Việt Nam chung tay hành động vì Trái đất
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 07:54, 04/12/2023
Hội nghị Thượng đỉnh Hành động khí hậu Thế giới được tổ chức tại Nhà hát Al Waha nằm trong tổ hợp Thành phố Triển lãm Dubai (Expo City Dubai) rộng lớn và hiện đại. Hơn 70.000 đại biểu, trong đó có hơn 140 nguyên thủ, nhà lãnh đạo các quốc gia, tham dự cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của sự kiện lần này. Ðó là chưa tính tới đông đảo nhà báo trên thế giới cũng đổ dồn về đây vào cùng một thời điểm khiến tuyến giao thông chính gồm cả đường cao tốc và đường sắt trên cao kết nối từ trung tâm Dubai tới Expo City Dubai dù rất hiện đại vẫn luôn trong tình trạng quá tải, nhiều lúc tắc nghẽn. Nhóm nhà báo chúng tôi từ Việt Nam mặc dù có mặt từ rất sớm nhưng phải xếp hàng hơn một tiếng rưỡi đồng hồ mới vào được bên trong tác nghiệp. Việc di chuyển giữa các địa điểm tổ chức hội nghị cũng mất khá nhiều thời gian vì khoảng cách khá xa.
Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu tham dự tất cả các sự kiện chính của hội nghị, thể hiện tinh thần Việt Nam luôn là thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, sẵn sàng chung tay giải quyết vấn đề mang tính cấp bách toàn cầu hiện nay.
Thông điệp mạnh mẽ của Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra nhân dịp tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hành động khí hậu Thế giới là: Hệ thống khí hậu toàn cầu gần đến giới hạn đỏ; khoảng cách giữa cam kết và hành động khí hậu vẫn còn xa. Vì vậy, việc "đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện" là chìa khóa để củng cố lòng tin giữa các quốc gia và khai thông bế tắc trong đàm phán về biến đổi khí hậu.
Sự kiện quan trọng của Ðoàn Việt Nam trong khuôn khổ COP28 chính là việc Thủ tướng Phạm Minh Chính công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) giữa Việt Nam và Nhóm các Ðối tác quốc tế (IPG), với sự chứng kiến của Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và đại diện cấp cao của các nước thành viên IPG.
Nhà lãnh đạo Chính phủ Việt Nam đặc biệt nhấn mạnh cần cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, bảo đảm công bằng, công lý về chống biến đổi khí hậu. Ðiều đó đồng nghĩa với bảo đảm tự chủ và an ninh năng lượng quốc gia, khả năng tiếp cận năng lượng sạch với chi phí phù hợp, hiệu quả cho mọi doanh nghiệp, người dân và với mỗi quốc gia. Tuyên bố của nhà lãnh đạo Chính phủ Việt Nam được cả hội trường vỗ tay nhiệt liệt và đánh giá rất cao.
Sự kiện quan trọng của Ðoàn Việt Nam trong khuôn khổ COP28 chính là việc Thủ tướng Phạm Minh Chính công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) giữa Việt Nam và Nhóm các Ðối tác quốc tế (IPG), với sự chứng kiến của Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và đại diện cấp cao của các nước thành viên IPG.
Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ, chuyển đổi năng lượng công bằng có ý nghĩa quyết định đối với việc đạt được định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam, với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và các mục tiêu phát triển bền vững với tinh thần lấy người dân làm trung tâm. Sự hợp tác quốc tế và cam kết của các đối tác sẽ là chìa khóa quan trọng để đạt được mục tiêu này.
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen bày tỏ nhất trí cao với quan điểm của nhà lãnh đạo Chính phủ Việt Nam, đồng thời khẳng định mạnh mẽ: Không một quốc gia đơn lẻ nào có thể hành động để đạt được mục tiêu theo Thỏa thuận Paris về giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,50C.
Bà nhấn mạnh, Kế hoạch huy động nguồn lực của Việt Nam là dấu ấn quan trọng, bước tiến lớn trong quá trình triển khai JETP; nêu rõ, quá trình chuyển đổi năng lượng phải bảo đảm công bằng, năng lượng phải có giá hợp lý và mọi người có thể tiếp cận, mang lại thành công cho tất cả, không để ai bị bỏ lại phía sau. Ðiều đó nhằm mang lại cuộc sống tốt đẹp, lành mạnh, khỏe mạnh hơn cho mọi người dân trên thế giới, trong đó có nhân dân Việt Nam.
Bà tin tưởng chắc chắn kế hoạch này thành công và Việt Nam có thể tin tưởng vào sự trợ giúp của EU. Có thể nói, tại COP28, chủ trương chuyển đổi xanh của Chính phủ đã nhận được nhiều sự ủng hộ, cam kết hỗ trợ to lớn của cộng đồng quốc tế.
