Xa vời thỏa thuận thương mại EU-MERCOSUR
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 07:00, 09/12/2023
Bộ trưởng Ngoại giao Argentina, ông Santiago Cafiero tuyên bố Buenos Aires sẽ không tham gia ký kết FTA giữa MERCOSUR và EU, với lý lẽ rằng thỏa thuận này sẽ tác động tiêu cực đến ngành công nghiệp và xuất khẩu nông sản của Argentina.
Theo Bộ trưởng Cafiero, chính quyền của Tổng thống Alberto Fernandez mong muốn mở lại các cuộc đàm phán về FTA giữa MERCOSUR và EU do thỏa thuận mà hai bên dự kiến ký kết tồn tại nhiều khác biệt trong các lĩnh vực sản xuất, tài chính và công nghệ.
Ông Cafiero cũng cảnh báo về những tác động xấu cho ngành công nghiệp của Argentina trong trường hợp quốc gia Nam Mỹ này phải mở cửa thị trường cho các sản phẩm từ châu Âu.
Lập trường mới nhất của Argentina đi ngược lại mong muốn của quốc gia láng giềng Brazil, nước vừa kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên MERCOSUR hôm 7/12, và Tây Ban Nha, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU.
Cả Brazil và Tây Ban Nha đã nỗ lực không mệt mỏi những tháng gần đây để duy trì các cuộc đàm phán về FTA giữa hai khối, đồng thời đặt ra hạn chót cho việc ký kết thỏa thuận này vào thời điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo MERCOSUR tại thành phố Rio de Janeiro, Brazil.
Trong khi đó, Tổng thống Paraguay, ông Santiago Pena khẳng định sẽ không tiếp tục thúc đẩy FTA giữa MERCOSUR và EU nếu thỏa thuận này không được ký kết cuối năm nay. Tổng thống Pena cho biết, với vai trò Chủ tịch luân phiên MERCOSUR từ ngày 7/12 vừa qua, Paraguay sẽ tập trung vào việc đàm phán FTA giữa MERCOSUR với các đối tác khác như Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
Giới phân tích tỏ ra bất ngờ trước tuyên bố được coi là “quay xe” vào phút chót của Argentina, bởi chỉ mới tháng 3 vừa qua, vòng đàm phán FTA giữa MERCOSUR và EU còn diễn ra sôi nổi ở thủ đô Buenos Aires của Argentina - thời điểm đó giữ chức Chủ tịch luân phiên MERCOSUR.
Kết thúc hai ngày nhóm họp ở Buenos Aires, Bộ Ngoại giao Argentina thông báo cuộc đàm phán xoay quanh ba trụ cột của phát triển bền vững là kinh tế, xã hội và môi trường, trong đó các bên nhất trí tăng cường đối thoại và đẩy nhanh lịch trình các vòng đàm phán tiếp theo.
Đàm phán FTA giữa EU và MERCOSUR bắt đầu từ những năm 1990. Năm 2010, đàm phán được khởi động lại sau sáu năm bế tắc nhưng diễn ra rất chậm. Phía EU cho rằng, đàm phán gặp khó khăn bởi những yêu sách của các nước Nam Mỹ.
Theo dự kiến trước đây, kể từ năm 2014, nhiều mặt hàng không bị áp thuế, song cho tới nay chưa được thực thi. Có thời điểm Brazil, nền kinh tế số một Mỹ Latin, tỏ ra không mặn mà trong việc ký thỏa thuận với EU sau khi trao đổi nội khối MERCOSUR có xu hướng sụt giảm.
Năm 2019, EU và MERCOSUR đã đạt một thỏa thuận khung về FTA sau hai thập kỷ đàm phán khó khăn. Tuy nhiên, văn kiện này vẫn chưa được phê chuẩn do châu Âu lo ngại về tình trạng tàn phá rừng Amazon, cũng như hoài nghi về chính sách đối phó tình trạng biến đổi khí hậu dưới thời Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro (2019-2023).
MERCOSUR được thành lập bởi Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay thông qua Hiệp ước Asuncion năm 1991. Với khoảng 300 triệu dân và diện tích gần 15 triệu km2, MERCOSUR được biết đến với tiềm năng to lớn về tài nguyên thiên nhiên và lương thực.
Trong bối cảnh tương lai về một thỏa thuận thương mại với EU còn xa vời, những tin vui khác lại liên tiếp đến với người dân các nước thành viên MERCOSUR khi khối này vừa chính thức kết nạp Bolivia làm thành viên thứ 5 và ký kết FTA với Singapore, thỏa thuận thương mại với một đối tác bên ngoài khối lần đầu sau 12 năm.