Giải trí

100 bài thơ hay nhất thế kỷ 20 - liệu đã là hay nhất?

Kiên Trung 07/12/2023 16:24

Thơ là hình thức nghệ thuật dùng từ trong ngôn ngữ làm chất liệu để nói về tình cảm trai gái, tình yêu quê hương đất nước, tình yêu cha mẹ, tình bạn,.... . Nếu là một người yêu thơ hoặc đang tìm những bài thơ hay nhất thế kỷ 20 bạn đọc có thể tham khảo và chọn lọc trong bài viết dưới đây.

Danh sách 100 bài thơ hay nhất thế kỷ 20

1) Nguyên Tiêu - Hồ Chí Minh.

2) Ngày Hòa bình đầu tiên - Phùng Khắc Bắc.

3) Những bóng người trên sân ga - Nguyễn Bính.

4) Tạm biệt Huế - Thu Bồn.

5) Vào chùa - Đồng Đức Bốn.

6) Sư đoàn - Phạm Ngọc Cảnh.

7) Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc - Văn Cao.

8) Núi Đôi - Vũ Cao.

9) Bên kia sông Đuống - Hoàng Cầm.

10) Tràng Giang - Huy Cận.

11) Dọn về làng - Nông Quốc Chấn.

12) Quê hương - Nguyễn Bá Chung.

13) Say đi em - Vũ Hoàng Chương.

14) Miền Trung - Hoàng Trần Cương.

15) Đường về quê mẹ - Đoàn Văn Cừ.

16) Anh đừng khen em - Lâm Thị Mỹ Dạ.

17) Nguyệt cầm - Xuân Diệu.

18) Cô bộ đội ấy đã đi rồi - Phạm Tiến Duật.

19) Tây tiến - Quang Dũng.

20) Lên Côn Sơn - Khương Hữu Dụng.

21) Đò lèn - Nguyễn Duy.

22) Chiều - Hồ Dzếnh.

23) Thăm mả cũ bên đường - Tản Đà.

24) Cha tôi - Lê Đạt.

25) Mẹ và quả - Nguyễn Khoa Điềm.

26) Núi mường Hung dòng sông Mã - Cầm Giang.

27) Mắt buồn - Bùi Giáng.

28) Hai sắc hoa tigôn - T.T.KH.

29) Đọc thơ Ức Trai - Sóng Hồng.

30) Bài thơ tình ở Hàng Châu - Tế Hanh.

31) Trở về quê nội - Ca Lê Hiến.

32) Đêm mưa - Hoàn.

33) Những đứa trẻ chơi trước cửa đền - Thi Hoàng.

34) Cửu Long giang ta ơi - Nguyên Hồng.

35) Đêm nay Bác không ngủ - Minh Huệ.

36) Nỗi niềm Thị Nở - Quang Huy.

37) Đường khuya trở bước - Đinh Hùng.

38) Người về - Hoàng Hưng.

39) Đồng chí - Chính Hữu.

40) Khi con tu hú - Tố Hữu.

41) Lên Cấm sơn - Thôi Hữu.

42) Lời nói dối nhân ái - Trang Thế Hy.

43) Gánh nước đêm - Á Nam Trần Tuấn Khải.

44) Tỳ bà - Bích Khê.

45) Gửi bác Trần Nhuận Minh - Trần Đăng Khoa.

46) Thu điếu - Nguyễn Khuyến.

47) Bến Mi Lăng - Yến Lan.

48) Tháp Chàm - Văn Lê.

49) Ông đồ - Vũ Đình Liên.

50) Đèo cả - Hữu Loan.

51) Viếng bạn - Hoàng Lộc.

52) Tiếng thu - Lưu Trọng Lư.

53) Nhớ rừng - Thế Lữ.

54) Một vị tướng về hưu - Nguyễn Đức Mậu.

55) Những mùa trăng mong chờ - Lê Thị Mây.

56) Dặn con - Trần Nhuận Minh.

57) Hội Lim - Vũ Đình Minh.

58) Khóc người vợ hiền - Tú Mỡ.

59) Cuộc chia ly màu đỏ - Nguyễn Mỹ.

60) Quê hương - Giang Nam.

61) Thị Màu - Anh Ngọc.

62) Nhớ - Hồng Nguyên.

63) Trời và đất - Phan Thị Thanh Nhàn.

64) Người đàn bà ngồi đan - Ý Nhi.

65) Nhớ máu - Trần Mai Ninh.

