Doanh nghiệp chung tay sản xuất và tiêu thụ hàng Việt Nam

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 21:38, 11/12/2023

Các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối đã phối hợp sản xuất và tiêu thụ hàng Việt Nam, giúp hàng Việt chiếm lĩnh thị trường nội địa.

Khai mạc Chương trình "Tự hào hàng Việt Nam, Tinh hoa hàng Việt Nam" năm 2023Thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng hàng Việt Nam

Doanh nghiệp coi trọng thị trường nội địa

Trải qua 14 năm thực hiện, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã làm thay đổi nhận thức của doanh nghiệp cung ứng cũng như người tiêu dùng về hàng xuất xứ trong nước, dẫn tới những thay đổi mang tính bước ngoặt đối với xu hướng tiêu dùng hàng Việt Nam hiện nay.

Tại “Diễn đàn thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ hàng Việt Nam” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 11/12, bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD) cho rằng, nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển bền vững thị trường nội địa, các doanh nghiệp Việt trong những năm qua đã không ngừng nỗ lực cải thiện chất lượng sản phẩm, đa dạng các loại hình kinh doanh để sản phẩm được tiếp cận nhiều nhất tới người tiêu dùng.

Doanh nghiệp chung tay sản xuất và tiêu thụ hàng Việt Nam
Hàng Việt Nam nhận được sự quan tâm lớn của người tiêu dùng

Chỉ trong năm 2023, đã có 519 doanh nghiệp đạt chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn. Cả nước hiện nay có 63/63 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đã có 10.881 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên... Đồng thời, người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng ưu tiên sử dụng những sản phẩm nội địa chất lượng cao. Theo nghiên cứu của Công ty nghiên cứu thị trường Cimigo, 82% người tiêu dùng Việt Nam cho biết họ sẽ ưu tiên mua hàng Việt Nam nếu có sự lựa chọn.

Ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, năng lực sản xuất của doanh nghiệp dệt may Việt Nam hiện vào khoảng 50 tỷ USD, trong đó 85 - 87%, thậm chí có thời điểm 90% xuất khẩu, còn lại 10 – 15% phục vụ thị trường trong nước. Dung lượng thị trường trong nước hiện còn nhỏ bé đối với dệt may, nhưng rất tiềm năng.

“Thời gian qua, chúng tôi nhận thấy có những doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ hàng hoá cho thị trường nội địa có doanh thu còn tốt hơn làm hàng xuất khẩu. Cho nên chúng tôi đang tập trung khai phá thị trường nội địa đồng thời với đẩy mạnh xuất khẩu. Chúng tôi xác định ngành dệt may sẽ phải "đi bằng 2 chân" chứ không thể phụ thuộc vào một thị trường riêng nào” – ông Trương Văn Cẩm chia sẻ.

Là một thương hiệu dệt may có tiếng trên thị trường, ông Hoàng Thế Nhu – Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 – CTCP chia sẻ, May 10 luôn ưu tiên sản xuất hàng dệt may cho người tiêu dùng Việt Nam. Sản phẩm dành cho người Việt luôn được xác định có chất lượng ngang bằng, thậm chí vượt trội so với hàng xuất khẩu, song giá bán phải được tính bằng tiền Việt chứ không phải USD, tức là giá cả thực sự cạnh tranh và có lợi cho người tiêu dùng Việt Nam.

Hiện tại, khu vực làm hàng nội địa của May 10 nằm ở ngay Thủ đô Hà Nội, trong khi đó nhiều sản phẩm xuất khẩu lại chỉ được làm ở những chi nhánh ở nhiều địa phương khác. Đây là minh chứng cho thấy sự nghiêm túc của May 10 trong việc chinh phục thị trường nội địa.

Trong hơn 30 năm qua, May 10 liên tục cho ra đời nhiều nhãn hiệu thời trang công sở như: May10 Expert, May10 Classic, Eternity GrusZ, Cleopatra…

Đến nay, May 10 tự hào có 100% sản phẩm tự thiết kế và sản xuất tại Việt Nam, liên tục cập nhật các xu hướng công nghệ mới trong ngành thời trang như: Đầu tư áp dụng số hóa, giải pháp phần mềm 3D, kỹ thuật tạo from 3D công nghệ cao… Đồng thời, tăng cường sử dụng các chất liệu cao cấp, đáp ứng xu hướng thời trang bền vững, thân thiện môi trường như: Silk; Bamboo, Coton… Riêng lĩnh vực thời trang bán lẻ trên thị trường nội địa, May 10 cho biết hiện có trên 20 nhãn hiệu các loại, với 60 cửa hàng, trung tâm thời trang và hơn 200 đại lý toàn quốc để phục vụ tốt nhất cho người tiêu dùng.

