"Trồng quả tiền tỷ" trái vụ, ông chủ trang trại Gia Trung ở Đắk Nông cắt bán 150 tấn, thu tiền tỷ
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 19:09, 04/12/2023
Năm 2004, ông Nguyễn Ngọc Trung (ở TP Hồ Chí Minh) trong một lần đi qua thị xã Gia Nghĩa, thấy đất đai màu mỡ, người dân thì thật thà, thân thiện. Qua hỏi thăm, ông được biết đất nông nghiệp ở đây thời điểm đó rất rẻ, 1 ha chỉ có 11 triệu đồng. Ông Trung quyết định mua đất và rời TP.Hồ Chí Minh về lập nghiệp trên mảnh đất này.
Lúc này, mảnh đất của ông tại bon Sê rê Ú (nay thuộc xã Đắk Nia, TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) cũng giống như những nơi khác của vùng đất Tây Nguyên, chủ yếu trồng sẵn cà phê, cao su, tiêu.
Nhưng ông Trung có suy nghĩ sẽ thay đổi mô hình cây trồng khác. Sau khi tìm hiểu thông tin từ Viện Cây ăn quả miền Nam, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, ông Trung nhận thấy sầu riêng cho giá trị kinh tế cao, người tiêu dùng ưa chuộng.
Mặt khác diện tích sầu riêng trong thời điểm năm 2004 vẫn tương đối ít, nên ông quyết định làm giàu bằng giống cây này.
Từng là giảng viên trường trung cấp nông nghiệp, với nguồn kiến thức về nông nghiệp sẵn có và thời gian tìm hiểu kỹ thuật trồng cây riêng đủ lâu, ông Trung trồng thử ngay 4.000 cây nhưng chỉ có 100 cây sống sót.
Tìm hiểu ra, ông Trung mới biết ở vùng đất đỏ bazan ở Đắk Nông, nhiệt độ mùa khô cao, cần phải đào hố sâu để cây sống được.
Đến vụ năm sau, ông cho đào hố sâu hơn và làm giăng thêm lưới đen che nắng. Từ rút kinh nghiệm thực tế, cộng với nghiên cứu cảnh báo, ông cũng về các vùng trồng sầu riêng ở Bến Tre để tìm hiểu kinh nghiệm trồng, chăm bón sầu riêng cho đến khi thu hoạch. Qua đó, ông có thêm nhiều bí quyết và chủ động canh tác sầu riêng sạch để phục vụ thị trường.
Ông Trung cho biết: "Ở Đắk Nông hiện nay, cây sầu riêng được đánh giá là một trong những loại cây trồng cho thu nhập khủng. Ngoài chất lượng vượt trội, thời vụ thu hoạch sầu riêng ở Đắk Nông cũng vô cùng thuận lợi.
Thông thường mùa thu hoạch sầu riêng bắt đầu từ các tỉnh miền Tây, sau đó tới vùng Đông Nam bộ rồi mới dịch chuyển dần lên vùng Tây Nguyên. Do đó, trái sầu riêng ở đây bao giờ cũng được giá, thương lái tranh nhau mua.
Đặc biệt năm nay, nhờ làm chủ được kỹ thuật, sầu riêng của trang trại Gia Trung đã có thể thu hoạch trái vụ, dự kiến sẽ thu vào tháng 2 dương lịch năm 2024 với năng suất trên 150 tấn. Lúc này trên thị trường rất hiếm có sầu riêng, hi vọng giá cả sẽ cao hơn chính vụ", ông Trung phấn khởi chia sẻ.
Sản phẩm trái sầu riêng tươi của trang trại Gia Trung đã được chứng nhận OCOP 3 sao năm 2020 và vừa tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP năm 2023 của thành phố Gia Nghĩa, được người tiêu dùng đánh giá có chất lượng thơm ngon, mang hương vị đặc trưng của sầu riêng Đắk Nông.
Khi đến vụ thu hoạch, ngoài bán cho các thương lái thu mua tận vườn thì sản phẩm sầu riêng của trang trại cũng đã có mặt tại hệ thống siêu thị Coopmart toàn quốc.
Trang trại Gia Trung là đơn vị được vinh danh trong chương trình Cánh đồng vàng năm 2015 được tổ chức tại Cần Thơ và là một trong những điển hình tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Đắk Nông, góp phần hình thành vùng sản xuất cây ăn quả tập trung của địa phương, đáp ứng được yêu cầu sản xuất và nhu cầu thị trường tiêu thụ.
Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông hiện có 4 sản phẩm sầu riêng đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Đó là sản phẩm: Quả sầu riêng của Trang trại Gia Trung (thành phố Gia Nghĩa), Quả sầu riêng tươi của HTX Nông nghiệp hữu cơ dịch vụ Hòa Phát (huyện Đắk Song), Sầu riêng tươi Đức Mạnh của HTX Nông nghiệp Thọ Minh (huyện Đắk Mil) và Sầu riêng trái của HTX Nông nghiệp dịch vụ Trường Thịnh (huyện Đắk R'lấp).
Những năm gần đây, diện tích trồng sầu riêng của tỉnh liên tục tăng mạnh, trong đó trồng thuần chiếm khoảng 30%, còn lại chủ yếu là diện tích trồng xen canh trong các vườn cà phê, tiêu.
Tuy là loại cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhất là khi sầu riêng được nhập khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, nhưng giá cả tăng cao cũng khiến nhiều người dân ồ ạt mở rộng diện tích, thậm chí chặt bỏ một số cây trồng để chuyển sang trồng mới sầu riêng.
Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông đã hỗ trợ người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp về xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sầu riêng, mã vùng trồng và cơ sở đóng gói, hình thành những vùng sản xuất sầu riêng tập trung đạt tiêu chuẩn để phục vụ tốt hơn cho hoạt động xuất khẩu.
Đồng thời Sở cũng có văn bản hướng dẫn, khuyến cáo người dân không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp.
Đặc biệt là không tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng; không tự phát chuyển đổi vườn cà phê trồng xen sầu riêng, hồ tiêu đang có hiệu quả sang trồng thuần cây sầu riêng.