66) Mẹ - Nguyễn Ngọc Oánh.

67) Bông và mây - Ngô Văn Phú.

68) Muôn vàn tình thân yêu trùm lên khắp quê hương - Việt Phương.

69) Đợi - Vũ Quần Phương.

70) Tên làng - Y Phương.

71) Lời mẹ dặn - Phùng Quán.

72) Có khi nào - Bùi Minh Quốc.

73) Tự hát - Xuân Quỳnh.

74) Áo lụa Hà Đông - Nguyên Sa.

75) Bài thơ của một người yêu nước mình - Trần Vàng Sao.

76) Người đẹp - Lò Ngân Sủn.

77) Đồng dao cho người lớn - Nguyễn Trọng Tạo.

78) Tống biệt hành - Thâm Tâm.

79) Dấu chân qua trảng cỏ - Thanh Thảo.

80) Đất nước - Nguyễn Đình Thi.

81) Những người đàn bà gánh nước sông - Nguyễn Quang Thiều.

82) Nghe tiếng cuốc kêu - Hữu Thỉnh.

83) Bao giờ trở lại - Hoàng Trung Thông.

84) Bờ sông vẫn gió - Trúc Thông.

85) Bến đò ngày mưa - Anh Thơ.

86) Thăm lúa - Trần Hữu Thung.

87) Cổ lũy cô thôn - Phạm Thiên Thư.

88) Nói sao cho vợi - Thu Trang.

89) Mưa đêm lều vó - Trần Huyền Trân.

90) Bên mộ cụ Nguyễn Du - Vương Trọng.

91) Nhớ Huế quê tôi - Thanh Tịnh.

92) Màu thời gian - Đoàn Phú Tứ.

93) Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử.

94) Nhớ vợ - Cầm Vĩnh Ui.

95) Em tắm - Bạc Văn Ùi.

96) Một ngày ta ngoái lại - Đinh Thị Thu Vân.

97) Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng - Chế Lan Viên.

98) Bếp lửa - Bằng Việt.

99) Vườn trong phố - Lưu Quang Vũ.

100) Thương vợ - Trần Tế Xương.

Trích PV: cuộc trao đổi với nhà văn Lê Lựu , giám đốc Trung tâm Văn hóa doanh nhân, thành viên BTC cuộc thi 100 bài thơ hay nhất thế kỷ

* Thưa ông, 100 bài thơ hay nhất thế kỷ, cái đích có vẻ quá xa và quá rộng so với một cuộc bầu chọn?

- Không quá đâu, vì thời gian của cuộc bầu chọn là... hai năm. Trong hai năm, độc giả đã có đủ thời gian để đọc, thích thú, cân nhắc, lựa chọn và gửi đi những kết quả cùng với tâm tư, tình cảm của mình. Mỗi người có quyền chọn 100 bài trong danh sách của mình. Với thơ, như vậy không phải là quá nhiều.

* Nhưng hình như lượng người tham gia bình chọn không đông lắm?

- Không quá đông như bình chọn cầu thủ bóng đá nhưng cũng không ít đâu, nếu so với đầu sách thơ đã in ra. Gần 10.000 (tôi không nhớ con số chính xác) thư bình chọn đã gửi đến BTC. Có những người sau khi đã đưa ra danh sách 100 bài thơ mình cho là hay nhất, còn gửi kèm theo những lời bình dài đến... 300 trang A4 được đóng quyển cẩn thận. Chúng tôi hiện lưu giữ khoảng 10 tập “bình thơ” như vậy.

* Nhiều người ngỡ ngàng vì kết quả đã được công bố, nhiều bài thơ hay, đi vào tâm thức nhiều thế hệ đã không có tên trong danh sách, và cũng có nhiều bài thơ... lạ (thí dụ như Hữu Loan có tên trong danh sách không phải bằng Màu tím hoa sim bất hủ mà lại là Đèo Cả). Liệu kết quả có tuyệt đối là sự bầu chọn của độc giả?

- Vì phối hợp với NXB Giáo Dục nên tuy đối tượng bầu chọn là tất cả những ai yêu thơ nhưng thực tế vẫn chủ yếu là sinh viên và học sinh trung học tham gia. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có một hội đồng thẩm định để đọc và so sánh những thư bình chọn của bạn đọc gửi đến với hàng trăm tuyển tập thơ đã in trước đó, chủ yếu để xem có độ chênh nào đáng kể không, có tên tuổi lớn nào bị bỏ sót không. Và đáng mừng là không có ai bị bỏ sót, độ chênh trong các bình chọn của độc giả và của các người làm tuyển chọn thơ chuyên nghiệp không lớn lắm. Trong số 100 bài đã được chọn cuối cùng, thật ra chỉ chênh với các danh sách khác khoảng 5-7 bài.

