Tết cổ truyền Songkran của Thái Lan được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 22:03, 06/12/2023
Nghi thức rước tượng Phật ở tỉnh Nong Khai trong dịp Tết cổ truyềnSongkran. (Ảnh: UNESCO) |
Theo hồ sơ của UNESCO, Songkran đề cập đến việc mặt trời đi qua chòm sao Bạch Dương hằng năm, cung hoàng đạo đầu tiên, đánh dấu sự khởi đầu truyền thống của năm mới. Songkran diễn ra vào giữa tháng 4 sau khi người dân thu hoạch lúa, là thời điểm mọi người đoàn tụ với gia đình và tỏ lòng thành kính với người lớn tuổi, tổ tiên và Phật linh thiêng.
Nước là yếu tố truyền thống quan trọng trong dịp Tết cổ truyền Songkran, tượng trưng cho sự thanh tẩy, tôn kính và may mắn. Songkran được đông đảo người dân đón nhận với các hoạt động như tắm cho các tượng Phật, té nước vào người thân và bạn bè, thưởng thức các vở kịch dân gian, trò chơi, âm nhạc.
Hồ sơ của UNESCO nhấn mạnh, Tết cổ truyền Songkran của Thái Lan thúc đẩy sự hợp tác, đoàn kết và tha thứ của cộng đồng. Đây được coi là thời điểm tượng trưng cho việc gột rửa những điều không may mắn, cầu mong sự thịnh vượng cho một năm sắp tới với các thành viên trong gia đình.
Nghi thức rước tượng Phật ở tỉnh Nong Khai trong dịp Tết cổ truyềnSongkran. (Ảnh: UNESCO) |
Songkran thường được tổ chức từ ngày 13 đến ngày 15/4 hằng năm. Tuy nhiên, Chính phủ Thái Lan đã lên kế hoạch kéo dài Songkran trong suốt tháng 4 năm 2024, góp phần quảng bá lễ hội này như một quyền lực mềm của Thái Lan nhằm thu hút đông đảo du khách quốc tế.
Thái Lan đã tổ chức ngày đầu năm mới theo lịch quốc tế trong hơn 80 năm qua nhưng Songkran vẫn là dịp lễ hội quan trọng hơn đối với hầu hết người Thái. Hàng triệu học sinh, sinh viên, người lao động xa nhà tận dụng cơ hội kỳ nghỉ để về nhà với gia đình. Ngày 14/4 còn là Ngày Gia đình của Thái Lan.
Songkran trở thành truyền thống thứ tư của Thái Lan được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Trước đó, biểu diễn nghệ thuật Khon, massage Thái và múa Nora đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.