Những thách thức về lương thực tại Mỹ Latin và Caribe

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 06:47, 13/12/2023

Liên hợp quốc cảnh báo các quốc gia khu vực Mỹ Latin và Caribe hiện đang “chệch hướng” khỏi triển vọng đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) cũng như các mục tiêu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt ra liên quan xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực và chống suy dinh dưỡng. Những thách thức nghiêm trọng này đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng trong khu vực lẫn nỗ lực của các tổ chức quốc tế.

Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) và Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO) mới đây vừa công bố báo cáo “Mỹ Latin và Caribe: Tổng quan về an ninh lương thực và dinh dưỡng”.

Tỷ lệ đói nghèo và tình trạng mất an ninh lương thực đã giảm tương đối tại khu vực Nam Mỹ trong giai đoạn 2021-2022. Ngược lại, ở Trung Mỹ và Mexico, tỷ lệ đói nghèo vẫn giữ nguyên và tỷ lệ mất an ninh lương thực có chiều hướng tăng, trong khi cả hai chỉ số này đều tăng mạnh tại khu vực Caribe.

Trong báo cáo này, các chuyên gia Liên hợp quốc cho biết, dù tỷ lệ đói nghèo và mất an ninh lương thực hiện nay tại khu vực đã giảm đi đôi chút so với năm 2021, song các chỉ số này vẫn tiếp tục ở mức cao hơn so với trước thời kỳ bùng phát đại dịch Covid-19.

Cụ thể, tỷ lệ đói nghèo và tình trạng mất an ninh lương thực đã giảm tương đối tại khu vực Nam Mỹ trong giai đoạn 2021-2022.

Ngược lại, ở Trung Mỹ và Mexico, tỷ lệ đói nghèo vẫn giữ nguyên và tỷ lệ mất an ninh lương thực có chiều hướng tăng, trong khi cả hai chỉ số này đều tăng mạnh tại khu vực Caribe. Các quốc gia có tỷ lệ mất an ninh lương thực nghiêm trọng nhất trong giai đoạn 2021-2022 lần lượt là Haiti (82,6%), Guatemala (59,8%), Honduras (56,1%), Jamaica (54,4%) và Cộng hòa Dominica (52,1%).

Theo một báo cáo khác của FAO mang tên “Toàn cảnh về An ninh lương thực và Dinh dưỡng năm 2023 của khu vực Mỹ Latin và Caribe”, tổ chức này cảnh báo, suy dinh dưỡng dưới mọi hình thức, bao gồm chậm phát triển ở trẻ em, thiếu vi chất dinh dưỡng, thừa cân và béo phì tiếp tục là thách thức đối với khu vực này. Khoảng 6,5% số dân Mỹ Latin và Caribe, tương đương 42,2 triệu người, đang rơi vào tình trạng thiếu lương thực. Thực trạng béo phì có chiều hướng gia tăng ở trẻ nhỏ, với khoảng 8,6% số trẻ dưới 5 tuổi, bên cạnh tỷ lệ khoảng 11,5% trẻ thấp còi ở độ tuổi này.

Báo cáo cũng chỉ ra, trong giai đoạn 2021-2022, số người thiếu lương thực tại Nam Mỹ dù giảm 3,5 triệu, nhưng số người suy dinh dưỡng lại tăng thêm 6 triệu so mức trước đại dịch. Còn ở Caribe, khoảng 7,2 triệu người dân khu vực này hứng chịu nạn đói trong năm 2022, tương đương khoảng 16,3% số dân nơi đây, nhiều hơn mức năm 2021 khoảng 700.000 người, trong đó Haiti là quốc gia hứng chịu hậu quả nặng nề nhất.

Đại diện của FAO cảnh báo, khu vực Mỹ Latin và Caribe đang đối mặt nhiều thách thức dai dẳng như bất bình đẳng, nghèo đói và biến đổi khí hậu, những yếu tố làm đảo ngược tiến bộ trong cuộc chiến chống nạn đói trong ít nhất 13 năm qua. Kịch bản này buộc chính phủ các quốc gia trong khu vực phải hợp tác và hành động càng sớm càng tốt.

Theo các chuyên gia, chi phí cho một chế độ ăn uống lành mạnh ở Mỹ Latin và Caribe có xu hướng tăng nhanh từ khoảng năm 2018 và “đạt đỉnh” vào năm 2021. Giá lương thực tăng cao, tình trạng bất bình đẳng dai dẳng, khủng hoảng khí hậu và ảnh hưởng về nguồn nhập khẩu lương thực do cuộc xung đột ở Ukraine là những yếu tố chính khiến khoảng 25% số người dân khu vực Mỹ Latin khó chi trả mức phí của các bữa ăn lành mạnh.

Theo FAO, hiện chi phí cho chế độ ăn uống lành mạnh tại Mỹ Latin và Caribe có giá khoảng 4,08 USD/người/ngày, trong khi mức trung bình của thế giới là 3,66 USD/ngày. Báo cáo của Liên hợp quốc cũng kết luận, mức độ ảnh hưởng của tình trạng mất an ninh lương thực ở phụ nữ cao hơn so với nam giới, đồng thời tỷ lệ dân số thiếu lương thực tăng lên khi quá trình đô thị hóa giảm xuống.

Nhiều tổ chức thuộc Liên hợp quốc đang lên tiếng kêu gọi cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribe tăng cường chuyển đổi hệ thống nông nghiệp, thực phẩm, cũng như cải thiện hệ thống y tế và bảo trợ xã hội bằng các hành động toàn diện và đa ngành hơn, từ đó giúp khu vực này có thể kịp hoàn thành đúng hạn các mục tiêu đề ra trong Chương trình nghị sự năm 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

HOÀI AN