* Vậy tác dụng xã hội đầu tiên và tích cực nhất của cuộc bầu chọn 100 bài thơ Việt Nam hay nhất thế kỷ này là gì, thưa ông?

- Chúng tôi không có tham vọng gì lớn, nhưng chí ít cũng đã làm được hai việc: Thứ nhất, khởi động lại mối quan tâm của độc giả với thơ và hâm nóng lại tình yêu thơ (nếu có). Thứ hai, giúp NXB Giáo Dục nhìn lại được thẩm mỹ thơ của công chúng và giúp họ có sự lựa chọn rộng rãi và mềm mại hơn khi đưa thơ vào chương trình giáo dục. Những bài thơ trong SGK trước đây có lẽ hơi khô khan và mang nặng tính giáo dục, mà học sinh còn cần cả những cái khác nữa, trước tiên là cần thơ phải hay.

* Xin chân thành cảm ơn ông.

Trích 10 bài thơ hay nhất thế kỷ 20

1. Nguyên Tiêu - Hồ Chí Minh

Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên

Xuân giang, xuân thuỷ tiếp xuân thiên

Yên ba thâm xứ đàm quân sự

Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.

1948

Nghĩa :

RẰM THÁNG GIÊNG

Đêm nay, rằm tháng giêng, trăng vừa tròn

Nước sông xuân tiếp liền với màu trời xuân

Giữa nơi khói sóng thăm thẳm bàn bạc việc quân

Nửa đêm trở về, thuyền chở đầy ánh trăng .

RẰM THÁNG GIÊNG

Rằm xuân lồng lộng trăng soi

Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân

Giữa dòng bàn bạc việc quân

Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.

( Xuân Thuỷ dịch )

=======

2. Đây thôn vĩ dạ (Hàn Mặc Tử)

Sao anh không về chơi thôn Vỹ

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền

Gió theo lối gió, mây đường mây

Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay ?

Mơ khách đường xa, khách đường xa

Áo em trắng quá nhìn không ra

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà ?

HMT

=============

3. Hai sắc hoa ti gôn

Tác giả: TTKH

Một mùa thu trước, mỗi hoàng hôn

Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn

Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc

Tôi chờ người đến với yêu đương

Người ấy thường hay ngắm lạnh lùng

Dải đường xa vút bóng chiều phong

Và phương trời thẳm mờ sương cát

Tay vít giây hoa trắng chạnh lòng

Người ấy thường hay vuốt tóc tôi

Thở dài trong lúc thấy tôi vui

Bảo rằng: hoa giống như tim vỡ

Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi

Thuở đó nào tôi đã hiểu gì

Cánh hoa tan tác của sinh ly

Cho nên cười đáp: Màu hoa trắng

Là chút lòng trong chẳng biến suy

Đâu biết lần đi một lỡ làng

Dưới trời đau khổ chết yêu đương

Người xa xăm quá, tôi buồn lắm!

Trong một ngày vui pháo nhuộm đường

Từ đấy thu rồi, thu lại thu

Lòng tôi còn giá đến bao giờ

Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ

Người ấy, cho nên vẫn hững hờ

Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời

Ái ân lạt lẽo của chồng tôi

Mà từng thu chết, từng thu chết

Vẫn giấu trong tim bóng một người

Buồn quá! Hôm nay xem tiểu thuyết

Thấy ai cũng ví cánh hoa xưa

Nhưng hồng, tựa trái tim tan vỡ

Và đỏ như màu máu thắm pha

Tôi nhớ lời người đã bảo tôi

Một mùa thu trước rất xa xôi

Đến nay tôi hiểu thì tôi đã

Làm lỡ tình duyên cũ mất rồi

Tôi sợ chiều thu phớt nắng mờ

Chiều thu, hoa đỏ rụng chiều thu

Gió về lạnh lẽo, chân mây trắng

Người ấy sang sông đứng ngóng đò

Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng

Trời ơi, người ấy có buồn không?