Có dịp được tham dự tọa đàm "Thúc đẩy chuyển đổi điện than" do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ trì, chúng tôi được chứng kiến Tổng thống Pháp cũng như Chủ tịch EC Ursula von der Leyen và lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế uy tín đều nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết cần giảm sự phụ thuộc vào điện than, chuyển đổi năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo; đồng thời nhấn mạnh không thể yêu cầu các nước đang phát triển phải lựa chọn giữa chuyển đổi năng lượng và phát triển kinh tế. Chúng tôi nhận thấy các nhà lãnh đạo EC, OECD, Pháp đều hào hứng khẳng định sẽ xây dựng các công cụ hiệu quả để hỗ trợ và thúc đẩy quá trình chuyển đổi này; đồng thời hoan nghênh cam kết và nỗ lực của Việt Nam, khẳng định sự hỗ trợ, đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng, vì lợi ích của Việt Nam cũng như của thế giới.
Về phần mình, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam cũng như các quốc gia đang phát triển khác, không thể phủ nhận vai trò của điện than, nhưng đã đến lúc cần chuyển đổi sang một nguồn năng lượng sạch hơn. Thủ tướng Chính phủ khẳng định chuyển đổi năng lượng là yêu cầu khách quan, lợi ích chiến lược và ưu tiên hàng đầu của tất cả các quốc gia, song trong quá trình đó cần bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế, an ninh năng lượng quốc gia và việc làm cho người dân, tránh gây ra các cú sốc cho người lao động.
Lịch trình của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong khuôn khổ Hội nghị COP28 hết sức bận rộn với hàng chục cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương với các nguyên thủ, lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế, tập đoàn lớn trên thế giới. Tại các cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đều nhấn mạnh thông điệp: Việt Nam là nước đang phát triển, quy mô nền kinh tế còn hạn hẹp, nguồn lực có hạn, xuất phát điểm thấp nhưng phải thực hiện cam kết như một nước phát triển trong vấn đề giảm phát thải ròng bằng 0. Do đó, Việt Nam kêu gọi thực hiện chuyển đổi xanh phải công bằng, công lý, tính tới điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, đồng thời cần sự hợp tác, hỗ trợ của các đối tác quốc tế về nguồn vốn với lãi suất ưu đãi, công nghệ tiên tiến; đào tạo nhân lực; quản trị hiện đại; xây dựng và hoàn thiện thể chế phù hợp điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam nhưng thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, kiến tạo phát triển.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam đã nỗ lực bằng những hành động cụ thể, nhấn mạnh 12 hành động cụ thể của Việt Nam, trong đó có việc xây dựng nhiều chiến lược, quy hoạch theo hướng xanh, giảm phát thải, phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, và gần đây nhất là triển khai dự án phát triển 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Các ý kiến của phía UAE tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, Ðại sứ quán Việt Nam tại UAE, Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu phối hợp tổ chức tại Dubai cũng đánh giá cao những cam kết, nỗ lực của Việt Nam trong giảm phát thải, chuyển đổi xanh kể từ sau COP26, những hoạt động của Thủ tướng tại COP28, đặc biệt là việc công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố JETP. Thủ tướng nhấn mạnh, chuyển đổi xanh cùng với chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu của Việt Nam để phát triển nhanh, bền vững, chuyển đổi nền kinh tế từ nâu sang xanh. Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp, quỹ đầu tư tiếp tục coi Việt Nam là địa chỉ để gửi gắm niềm tin trong thực hiện chuyển đổi xanh, kinh tế xanh.
Nhân dịp tham dự COP28 và hoạt động song phương tại UAE, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp nhiều tập đoàn lớn của UAE và thế giới hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, nhất là dầu khí và năng lượng tái tạo. Bày tỏ với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (Ðan Mạch) và Tập đoàn Enterprize Energy (Anh) đánh giá cao tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam; khẳng định mong muốn đồng hành, hợp tác chặt chẽ với các đối tác Việt Nam như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) để nghiên cứu, triển khai các dự án lớn về điện gió ngoài khơi. Một số tập đoàn tài chính như HSBC, Ngân hàng Thế giới (WB) thể hiện quyết tâm đẩy nhanh việc tài trợ các dự án chuyển đổi xanh tại Việt Nam; cho rằng, các mục tiêu chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu của Chính phủ Việt Nam hoàn toàn trùng khớp với chiến lược kinh doanh của họ.
Chuyến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hành động khí hậu Thế giới trong khuôn khổ Hội nghị COP28 của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thành công hết sức tốt đẹp, đóng góp vào thành công chung của hội nghị. Những thông điệp và cách tiếp cận mà nhà lãnh đạo Chính phủ Việt Nam đưa ra tại Hội nghị COP28 được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao và hết sức đồng tình bởi "đúng và trúng" trọng tâm của sự kiện lần này, đi thẳng vào vấn đề nóng hổi hiện nay, xuất phát từ chính những bài học kinh nghiệm thực tiễn bởi Việt Nam cũng được đánh giá là một trong những nước chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Nhiều nhà lãnh đạo thế giới đánh giá: Việt Nam đã nỗ lực đóng góp tích cực vào thành công chung của Hội nghị COP28.