Diễn tập ứng phó sự cố trong vận chuyển nguồn phóng xạ hở và cháy nổ

Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 18:05, 06/12/2023

Việc diễn tập ứng phó tình huống giả định về sự cố trong vận chuyển nguồn phóng xạ hở và cháy nổ, xảy ra tại Viện Nghiên cứu hạt nhân, góp phần quan trọng nâng cao khả năng ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh khi sự cố xảy ra.
Diễn tập ứng phó sự cố trong vận chuyển nguồn phóng xạ hở và cháy nổ ảnh 1
Tình huống giả định là nhân viên đang vận chuyển dược chất phóng xạ dạng lỏng thì phát hiện hỏa hoạn, trong lúc hoảng loạn thì xe đẩy xảy ra sự cố khiến dược chất phóng xạ bị phát tán.

Ngày 6/12, tại Viện Nghiên cứu hạt nhân (thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng), Ban Chỉ huy ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân tỉnh Lâm Đồng tổ chức “Diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân năm 2023”, với chuyên đề “Ứng phó sự cố trong vận chuyển nguồn phóng xạ hở và cháy nổ tại Viện Nghiên cứu hạt nhân”.

Tình huống giả định, trong lúc nhân viên của Viện Nghiên cứu hạt nhân đang vận chuyển dược chất phóng xạ I-131 dạng lỏng, được chứa trong các container, bằng xe đẩy từ Phòng điều chế ra xe để chuẩn bị vận chuyển nguồn đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Lâm Đồng, thì phát hiện sự cố cháy tại khu vực hành lang nhà 1 của Viện.

Diễn tập ứng phó sự cố trong vận chuyển nguồn phóng xạ hở và cháy nổ ảnh 1
Tình huống giả định là nhân viên đang vận chuyển dược chất phóng xạ dạng lỏng thì phát hiện hỏa hoạn, trong lúc hoảng loạn thì xe đẩy xảy ra sự cố khiến dược chất phóng xạ bị phát tán.

Trong lúc hoảng loạn, các nhân viên vận chuyển dược chất phóng xạ đã để xe đẩy bị chệch hướng, tông hàng rào sắt trước khu vực nhà 1, làm các container chứa dược chất phóng xạ rơi vãi và phát tán ra môi trường; 2 nhân viên vận chuyển nguồn bị thương, có nguy cơ bị nhiễm xạ. Trong lúc này, xe vận chuyển nguồn phóng xạ đã nhanh chóng rời đi để phòng trường hợp đám cháy lan đến.

Nhận tin báo, các lực lượng chức năng đã đến phong tỏa hiện trường, thiết lập vành đai an toàn, triển khai công tác chữa cháy, kiểm tra mức độ nhiễm xạ, xử lý thu gom nguồn phóng xạ, tiến hành đưa các nạn nhân đi cấp cứu, tẩy xạ môi trường và báo cáo tình hình.

Diễn tập ứng phó sự cố trong vận chuyển nguồn phóng xạ hở và cháy nổ ảnh 2
Lực lượng chức năng nhanh chóng tiếp cận xử lý vụ việc.

Sau một giờ phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa các lực lượng, sự cố đã được giải quyết, nguồn phóng xạ trong sự cố đã được thu hồi chuyển về Viện Nghiên cứu hạt nhân để bảo đảm an toàn, an ninh. Các lực lượng tham gia ứng phó bảo đảm không bị nhiễm bẩn phóng xạ. Sau đó, lực lượng chức năng tiếp cận hiện trường thu thập dấu vết, chứng cứ, tài liệu để phục vụ công tác điều tra.

Diễn tập ứng phó sự cố trong vận chuyển nguồn phóng xạ hở và cháy nổ ảnh 3
Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra mức độ nhiễm xạ để có phương án xử lý.

Đánh giá buổi diễn tập, đồng chí Phạm S, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân tỉnh Lâm Đồng khẳng định, với gần 120 người tham gia, buổi diễn tập diễn ra thành công, góp phần quan trọng nâng cao khả năng ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh khi sự cố xảy ra, giảm thiểu ảnh hưởng tới tính mạng con người và môi trường. Kết quả diễn tập là cơ sở để đánh giá sự phù hợp của kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân cấp tỉnh đã được phê duyệt với điều kiện thực tế.

Diễn tập ứng phó sự cố trong vận chuyển nguồn phóng xạ hở và cháy nổ ảnh 4
Tình huống lực lượng chức năng tiếp cận hiện trường thu thập chứng cứ, tài liệu để phục vụ công tác điều tra.

Đến tháng 12/2023, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 1.131 nguồn phóng xạ (chiếm khoảng 20,9% nguồn phóng xạ so với toàn quốc). Trong đó, có 243 nguồn đang sử dụng và 888 nguồn đang lưu giữ; cùng gần 200 thiết bị bức xạ đang sử dụng tại 78 cơ sở và tổ chức có sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế.

MAI VĂN BẢO