Có thầm nghĩ tới loài hoa vỡ

Tựa trái tim phai, tựa máu hồng

=============

4. Bến đò ngày mưa

Tác giả: Anh Thơ

Tre rũ rợi ven bờ chen ướt át

Chuối bơ phờ đầu bến đứng dầm mưa.

Và dầm mưa dòng sông trôi rào rạt

Mặc con thuyền cắm lại đậu chơ vơ.

Trên bến vắng, đắm mình trong lạnh lẽo

Vài quán hàng không khách đứng xo ro.

Một bác lái ghé buồm vào hút điếu

Mặc bà hàng sù sụ sặc hơi, ho.

Ngoài đường lội họa hoằn người đến chợ

Thúng đội đầu như đội cả trời mưa.

Và họa hoằn một con thuyền ghé chở

Rồi âm thầm bến lại lặng trong mưa.

===========

5. Quê hương

Tác giả: Giang Nam

Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường

Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ

"Ai bảo chăn trâu là khổ?"

Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao

Những ngày trốn học

Đuổi bướm cầu ao

Mẹ bắt được..

Chưa đánh roi nào đã khóc!

Có cô bé nhà bên

Nhìn tôi cười khúc khích..

Cách mạng bùng lên

Rồi kháng chiến trường kỳ

Quê tôi đầy bóng giặc

Từ biệt mẹ, tôi đi

Cô bé nhà bên (có ai ngờ)

Cũng vào du kích

Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích

Mắt đen tròn (thương quá đi thôi)

Giữa cuộc hành quân không nói được một lời

Đơn vị đi qua, tôi ngoái đầu nhìn lại

Mưa đầy trời nhưng lòng tôi ấm mãi..

Hòa bình tôi trở về đây

Với mái trường xưa, bãi mía, luống cày

Lại gặp em

Thẹn thùng nép sau cánh cửa

Vẫn khúc khích cười khi tôi hỏi nhỏ

Chuyện chồng con (khó nói lắm anh ơi!)

Tôi nắm bày tay nhỏ nhắn ngậm ngùi

Em vẫn để yên trong tay tôi nóng bỏng

Hôm nay nhận được tin em

Không tin được dù đó là sự thật

Giặc bắn em rồi, quăng mất xác

Chỉ vì em là du kích em ơi!

Đau xé lòng tôi, chết nửa con người..

Xưa quê hương vì có chim, có bướm

Có những ngày trốn học vị đòn, roi

Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất

Có một phần xương thịt của em tôi.

1960

6. Nguyệt Cầm

Tác giả: Xuân Diệu

Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh

Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần

Đàn buồn, đàn lặng, ôi đàn chậm

Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân.

Mây vắng trời trong đêm thủy tinh

Lung linh bóng sáng bỗng run mình

Vì nghe nương tử trong câu hát

Đã chết đêm rằm theo nước xanh.

Thu lạnh càng thêm nguyệt tỏ ngời,

Đàn ghê như nước, lạnh trời ơi ...

Long lanh tiếng sỏi vang vang hận

Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người ...

Bốn bề ánh nhạc: biển pha lê

Chiếc đảo hồn tôi rộn bốn bề ...

Sương bạc làm thinh, khuya nín thở

Nghe sầu âm nhạc đến sao Khuê.

===========

7. Mắt buồn

Tác giả: Bùi Giáng

Bỏ trăng gió lại cho đời

Bỏ ngang ngửa sóng giữa lời hẹn hoa

Bỏ người yêu, bỏ bóng ma

Bỏ hình hài của tiên nga trên trời

Bây giờ riêng đối diện tôi

Còn hai con mắt khóc người một con

=========

8. Thu điếu

Tác giả: Nguyễn Khuyến

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,

Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.

Tựa gối, buông cần lâu chẳng được,

Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

=========

9. Những bóng người trên sân ga

Tác giả: Nguyễn Bính

Những cuộc chia lìa khởi từ đây

Cây đàn sum họp đứt tuôn dây

Những lời bèo bọt, thân đơn chiếc

Lần lượt theo nhau suốt tháng ngày

Có lần tôi thấy hai cô bé

Sát má vào nhau khóc sụt sùi

Hai bóng chung lưng thành một bóng

- Đường về nhà chị chắc xa xôi

Có lần tôi thấy một người yêu

Tiễn một người yêu một buổi chiều

ở một ga nào xa vắng lắm

Họ cầm tay họ bóng xiêu xiêu

Hai chàng tôi thấy tiễn đưa nhau

Kẻ ở sân ga kẻ cuối tàu

Họ giục nhau về ba bốn bận

Bóng nhòa trong bóng tối từ lâu

Có lần tôi thấy vợ chồng ai

Thèn thẹn chia tay bóng chạy dài

Chị mở khăn trầu anh thắt lại

- Mình về nuôi lấy mẹ, mình ơi!