Doanh nghiệp chung tay sản xuất và tiêu thụ hàng Việt Nam
Hàng Việt Nam được đầu tư về mẫu mã, chất lượng

Dưới góc độ là kênh thương mại điện tử phân phối hàng Việt Nam, ông Phan Mạnh Hà – Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Shopee Việt Nam cho biết, nếu như trước đây, chỉ hệ thống siêu thị và kênh bán lẻ trực tiếp tham gia hỗ trợ tiêu thụ hàng Việt, còn các sàn thương mại điện tử ít có cơ hội tham gia vào các chương trình hỗ trợ sản xuất và tiêu dùng hàng Việt thì hiện nay, vai trò của các kênh thương mại điện tử đang lớn hơn và đây là xu thế không thể đảo ngược được vì mua sắm trên sàn thương mại điện tử ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng. Do đó, các sàn thương mại điện tử đã triển khai nhiều giải pháp kết nối hàng hoá và người tiêu dùng Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp khó đưa hàng vào siêu thị nhưng lại đưa được hàng vào tiêu thụ tại các kênh thương mại điện tử.

Trong xu thế đó, năm 2023, Shopee đã có những hỗ trợ cho doanh nghiệp và hàng hoá Việt Nam như chương trình tôn vinh nông sản Việt được triển khai từ tháng 5, giới thiệu nông sản Việt đến với người tiêu dùng Việt Nam. Chương trình đã nhận được sự quan tâm lớn từ người tiêu dùng, đặc biệt là hoa quả Việt sau khi được các KOL tham gia livestream.

Vừa qua, hưởng ứng tuần lễ thương mại điện tử quốc gia, Shopee đã triển khai chương trình 10 năm hàng Việt. Trong 60 giờ đồng hồ, giới thiệu 45 sản phẩm hàng Việt và Shopee nhận thấy người tiêu dùng rất quan tâm đến hàng Việt Nam.

Để xuất khẩu ra nước ngoài, Shopee cũng hỗ trợ nhiều doanh nghiệp bán hàng ở 6 nước ASEAN. Chương trình thu được kết quả tốt vào được kỳ vọng sẽ tạo đà cho những giải pháp kết nối, tiêu thụ hàng Việt Nam sẽ được Shopee đẩy mạnh triển khai trong những năm tiếp theo.

Doanh nghiệp chung tay sản xuất và tiêu thụ hàng Việt Nam
Hàng Việt không chỉ chinh phục người tiêu dùng Việt mà còn xuất khẩu thành công ra nước ngoài

Đấu tranh với hàng nhái, hàng giả

Thừa nhận thị trường nội địa là mảnh đất màu mỡ để doanh nghiệp khai thác, tuy nhiên ông Trương Văn Cẩm cũng cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp chính là phải đối diện với vấn nạn hàng nhái, hàng giả. Do đó, cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn với hàng nhái, hàng giả, nếu không doanh nghiệp nội sẽ “thua” ngay trên sân nhà.

“Bên cạnh đó, không chỉ sản phẩm quần áo hoàn chỉnh đến tay người tiêu dùng cuối cùng mới được coi là hàng Việt Nam mà chuỗi cung ứng dệt may còn rất nhiều sản phẩm như sợi vải, may mặc… cũng cần được tính là hàng Việt Nam nếu được sản xuất bởi doanh nghiệp Việt Nam, với nguyên liệu từ Việt Nam. Do đó, Nhà nước cần chính sách thuế khuyến khích doanh nghiệp từ khâu sản xuất nguyên phụ liệu đến sản xuất sản phẩm cuối cùng” – ông Trương Văn Cẩm nói.

Để hỗ trợ cho doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt, bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương cho biết, Bộ Công Thương đã, đang và sẽ triển khai 4 nhóm giải pháp bao gồm: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về Cuộc vận động; rà soát, bổ sung, ban hành luật pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu dùng trong nước, bảo vệ người tiêu dùng, không trái với quy định của tổ chức Thương mại thế giới (WTO); hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường trong nước; đổi mới công tác quản lý, chấn chỉnh công tác quản lý thị trường. Từ đó, tạo động lực cho doanh nghiệp nội địa đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ hàng Việt Nam.

Phương Lan

Phương Lan