Nông nghiệp - Nông thôn

Nông sản Đắk Nông bán ở "chợ làng" hay ra "biển lớn"?

Đức Diệu 08/12/2023 05:51

Câu chuyện đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp vẫn chưa bao giờ cũ, trở thành vấn đề tiên quyết ở bất kỳ giai đoạn nào. Nhất là trong giai đoạn độ mở thị trường rộng như hiện nay.

Từ “chợ làng”

Còn nhớ những năm đầu tái lập tỉnh, nông sản Đắk Nông được thị trường biết đến khá khiêm tốn với một số sản phẩm chủ lực như cà phê, hồ tiêu, hạt điều, chè… Nhiều nông sản như rau, củ, quả, sản phẩm chế biến sâu gần như phải đưa từ các tỉnh, thành trong nước về phục vụ nhu cầu thị trường nội tỉnh.

Được đánh giá là tỉnh có tiềm năng, lợi thế so sánh trong phát triển nông nghiệp đa ngành hàng, nhưng người dân Đắk Nông ngày đó vẫn “trung thành” với một số cây, con chủ lực truyền thống. Trong khi, các sản phẩm chủ lực như cà phê, hồ tiêu vẫn chủ yếu bán ra thị trường trong nước ở công đoạn thô. Giá trị trên 1ha đất trong những năm đầu tái lập tỉnh chỉ ở mức 37 triệu đồng/1ha.

cu-qua(1).jpg
Nhiều sản phẩm rau, củ quả Đắk Nông không chỉ đáp ứng thị trường trong tỉnh mà còn có mặt ở trị trường các tỉnh, thành trong nước (Ảnh: Thanh Hải)

Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông nhiệm kỳ 2005-2010 đánh giá, tỷ trọng xuất khẩu nông sản của Đắk Nông đến năm 2010 chỉ chiếm không đáng kể, (chủ yếu hạt điều, chè và cà phê). Trong khi đó, thị trường nội tỉnh lại đang thiếu nhiều sản phẩm như rau, quả, hoa, các sản phẩm chế biến sâu, đóng gói (chủ yếu thực phẩm và đồ uống). Chủ trương tập trung phân khúc thị trường trong tỉnh đã được cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm.

Một lãnh đạo UBND tỉnh ngày đó từng nói “chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu, tiêu chuẩn của “chợ làng” thì khoan đã nói đến xuất khẩu”. Từ đây, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo phân khúc thị trường bắt đầu chuyển dịch.

Dần dần, tiềm năng, lợi thế của ngành Nông nghiệp Đắk Nông từng bước được đánh thức. Nhiều mặt hàng nông sản Đắk Nông đã đứng vững trên thị trường trong và ngoài tỉnh nhờ lợi thế so sánh. Khi đã có kinh nghiệm ở thị trường nội tỉnh, nhiều doanh nghiệp, nông dân Đắk Nông bắt đầu hướng đến các thị trường tiềm năng trong nước như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, vùng Đông Nam Bộ… với phương châm “thị trường cần gì, Đắk Nông có sản phẩm đó.

Một số mặt hàng như trái cây, hoa, rau củ… trước đây phải đưa từ các tỉnh, thành về thị trường trong tỉnh thì nay đã được thay thế bằng những sản phẩm sản xuất tại địa phương. Hơn thế, các sản phẩm này hiện đang trở thành những mặt hàng có mặt trong nước và thị trường quốc tế.

Bước ra chợ lớn

Tư duy sản xuất, đầu tư của doanh nghiệp, người dân Đắk Nông từng bước được thay đổi theo hướng sản xuất dựa trên nhu cầu, yêu cầu đầu ra của sản phẩm. Từ “chợ làng”, nhiều ngành hàng nông sản Đắk Nông đã có mặt ở trong nước, một số nước trên thế giới.

Đến nay, nông sản đang là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Đắk Nông. Nông sản của Đắk Nông hiện rất đa dạng và đang được chia thành 3 nhóm chính, với 23 sản phẩm khác nhau, gồm: nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh; nhóm sản phẩm tiềm năng và nhóm sản phẩm chủ lực của các địa phương.

Hiện Đắk Nông có hơn 139.000ha cà phê, năng suất bình quân đạt 2,8 tấn/ha, sản lượng hơn 350.000 tấn, sản lượng xuất khẩu đạt khoảng 120.000 tấn, với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 215 triệu USD/năm.

