Đắk Nông hình thành vùng nguyên liệu rau, củ, quả tập trung
Đắk Nông đang xây dựng các vùng sản xuất rau củ chuyên canh, tập trung, cung cấp nguyên liệu bền vững cho các thị trường lớn.
Diện tích rau, củ, quả (RCQ) của Đắk Nông hiện đạt 7.147 ha. Trong đó, vụ đông xuân 2023, nông dân sản xuất 1.730 ha RCQ; vụ hè thu 3.960 ha; vụ thu đông trên 1.457 ha. Dự kiến tổng sản lượng RCQ năm 2023 của Đắk Nông đạt khoảng trên 100 ngàn tấn.
Phát triển theo chuỗi giá trị
Trước đây, việc sản xuất RCQ của người dân ở xã Thuận Hà (Đắk Song) chủ yếu mang tính tự phát, nhỏ lẻ, không ổn định. Năm 2021, HTX Nông nghiệp Farm Đắk Nông được thành lập và quy tụ hơn 50 hộ thành viên chuyên sản xuất rau xanh. Từ đó, HTX hình thành vùng nguyên liệu RCQ hơn 20 ha.
Ông Vũ Thanh Hoài, Giám đốc HTX Fram Đắk Nông cho biết: “Từ khi HTX thực hiện chuỗi liên kết sản xuất, xã viên đã tiếp cận được các tiến bộ kỹ thuật sản xuất rau. Từ đó, HTX đã tạo ra được những sản phẩm có chứng nhận VietGAP”.
Sản phẩm rau xanh của HTX đạt kết quả cao về vệ sinh an toàn thực phẩm và được các bạn hành từ thành phố Hồ Chí Minh thu mua. HTX đã mạnh dạng đẩy mạnh chuỗi liên kết sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu RCQ bền vững.
Theo Phòng NN – PTNT huyện Đắk Song, huyện đang có 2.399 ha RCQ, năng suất đạt 11,89 tấn/ha. Sản lượng RCQ của huyện năm 2023 đạt 28.521 tấn. Ngành Nông nghiệp huyện đã hướng đến việc liên kết các hộ sản xuất QCQ thành các tổ hợp tác, HTX để xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, bền vững.
Ông Lê Hoàng Vinh, Trưởng Phòng NN – PTNT huyện Đắk Song cho hay: “Rau xanh đã khẳng định vị thế trong cơ cấu trồng trọt của huyện từ nhiều năm nay. Huyện đang thúc đẩy người dân tập trung sản xuất rau theo hướng an toàn, hữu cơ, đáp ứng nhu cầu thị trường”.
Cơ hội và thách thức
Qua đánh giá của ngành chức năng, Ðắk Nông có nhiều cơ hội để phát triển vùng sản xuất chuyên canh RCQ tập trung. Trong đó, tại các vùng sản xuất, người dân được hỗ trợ từ nhiều tổ chức, chương trình, dự án phát triển nông nghiệp bền vững Trong đó, người tròng rau được hỗ trợ sản xuất theo tiêu chuẩn, chuỗi gia trị; chuyển giao khoa học kỹ thuật, kiểm soát an toàn thực phẩm…
Hiện trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có khoảng trên 100 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống RCQ, đáp ững khoảng 90% nhu cầu giống cho các nhà vườn.
Đắk Nông có 10 tổ chức, cá nhân sản xuất RCQ theo các tiêu chuẩn chứng nhận, với diện tích khoảng 153,4 ha. Trong đó, tiêu chuẩn VietGAP có 146,4 ha; tiêu chuẩn hữu 7 ha.
Mặc dù diện tích, sản lượng RCQ tại tỉnh Ðắk Nông khá lớn, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường hiện nay. Nguyên nhân, do thời vụ thiếu tập; sản phẩm thu hoạch không thường xuyên, liên tục, dẫn đến việc cung ứng gián đoạn.
Quy mô sản xuất RCQ ở Đắk Nông nhìn chung vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, phân tán; năng lực dự trữ kho lạnh, bảo quản, sơ chế còn hạn chế. Hệ thống hạ tầng tại các vùng sản xuất RCQ chưa đáp ứng kịp tốc độ phát triển sản xuất…
Theo Chi cục Phát triển nông nghiệp tỉnh, Đắk Nông đang định hướng xây dựng các vùng sản xuất RCQ tập trung, có địa chỉ cụ thể, gắn với doanh nghiệp, HTX, các cơ sở, đại lý thu gom lớn.
Để thực hiện mục tiêu này, Đắk Nông luôn tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực rau xanh để hình thành các chuỗi liên kết sản xuất RCQ bền vừng. Tỉnh chú trọng vào các khâu như tổ chức sản xuất, thu mua chế biến, tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch, áp dụng khoa học - kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.