Có lần tôi thấy một bà già

Đưa tiễn con đi một chốn xa

Tàu chạy lâu rồi bà vẫn đứng

Lưng còng đổ bóng xuống sân ga

Có lần tôi thấy một người đi

Chẳng biết về đâu nghĩ ngợi gì

Chân bước hững hờ theo bóng lẻ

Một mình làm cả cuộc phân ly

Những chiếc khăn màu thổn thức bay

Những bàn tay vẫy những bàn tay

Những đôi mắt ướt nhìn đôi mắt

Buồn ở đâu hơn ở chốn này

Tôi đã từng chờ những chuyến xe

Đã từng đưa đón kẻ đi về

Sao nhà ga ấy sân ga ấy

Chỉ để cho lòng dấu biệt ly

=========

10. Núi đôi

Tác giả: VŨ CAO

Bảy năm về trước em mười bảy

Anh mới đôi mươi trẻ nhất làng

Xuân Dục, Đoài Đông hai nhánh lúa

Bữa thì anh tới bữa em sang.

Lối ta đi giữa hai sườn núi

Đôi ngọn nên làng gọi núi Đôi

Em vẫn đùa anh sao khéo thế

Núi chồng, núi vợ đứng song đôi.

Bỗng cuối mùa chiêm quân giặc tới

Ngõ chùa cháy đỏ những thân cau

Mới ngỏ lời thôi đành lỗi hẹn

Ai ngờ từ đó mất tin nhau.

Anh vào bộ đội lên Đông Bắc

Chiến đấu quên mình năm lại năm

Mỗi bận dân công về lại hỏi

Ai người Xuân Dục Núi Đôi chăng.

Anh nghĩ quê ta giặc chiếm rồi

Trăm nghìn căm uất bao giờ nguôi

Mỗi tin súng nổ vùng đai địch

Sương trắng người đi lại nhớ người.

Đồng đội có nhau thường nhắc nhở

Trung du làng nước vẫn chờ trông

Núi Đôi bốt dựng kề ba xóm

Em vẫn đi về những bến sông.

Náo nức bao nhiêu ngày trở lại

Lệnh trên ngừng bắn anh về xuôi

Hành quân qua tắt đường sang huyện

Anh nhớ thăm nhà thăm Núi Đôi.

Mới đến đầu ao tin sét đánh

Giặc giết em rồi, dưới gốc thông

Giữa đêm bộ đội vây đồn Thứa

Em sống trung thành chết thuỷ chung.

Anh ngước nhìn lên hai dốc núi

Hàng thông, bờ cỏ, con đường quen

Nắng lụi bỗng dưng mờ bóng khói

Núi vẫn Đôi mà anh mất em.

Dân chợ Phù Linh ai cũng bảo

Em còn trẻ lắm, nhất làng trong

Mấy năm cô ấy làm du kích

Không hiểu vì sao chẳng lấy chồng.

Từ núi qua thôn đường nghẽn lối

Xuân Dục Đoài Đông cỏ ngút đầy

Sân biến thành ao nhà đổ chái

Ngổn ngang bờ bụi cánh dơi bay.

Cha mẹ dìu nhau về tận đất

Tóc bạc thương từ mỗi gốc cau

Nứa gianh nửa mái lều che tạm

Sương trắng khuấy dần chuyện xót đau.

Anh nghe có tiếng người qua chợ

Ta gắng mùa sau lúa sẽ nhiều

Ruộng thấm mồ hôi từng nhát cuốc

Làng ta rồi đẹp biết bao nhiêu.

Nhưng núi còn kia anh vẫn nhớ

Oán thù còn đó anh còn đây

Ở đâu cô gái làng Xuân Dục

Đã chết vì dân giữa đất này?

Ai viết tên em thành liệt sĩ

Bên những hàng bia trắng giữa đồng

Nhớ nhau anh gọi em, đồng chí

Một tấm lòng trong vạn tấm lòng.

Anh đi bộ đội sao trên mũ

Mãi mãi là sao sáng dẫn đường

Em sẽ là hoa trên đỉnh núi

Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm.

Kiên Trung