Văn hóa

Cô giáo Hà Thị Hồng bén duyên với công viên địa chất

Trọng Nghĩa 07/12/2023 11:00

Cô giáo Hà Thị Hồng, Trường THPT Krông Nô (Krông Nô) không chỉ góp phần đưa Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO Đắk Nông vào giảng dạy mà còn lan tỏa niềm đam mê nghiên cứu, sáng tạo trong học sinh.

Là giáo viên giảng dạy môn Địa lý, cô giáo Hồng có niềm đam mê nghiên cứu, tìm hiểu về điều kiện tự nhiên, vùng đất, con người của huyện Krông Nô cũng như tỉnh Đắk Nông. Năm 2018, khi những phát hiện của CVĐC được công bố, cô giáo Hồng đã liên hệ trực tiếp với Ban quản lý CVĐC tỉnh và được tham gia cùng các chuyên gia khảo sát một số địa điểm trên tuyến huyện Krông Nô. Từ đó, cô giáo Hồng hiểu được giá trị của CVĐC và trách nhiệm của mình trong việc khơi gơi tình yêu thiên nhiên, di sản văn hóa, địa lý của địa phương trong học sinh.

img_6415(1).jpg
Mô hình sa bàn CVĐCTC UNESCO Đắk Nông thu nhỏ, vừa bảo đảm tính trực quan, sinh động, vừa hội tụ đầy đủ 41 điểm di sản.

Hiện nay, tỉnh Đắk Nông đã hoàn thành các tài liệu địa phương, trong đó cô giáo Hồng là một trong những thành viên tham gia viết nội dung về CVĐC từ các giá trị cơ bản đến chi tiết. Việc ban hành sách và đưa vào giảng dạy từ lớp 6 đến lớp 12 đã phần nào giúp các em tiếp cận tốt hơn nữa về phạm vi cũng như giá trị CVĐC.

“Khi mới giới thiệu lồng ghép trong các tiết giảng dạy, tôi nhận thấy, các em còn mơ hồ khi cho rằng, phạm vi của CVĐC chỉ nằm trên địa bàn Krông Nô với các hệ thống hang động, núi lửa. Nhưng thực tế, CVĐC rất rộng, trải dài trên địa bàn của 5 huyện và thành phố. Giá trị của CVĐC cũng rất lớn, đó là giá trị về di sản địa chất, giá trị về đa dạng sinh học và giá trị về văn hóa”, cô giáo Hồng cho biết.

Vì vậy, để nâng cao nhận thức cho học sinh và lan tỏa ra cộng đồng, cô giáo Hồng đã hướng dẫn các em nghiên cứu, tham gia các cuộc thi khoa học kỹ thuật, sáng tạo thanh thiếu niên liên quan đến các giá trị khác nhau của CVĐC. Qua các công trình nghiên cứu, các thế hệ học sinh của trường ngày càng đam mê, tìm hiểu và yêu thích khám phá về CVĐCTC UNESCO Đắk Nông.

Điển hình, trong Cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đắk Nông lần thứ IV, năm 2022 – 2023, nhóm học sinh do cô giáo Hồng phụ trách tham gia Mô hình sa bàn CVĐCTC UNESCO Đắk Nông. Mô hình sa bàn này là CVĐCTC UNESCO Đắk Nông thu nhỏ, vừa bảo đảm tính trực quan, sinh động, giá thành thấp với vật liệu là báo cũ, dây thừng, ván ép…

Cô giáo Hồng chia sẻ: “Qua bộ sản phẩm, chúng tôi muốn truyền tải đến cộng đồng phạm vi và những giá trị cốt lõi của CVĐCTC UNESCO Đắk Nông, bằng hình thức trực quan, sinh động nhất. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị di sản của CVĐCTC UNESCO Đắk Nông. Đặc biệt, chúng tôi lồng ghép vào đó các giá trị văn hóa dân tộc Tây Nguyên vừa đáp ứng nhu cầu thưởng lãm của khách du lịch, vừa góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa địa phương trong tương lai. Điều này cũng góp phần bảo lưu những giá trị truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trong CVĐCTC UNESCO Đắk Nông”.

Đặc biệt, qua mô hình, cô giáo Hồng mong muốn định hướng việc chọn ngành học và việc làm cho học sinh trong các trường học tại địa bàn có CVĐC, hướng tới những ngành nghề mà CVĐCTC UNESCO Đắk Nông đang rất cần trong hiện tại và tương lai, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

img_6489(1).jpg
Cô Hồng giới thiệu cho các em học sinh về hiện vật từ CVĐCTC UNESCO Đắk Nông.

Bên cạnh đó, cô giáo Hồng còn xin chủ trương thành lập Câu lạc bộ Du lịch trải nghiệm để thu hút các em học sinh có cùng đam mê, sở thích khám phá tiềm năng, thế mạnh của CVĐCTC UNESCO Đắk Nông. Dưới sự hướng dẫn của cô giáo Hồng, học sinh vừa được trải nghiệm, khám phá CVĐCTC UNESCO Đắk Nông qua các cứ liệu, tư liệu sưu tầm vừa trực tiếp "mục sở thị" các điểm đến thuộc hệ thống CVĐCTC UNESCO Đắk Nông tại Krông Nô.

Học sinh Hoàng Tiến Thịnh, lớp 10A10 cho biết: “Qua các buổi nói chuyện, thuyết trình của cô giáo Hồng, nhận thức của em về CVĐCTC UNESCO Đắk Nông được nâng lên rất nhiều. Chúng em hiểu được vai trò, trách nhiệm của người học sinh trong bảo tồn, giữ gìn văn hóa di sản của địa phương, nhất là các hang động, núi lửa của Trường ca Nước và Lửa”.

“Việc học sinh ngày càng đam mê, hứng thú với các tiết học và nghiên cứu khoa học liên quan đến CVĐCTC UNESCO Đắk Nông chính là động lực tinh thần quý báu để tôi thêm yêu, đam mê và thủy chung với nghề. Qua đó, tôi nhắc nhở bản thân phải suy nghĩ, tìm tòi nhiều giải pháp để làm sao các em học sinh có kiến thức đầy đủ và trở thành những tuyên truyền viên, hướng dẫn viên cho bạn bè, người thân về CVĐCTC UNESCO Đắk Nông”, cô giáo Hồng chia sẻ thêm.

Trọng Nghĩa