Tuy Đức hoàn thành các tiêu chí thoát khỏi huyện nghèo
Sau 17 năm thành lập, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) đã đạt được nhiều kết quả nổi bật về kinh tế-xã hội và đang tự tin thoát khỏi danh sách huyện nghèo.
Huyện Tuy Đức được thành lập năm 2007, với xuất phát điểm ở mức thấp. Kinh tế của huyện khi đó chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, hạ tầng phục vụ cho sản xuất thiếu thốn, tỷ lệ hộ nghèo cao, đời sống của người dân nhiều khó khăn.
Phát triển kinh tế gắn với ổn định dân cư
Có 8 ha đất, nhưng gia đình anh Điểu Srao, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức từng là hộ nghèo nhiều năm liền. Được chính quyền đồng hành, hỗ trợ, anh mạnh dạn chuyển đổi 8 ha đất trồng mì sang trồng cà phê, bơ, mắc ca, sầu riêng, dừa...
Anh chăn nuôi 10 con heo rừng lai và hàng chục con thỏ giống. Ngoài ra, anh còn đào ao thả cá, nuôi gà, vịt để cải thiện đời sống… Nhờ mạnh dạn trong cách nghĩ, cách làm kinh tế, anh đã tạo được nhiều nguồn thu nhập. Đời sống gia đình anh vì thế ngày càng được nâng lên.
Anh Điểu Srao cho biết, để cây trồng, vật nuôi phát triển tốt, đạt năng suất cao, anh đã thay đổi cách làm truyền thống. Anh đã tạo nhiều nguồn thu nhập, khai thác hiệu quả các nguồn thu. Mỗi năm, gia đình anh có thu nhập trên 500 triệu đồng.
Tương tự, anh Điểu Khanh, xã Quảng Trực, đã thay đổi cách sản xuất nông nghiệp, đa dạng hóa cây trồng để tạo nhiều nguồn thu nhập cho gia đình.
Từ 2 ha đất chỉ trồng mì, bắp theo thời vụ, anh đã trồng cà phê xen hồ tiêu và mắc ca. Hiện nay, 2 ha cà phê, 600 trụ hồ tiêu, 200 cây mắc ca của anh đều đã cho thu hoạch. Mỗi năm anh có thu nhập hơn 500 triệu đồng trừ chi phí...
Đến nay, huyện đã hình thành nhiều vùng sản xuất quy mô lớn. Trong đó có vùng sản xuất điều tại xã Đắk Ngo, Quảng Tân với 9.780 ha; vùng sản xuất cà phê tại xã Quảng Tân, Đắk R'tíh, Đắk Búk So 12.300 ha; vùng sản xuất hồ tiêu tại xã Quảng Tân, Quảng Tâm và Đắk Búk So 1.800 ha; vùng sản xuất mắc ca tại xã Quảng Trực, Quảng Tâm, Đắk Búk So 1.420 ha; vùng sản xuất rau xanh tại xã Đắk Búk So, Quảng Tâm 250 ha.
Huyện Tuy Đức đang có hơn 800 ha cây trồng đạt chứng nhận các quy trình chứng nhận như: VietGAP, hữu cơ, 4C... Huyện đang phát triển 4 sản phẩm chủ lực cấp tỉnh (cà phê, hồ tiêu, điều, cao su); 3 sản phẩm chủ lực cấp huyện (khoai lang, sầu riêng, bơ) và 2 sản phẩm tiềm năng có lợi thế cạnh tranh (mắc ca, bò thịt).
Huyện đã xây dựng được 5 sản phẩm OCOP và đang phấn đấu thêm 10 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Sản phẩm OCOP của huyện phong phú, đa dạng như: hạt điều, mắc ca sấy khô, chanh dây…
Ông Kiều Quí Diện, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy Đức đánh giá, từ năm 2007 đến nay, các mô hình kinh tế xuất hiện ngày càng nhiều theo hướng bền vững. Các mô hình đều thể hiện hiệu quả, nâng cao giá trị kinh tế, gắn với chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Đời sống người dân được nâng cao
Huyện Tuy Đức có hơn 17.000 hộ, khoảng 66.000 khẩu, trong đó đồng bào DTTS chiếm 44,85%. Nguồn thu nhập của trên 85% hộ dân trên địa bàn huyện chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông lâm nghiệp.
Thời gian qua, huyện đẩy mạnh triển khai thực hiện các nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội. Huyện triển khai đồng bộ các dự án giảm nghèo với nhiều nguồn vốn lồng ghép để đầu tư, xây dựng, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng trên địa bàn.
Huyện Tuy Đức đã nhựa hóa, bê tông hóa được 55% đường huyện và đường liên xã; 100% thôn, bon, bản có điện lưới; 98% số hộ sử dụng điện; trên 95% số hộ có phương tiện nghe nhìn.
Huyện Tuy Đức đã triển khai xây dựng các mô hình khảo nghiệm các giống cây trồng vật, nuôi mới. Huyện hỗ trợ hộ nghèo cây trồng, vật nuôi để tạo nguồn thu nhập, nâng cao đời sống.
Các ngành chức năng của huyện tập trung hỗ trợ người dân triển khai ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, giống mới. Các biện pháp canh tác mới, đầu tư thâm canh chiều sâu, quản lý nguồn nước, dịch bệnh... cũng được huyện triển khai sâu rộng.
Trên địa bàn huyện đã có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả, được các hộ nông dân tích cực nhân rộng. Sản xuất nông nghiệp của huyện từng bước chuyển sang sản xuất hàng hoá gắn với thị trường. Người dân áp dụng nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ mới, đưa năng suất cây trồng, vật nuôi tăng lên.
Sản lượng lương thực có hạt của huyện hiện đạt trên 3.900 tấn/năm. Tổng giá trị sản xuất của huyện hiện nay tăng hơn 11 lần so với năm 2007; thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 35 triệu đồng người/năm. Đời sống người dân ngày càng được cải thiện và từng bước nâng cao.
Theo bà Phạm Thị Phượng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tuy Đức, huyện Tuy Đức đã có nhiều đổi thay trên các lĩnh vực. Trong đó, hạ tầng của huyện được đầu tư ngày càng khang trang. Mọi mặt đời sống người dân ngày càng được đổi mới theo hướng phát triển và bền vững.
Cũng theo bà Phượng, thời gian tới, huyện Tuy Đức tiếp tục bám sát các mục tiêu nghị quyết đề ra, tập trung phát triển kinh tế theo hướng phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Trong đó, huyện xây dựng ngành Nông nghiệp phát triển theo hướng an toàn, bền vững, ứng dụng công nghệ cao, thu hút đầu tư chế biến để tăng giá trị nông sản, từng bước sản xuất theo chuỗi giá trị kết hợp với phát triển du lịch, dịch vụ.
Những thành tựu kinh tế, xã hội sau 17 xây dựng và phát triển sẽ là tiền đề để huyện Tuy Đức thực hiện thành công trong phát triển kinh tế-xã hội ở giai đoạn tiếp theo. Hiện nay, huyện Tuy Đức đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí để thoát khỏi danh sách huyện nghèo của cả nước.
Huyện biên giới Tuy Đức (Đắk Nông) tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Trong những năm qua, huyện đã tập trung xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh Nhân dân và thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh toàn diện. Huyện chủ động đấu tranh làm thất bại các âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; không để xảy ra biểu tình, vượt biên, xâm nhập; an ninh nông thôn, an ninh vùng biên giới cơ bản được giữ vững. Huyện thực hiện tốt chính sách đối ngoại với chính quyền, Nhân dân huyện Ô Răng, tỉnh Mondulkiri, Vương quốc Campuchia.