Giải bài toán già hóa dân số
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 06:30, 05/12/2023
Báo cáo được công bố vào đầu năm 2023 của Ủy ban Các vấn đề kinh tế và xã hội của Liên hợp quốc xác định "già hóa dân số" là một xu hướng mang tính toàn cầu. Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) dự báo đến năm 2050, dân số từ 60 tuổi trở lên trên toàn cầu sẽ tăng gấp đôi và chạm mức 2,1 tỷ người. Nhiều quốc gia trên thế giới đều chứng kiến sự tăng trưởng nhanh về số lượng, tỷ lệ người cao tuổi trong dân số và vật lộn với những khó khăn mà xu hướng nhân khẩu học này mang đến.
Tại châu Á, Hàn Quốc và Nhật Bản là những quốc gia điển hình của tình trạngtỷ lệ sinh giảm và dân số già hóa. Giữa tháng 9 vừa qua, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản cho biết, số người trên 80 tuổi ở nước này đã tăng thêm 270.000 người so với cùng kỳ năm ngoái, lên 12,59 triệu người. Trong bối cảnh già hóa dân số, đất nước Mặt trời mọc đã đóng cửa 8.580 trường học công trong giai đoạn từ năm 2002 đến 2020. Còn tại Hàn Quốc, Cơ quan thống kê nước này cho biết, tỷ lệ người dân Hàn Quốc ở độ tuổi 75 trở lên là 7,7% trong năm 2023, dự kiến sẽ tăng lên 30,7% vào năm 2070. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc mới đây cảnh báo, tăng trưởng kinh tế có thể rơi xuống ngưỡng âm vào năm 2050 nếu nước này không thể đảo ngược xu hướng giảm tỷ lệ sinh ngày càng mạnh hiện nay.
Châu Âu cũng đau đầu tìm cách đối phó "cơn sóng thần màu xám", cụm từ thường được dùng để chỉ tình trạng già hóa dân số nhanh chóng tại các quốc gia. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2024, số người trên 65 tuổi tại châu Âu sẽ nhiều hơn số người dưới 15 tuổi. Italia, nền kinh tế lớn tại Khu vực đồng euro (Eurozone), đang đứng trước một "kịch bản khủng hoảng", khi năm 2070 dân số ước tính sẽ giảm từ mức 59 triệu người hiện nay xuống còn 48 triệu người, với độ tuổi trung bình là 50, gây thêm căng thẳng cho nền kinh tế vốn đã lao đao vì gánh nặng nợ nần.
Không thể phủ nhận rằng, rất nhiều vấn đề đặt ra đối với một nền kinh tế già hóa. Dân số trong độ tuổi lao động suy giảm gây áp lực lên thị trường lao động và các quỹ phúc lợi của nhà nước. Ngoài chi phí lương hưu tăng lên, dân số già sẽ cần nhiều nhu cầu về y tế, điều này đòi hỏi phải đầu tư, nâng cấp trang thiết bị và cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe. Cùng với đó, bài toán thiếu lao động ngày càng hóc búa, trở thành rào cản với tiến trình phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, nếu các nước có chính sách thích ứng phù hợp cùng việc thay đổi cách nghĩ, lối sống của chính những người cao tuổi thì có thể tận dụng được những lợi ích mà già hóa dân số mang lại. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng, cần phải bảo đảm sự tham gia tích cực, đầy đủ và đóng góp của người cao tuổi thông qua các chính sách xã hội dựa trên những nhu cầu của họ. Những người cao tuổi, với uy tín, tri thức và kinh nghiệm quý báu tích lũy được, là nhân tố quan trọng của sự phát triển.
Hàn Quốc và Singapore đang đẩy mạnh đầu tư vào việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Tính đến cuối năm 2022, Hàn Quốc có tổng cộng 89.643 trung tâm phúc lợi dành cho người cao tuổi. Singapore cũng lên kế hoạch tạo môi trường sống thân thiện với người cao tuổi. Trong khi đó, Nhật Bản thúc đẩy ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tăng tính hiệu quả trong chăm sóc người già. Để giải quyết bài toán thiếu lao động, tại Đức, bên cạnh việc mở rộng cánh cửa với lao động lành nghề nhập cư, các doanh nghiệp tập trung bồi dưỡng chuyên sâu cho người lao động, tạo thêm việc làm cho người lớn tuổi, bố trí thời gian làm việc linh hoạt hơn.
Việc xây dựng các kế hoạch kỹ càng để thích ứng với xu hướng nhân khẩu học sẽ tạo lợi thế cho các nước, giúp nắm bắt cơ hội xây dựng một xã hội thịnh vượng lâu dài. Bảo đảm quyền lợi của người cao tuổi và khuyến khích họ tham gia dẫn dắt thế hệ trẻ là bước đi đúng hướng để phát huy mọi nguồn lực trong xây dựng đất nước.