Đoàn đại biểu Quốc hội - HĐND

"Nóng" vấn đề thiếu giáo viên và hụt thu ngân sách

Nhóm PV 12/12/2023 17:22

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 12/12, Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Đắk Nông khóa IV, nhiệm kỳ 2021-2026 tập trung thảo luận tại hội trường các vấn đề nêu ra.

Đồng chí Lưu Văn Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông chủ trì, điều hành phiên thảo luận.

hinh-chu-tri-1(1).jpg
Chủ tọa Kỳ họp điều hành phiên thảo luận.

Tại phiên thảo luận, các ý kiến đại biểu tập trung vào khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, hụt thu ngân sách, thiếu giáo viên...

Đại biểu Vũ Tiến Lư, huyện Đắk Glong cho biết, mỗi năm học Đắk Glong tăng khoảng 1.000 hoc sinh nên đòi hỏi cơ sở vật chất, giáo viên phải tăng lên. Tuy nhiên, huyện lại đang thực hiện tinh giảm biên chế, đồng thời việc ký hợp đồng đối với giáo viên đứng lớp đối với một số môn như tin học, mỹ thuật… gặp khó khăn. Đại biểu Vũ Tiến Lư đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông có biện pháp giải quyết có hiệu quả tình trạng thiếu giáo viên để nâng cao chất lượng giáo dục cho huyện Đắk Glong.

Trả lời, giải trình về vấn đề thiếu biên chế giáo viên, Giám đốc Sở Nội vụ Đắk Nông Nguyễn Thị Thu Hường cho biết, mới đây, Ban Tổ chức Trung ương đã giao bổ sung 316 chỉ tiêu biên chế giáo viên cho tỉnh Đắk Nông. Thế nhưng, theo lộ trình tinh giảm biên chế, tỉnh Đắk Nông phải cắt giảm 323 biên chế sự nghiệp. Như vậy, số chỉ tiêu giao thấp hơn số cắt giảm, nên tình trạng thiếu giáo viên trong các năm tới sẽ vẫn diễn ra.

hinh-chu-tri-2(1).jpg
Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đắk Nông Nguyễn Thị Thu Hường trả lời kiến nghị về thiếu giáo viên.

Hiện nay, tỉnh Đắk Nông có hai huyện là Tuy Đức và Đắk Glong đang thiếu nhiều giáo viên. Tuy nhiên khi tuyển dụng lại không được do điều kiện công tác khó khăn, vùng sâu vùng xa, thu nhập thấp. Đồng thời, quy định giáo viên phải đạt trình độ nhất định (như giáo viên cấp tiểu học trở lên phải tốt nghiệp đại học) gây khó khăn trong công tác tuyển dụng. Từ khi Nghị định 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ Về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập có hiệu lực, địa phương đã có “cơ chế mở” để hợp đồng giáo viên. Do đó, trong thời gian tới, ngành Giáo dục phải có giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ. Từ nay đến 2030, tỉnh phải tập trung công tác đào tạo để đạt chuẩn đầu vào của giáo viên.

Về vấn đề này, đại biểu Lê Văn Chiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông cho rằng, chuẩn giáo viên theo quy định hiện nay là phải tốt nghiệp đại học. Do đó, địa phương cần làm việc, động viên giáo viên chưa đủ chuẩn tiếp tục học nâng cao và đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng. Tại Chương trình đối thoại với thanh niên do tỉnh tổ chức mới đây, nhiều đoàn viên, thanh niên đề nghị được quan tâm, giải quyết, giới thiệu việc làm. Tuy nhiên, thực tế, giáo viên ngành mỹ thuật, tiếng Anh...không nhiều. Nên chăng, huyện xem xét người tại chỗ để khuyến khích học tập, từng bước giải quyết bài toán thiếu giáo viên.

Trải lời, giải trình một số nội dung thuộc lĩnh vực thu ngân sách, nhất là vấn đề hụt thu mà các đại biểu quan tâm và gợi ý thảo luận của đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh, ông Nghiêm Hồng Quang, Giám đốc Sở Tài chính lý giải là do thu tiền sử dụng đất không như dự kiến và tình trạng đấu giá đất ở một số vị trí nhưng không có người tham gia đấu giá. Bên cạnh đó, địa phương gặp vướng mắc về quy hoạch đất đai và quy hoạch khai thác khoáng sản, bô xít, thị trường bất động sản không còn nóng như những năm trước dẫn đến kế hoạch đầu tư công không đạt.

hinh-chieu-12(1).jpg
Giám đốc Sở Tài chính Đắk Nông Ngiêm Hồng Quang chỉ ra nguyên nhân hụt thu ngân sách

Liên quan đến nguồn thu thuế giảm so với năm 2022, nguyên nhân là tỉnh đã áp dụng nhiều chính sách miễn giảm thuế, từ đó dẫn đến hụt thu thuế.

Đối với dự toán kinh phí chưa phân bổ, theo Giám đốc Sở Tài chính Đắk Nông, đây là kinh phí chi cho các đơn vị sự nghiệp công lập sau khi được phê duyệt đề án tự chủ. Hiện nay, UBND tỉnh Đắk Nông mới chỉ phê duyệt phương án tự chủ đối với một số đơn vị, còn lại vẫn chưa phê duyệt nên chưa có cơ sở phân bổ. Trong trường hợp không sử dụng hết kinh phí, UBND tỉnh sẽ xây dựng dự thảo nghị quyết trình HĐND để phân bổ, trong đó ưu tiên dùng cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

chu-tich-hdnd-tinh-1-.jpg
Đồng chí Lưu Văn Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông phát biểu tại phiên thảo luận

Sau khi nghe giải trình của Giám đốc Sở Tài chính, đồng chí Lưu Văn Trung đề nghị, UBND tỉnh và các ngành chức năng nhìn nhận thực tế, đánh giá thẳng thắn nguyên nhân dẫn đến việc hụt thu ngân sách và phân bổ kinh phí. Ngoài nguyên nhân khách quan như Sở Tài chính có nêu thì có cả nguyên nhân chủ quan, buộc các sở, ngành, địa phương cần tiếp thu và khắc phục.

“Chúng ta dự kiến thu hơn 850 tỷ đồng từ thu tiền sử dụng đất và cũng đã xác định được nguồn thu. Tuy nhiên, việc tổ chức thu sẽ như thế nào, chúng ta phải có giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện”, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông Lưu Văn Trung nhấn mạnh.

Theo chương trình, ngày 13/12, Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Đắk Nông khóa IV sẽ bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Tại kỳ họp này, các đại biểu sẽ thực hiện chất vấn lại việc thực hiện các kết luận chất vấn của các kỳ họp trước đối với UBND và các thành viên UBND tỉnh Đắk Nông.

Nhóm PV