Đời sống

Đổi thay ở vùng căn cứ cách mạng Nâm Nung

Trọng Nghĩa 12/12/2023 06:00

Phát huy truyền thống cách mạng, xã Nâm Nung, huyện Krông Nô (Đắk Nông) đang thay da đổi thịt từng ngày, đời sống Nhân dân không ngừng được cải thiện.

Duy trì xã đạt chuẩn nông thôn mới

Trong kháng chiến chống Mỹ, xã Nâm Nung là vùng căn cứ cách mạng, nơi hoạt động và che chở cho cán bộ tỉnh Quảng Đức và Liên khu 5. Tiếp nối truyền thống vẻ vang, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã luôn đoàn kết, chung sức, xây dựng địa phương ngày càng phát triển.

Đến nay, xã Nâm Nung tiếp tục duy trì danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng như điện, đường, trường, trạm, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở dân cư được cải thiện, nâng cao. Nếu năm 2011, thu nhập bình quân đầu người đạt 15,5 triệu đồng/người/năm thì đến nay ước đạt 51 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,77%.

img_6567(1).jpg
Hệ thống các trục đường chính thuộc xã Nâm Nung đã được cứng hóa đáp ứng nhu cầu đi lại, trao đổi hàng hóa của người dân.

Theo bà H’Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Nâm Nung, để có được kết quả này, xã đã tập trung triển khai, phát huy hiệu quả các chương trình dự án và huy động sự đồng thuận trong Nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội.

UBND xã thường xuyên chỉ đạo cán bộ chuyên môn tuyên truyền xuống tận cánh đồng, vườn cây để kiểm tra, trực tiếp hướng dẫn Nhân dân chủ động trong công tác phòng chống sâu bệnh. Qua tuyên truyền, định hướng của xã, người dân đang chuyển sang trồng một số loại cây mang lại giá trị kinh tế cao như cây ăn quả, cà phê, cao su cao sản... Đến nay, giá trị sản xuất trên 1ha canh tác đạt 73 triệu đồng. Chính quyền, người dân tận dụng lợi thế phát triển cả về số lượng và chất lượng chăn nuôi. Hiện nay, tổng đàn gia súc dự kiến đạt 4.784 con, đàn gia cầm khoảng 60.000 con.

Địa phương triển khai hiệu quả, tận dụng nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới... để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống người dân...

Giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống

Đi đôi với đó, địa phương còn thường xuyên quan tâm, chỉ đạo tuyên truyền Nhân dân các dân tộc đoàn kết, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể như Khu di tích B4, diễn tấu cồng chiêng, dệt thổ cẩm, đan lát, làm cây nêu...

img_6546(1).jpg
Rượu cần là nét văn hóa của người dân tộc M'nông đã và đang được tiếp tục bảo vệ, giữ gìn và phát triển.

Bà H' Such, thôn Nam Tiến cho biết: “Vài năm trở lại đây, được sự động viên của cán bộ xã, tôi đã tham gia làm rượu cần để góp phần gìn giữ văn hóa của dân tộc M’nông. Giờ đây, rượu cần của chúng tôi đã được nhiều khách trong, ngoài tỉnh biết đến, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình”.

“Là người con của dân tộc M’nông, tôi thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con tham gia luyện tập diễn tấu cồng chiêng, làm rượu cần và dệt thổ cẩm để nét văn hóa riêng của dân tộc mình không bị mai một. Sắp tới đây, xã phối hợp để mở lớp dạy nghề dệt thổ cẩm cho phụ nữ M’nông có nhu cầu”, bà H’Thương cho biết.

img_6552(1).jpg
Nhà văn hóa cộng đồng là nơi để bà con sinh hoạt, được đầu tư khang trang, đậm dấu ấn văn hóa của người M'nông.

Theo Phó Bí thư Đảng ủy xã Nâm Nung Nông Thị Uyển, kể từ khi tỉnh Đắk Nông được tái lập đến nay, với sự quan tâm của các cấp, ngành, sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và toàn dân, xã Nâm Nung đã có bước phát triển đáng kể về mọi mặt. Đây chính là động lực để xã Nâm Nung tiếp tục đoàn kết, khai thác tiềm năng, biến lợi thế thành nội lực để tạo đà cho sự phát triển của địa phương.

Trọng Nghĩa