các doanh nghiệp điện triển khai thực hiện, trong đó tập trung đẩy mạng các dự án nguồn và truyền tải điện cũng như hoàn thiện hệ thống văn bản, quy phạm pháp luật để khơi thông các dự án.
Cụ thể, Bộ sẽ tập trung xây dựng dự thảo sửa đổi Luật Điện lực và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành điện.
Tiếp tục thực hiện các đề án trình Thủ tướng Chính phủ như: Xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch điện VIII; hoàn thiện Chiến lược phát triển ngành điện lực Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Thực hiện Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương về Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phối hợp với các Bộ, ngành, EVN và đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn, phấn đấu sớm đưa vào vận hành nhiều công trình lưới điện trong năm 2024 như: Đường dây 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu, Đường dây 500kV Quỳnh Lưu - Thanh Hóa, Đường dây 500kV NĐ Nam Định I - Phố Nối, Trạm biến áp 500 kV Bắc Ninh và đường dây đấu nối, Đường dây 500kV Thanh Hóa - Rẽ Nho Quan - Hà Tĩnh, Trạm biến áp 500kV Thanh Hóa…; đưa các dự án nguồn điện lớn có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện đi vào vào vận hành như Tổ máy 2 (714MW) - Nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1, các Nhà máy thủy điện: thủy điện Nậm Củm 4 (54 MW), Bản Mồng (45 MW), Ialy mở rộng (360 MW)... huy động tối đa các nguồn lực bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt.
Năm 2024, ngành điện sẽ dồn lực đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt. |
Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ thẩm định về đầu tư xây dựng công trình theo quy định tại Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, một số các Nghị định quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng, chất lượng thi công xây dựng, chi phí đầu tư xây dựng…
Bên cạnh đó, Bộ cũng chỉ đạo EVN và các đơn vị liên quan đảm bảo tiến độ đầu tư, xây dựng các công trình nguồn điện, lưới điện trọng điểm, đặc biệt là các công trình phục vụ giải tỏa công suất phát của các nguồn điện năng lượng tái tạo (gió, mặt trời).
Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án trọng điểm ngành điện, huy động tối đa các nguồn lực bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt, tuyệt đối không để thiếu điện.
Tiếp tục thực hiện tốt công tác điều hành giá điện năm 2024; ban hành biểu giá chi phí tránh được, khung giá phát điện, giá bán buôn điện cho các Tổng công ty Điện lực, giá truyền tải điện, giá dịch vụ phụ trợ năm 2024; kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện, kiểm tra phương án giá điện các nhà máy điện; Hoàn thiện dự thảo và quyết định thay thế Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2024.
Tiếp tục chỉ đạo, điều hành đảm bảo cung cấp đủ điện cho sản xuất, sinh hoạt trong năm 2024.
Giám sát vận hành thị trường điện, xử lý các vấn đề phát sinh, các vướng mắc, kiến nghị của các đơn vị tham gia thị trường điện; theo dõi, phối hợp với Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về các vấn đề liên quan đến Đề án chuyển đổi Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia thành Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện; Phối hợp với Văn phòng Chính phủ về phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành điện phục vụ thị trường bán lẻ điện cạnh tranh; đôn đốc EVN khẩn trương triển khai để sớm hoàn thành dự án cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ công tác điều khiển, điều độ hệ thống điện, điều hành giao dịch thị trường điện; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để hoàn thiện Chương trình thí điểm mua bán điện trực tiếp giữa khách hàng và đơn vị phát triển năng lượng tái tạo.
Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát các đơn vị đối với việc thực hiện các quy định thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao nhằm đảm bảo tuân thủ pháp luật về điện lực, hạn chế tối đa vi phạm trong lĩnh vực điều tiết điện lực.