Trong đó, nhóm chủ lực của tỉnh đang có 4 sản phẩm chính: cà phê, hồ tiêu, cao su, điều. Hiện nay, thị trường tiêu thụ chủ yếu của nhóm là xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu hàng năm phát sinh của tỉnh chiếm gần 90% ở thị trường các nước thành viên trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Thị trường xuất khẩu hàng hóa của tỉnh hiện được mở rộng đến 35 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

RCEP cũng là một trong những hiệp định đang mang lại cơ hội lớn cho nông sản Đắk Nông. Hiện một số doanh nghiệp đã nắm bắt cơ hội từ RCEP để xuất khẩu hàng hóa một cách thuận lợi. Chẳng hạn, Công ty TNHH Thái Thịnh, huyện Đắk Song đang tập trung đầu tư phát triển thêm nhiều sản phẩm mới để xuất khẩu vào thị trường RCEP.

Các thị trường xuất khẩu ổn định thuộc các nước thành viên trong Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) như: Singapore, Nhật Bản, Malaysia...

Về thị trường xuất khẩu đối với các sản phẩm chủ lực cũng phong phú. Trong đó, cà phê xuất khẩu sang Singapore, Nhật Bản, Mỹ, Nga, Úc; hạt điều xuất sang Singapore, Indonesa, Úc, Đức, Trung Quốc; hạt tiêu đen xuất sang Singapore, Hàn Quốc...

Linh hoạt về phân khúc thị trường

Mặc dù có bước tiến dài trong mở rộng thị trường cho nông sản Đắk Nông sau 20 năm tái lập tỉnh nhưng xuất khẩu của nông sản vẫn chiếm tỷ trọngthấp.

Có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu vẫn là tiêu chuẩn chất lượng, các yếu tố kỹ thuật của nông sản Đắk Nông chưa đáp ứng đủ điều kiện của thị trường.

4(1).jpg
Lúa gạo Krông Nô đang có thị trường đầu ra khá ổn định (Ảnh: Thanh Hải)

Thị trường vẫn luôn là yếu tố then chốt để nông sản Đắk Nông tăng thị phần ở từng phân khúc nhất định.

Việc xác định lợi thế so sánh để quy hoạch vùng trồng, ứng dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn kỹ thuật của từng phân khúc thị trường là điều cần thiết.

Không phải nhất thiết ngành hàng nào cũng phải “xuất ngoại” mới nâng cao giá trị. Bởi có những ngành hàng, bản thân đầu vào, các điều kiện lịch sử, địa lý không đáp ứng được thị trường xuất khẩu mang tính bền vững thì cần linh hoạt đầu tư cho các phân khúc thị trường trong nước, thậm chí trong tỉnh.

Chỉ đơn cử như lúa gạo Krông Nô. Với sản lượng hạn chế, trong khi điều kiện để mở rộng quy mô sản xuất là không nhiều thì thị trường nội địa đang là chỗ đứng khá vững chắc cho ngành hàng này. Mắc ca Đắk Nông cũng đang “sống khỏe” với thị trường nội địa khi diện tích, sản lượng chưa đáp ứng được những đơn hàng lớn từ thị trường các nước.

Ngược lại, một số ngành hàng như cà phê, hồ tiêu, bơ, sầu riêng, hiện chúng ta mới chủ yếu xuất khẩu thô sang thị trường các nước. Tỷ lệ sản phẩm qua chế biến sâu chỉ chiếm khoảng trên 10% tổng sản lượng từng ngành hàng.

Xác định phân khúc thị trường cho những sản phẩm này để có chiến lược quy hoạch vùng nguyên liệu, tổ chức sản xuất theo chuẩn từng thị trường và chế biến sâu là yêu cầu cần thiết nhằm tạo đầu ra ổn định cho từng sản phẩm nông nghiệp Đắk Nông.

Hiện nay, thị trường Mỹ chiếm 24,6% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam; Trung Quốc chiếm 24,2%. Trong đó, Trung Quốc luôn là thị trường rau, củ, quả lớn nhất của Việt Nam; tiếp đến là Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản… Thị trường Mỹ nhập khẩu nông sản Việt Nam chiếm khoảng 1,3% trong thị phần của nước này. Với Trung Quốc, thị phần nông sản của Việt Nam đứng thứ 3, sau Thái Lan, Chile.

Đức Diệu