Đời sống

ChatGPT thay đổi thế giới ra sao sau một năm?

PV 02/12/2023 06:23

Tròn một năm từ khi được công ty OpenAI ra mắt, chatbot ChatGPT đã tạo ra nhiều thay đổi lớn cho thế giới cả về mặt tích cực lẫn tiêu cực.

Một năm về trước, công ty chuyên về trí tuệ nhân tạo (AI) OpenAI của Mỹ đã cho ra mắt ChatGPT. Chatbot này ngay lập tức trở thành một trong những ứng dụng phát triển nhanh nhất lịch sử và như phát súng hiệu, nó mở màn cho cuộc cạnh tranh về AI trong ngành công nghệ lẫn các lĩnh vực khác.

gpt.png
ChatGPT đã tạo ra nhiều thay đổi trên thế giới chỉ sau 1 năm ra mắt

Thúc đẩy cuộc cách mạng AI

Từ khi được OpenAI ra mắt vào ngày 30/11/2022, ChatGPT đã trở thành công cụ trực tuyến với số người dùng tăng nhanh nhất với hơn 1 triệu người sử dụng chỉ trong 5 ngày. Kỷ lục này sau đó bị mạng xã hội Threads của Meta vượt qua khi được ra mắt hồi tháng 7 năm nay. Đến tháng 1/2023, ChatGPT có 100 triệu người dùng thường xuyên hằng tháng.

Sự nổi tiếng của ChatGPT đã giúp thế giới biết đến nhiều hơn với những ứng dụng cạnh tranh khác, kể cả những ứng dụng được tung ra trước chatbot của OpenAI, theo Euronews. Trong số đó là ứng dụng tạo ảnh Midjourney, ứng dụng tạo giọng nói Murf và công cụ marketing Jasper. Đối thủ lớn nhất là Google Bard được tung ra vào tháng 3/2023.

Nhìn lại tác động của ChatGPT với lĩnh vực công nghệ sau 1 năm ra mắt:

Hàng loạt đại gia công nghệ như Microsoft, Google, Meta, Amazon, Salesforce, hay thậm chí đại gia bán lẻ Walmart cũng triển khai các sản phẩm và dịch vụ mới được tích hợp AI tạo sinh.

Không có công ty nào hưởng lợi từ sự bùng nổ AI như Nvidia. Theo Yahoo Finance, giá cổ phiếu của hãng sản xuất chip này tăng vọt trong năm 2022 khi các công ty mua chip AI của họ. Vốn hóa thị trường của Nvidia hồi đầu năm đã vượt mốc 1.000 tỉ USD, trở thành hãng chip đầu tiên làm được điều này.

Thách thức sự thống trị của Google

ChatGPT với khả năng dịch thuật, truy xuất thông tin đã gây ra cú sốc lớn trong lĩnh vực mà gã khổng lồ Google chiếm thế độc tôn trong 20 năm qua. Trong nỗ lực nhằm thu hút người sử dụng cho công cụ tìm kiếm Bing, Microsoft đã đầu tư hàng tỉ USD vào OpenAI. Microsoft đã tích hợp một công cụ tương tự ChatGPT cho công cụ tìm kiếm của mình và trình duyệt Edge.

Sự ra đời của ChatGPT đã được nhiều công ty khác bắt chước, gần đây nhất là Baidu của Trung Quốc, hãng đã tuyên bố rằng chatbot AI Ernie của họ không thua kém ChatGPT trong bất kỳ mặt nào.

Thay đổi thị trường lao động

ChatGPT và các công cụ AI tạo sinh khác đặt ra nỗi lo cho công việc của giới lao động cổ cồn trắng như thiết kế đồ họa, luật sư, tương tự như cách mà robot đã gây lo lắng cho các lao động tay chân.

Đài DW dẫn một ước tính của Goldman Sachs cho biết các hệ thống AI như ChatGPT có thể dẫn đến việc tự động hóa 300 triệu việc làm trên toàn cầu, trong đó nghề liên quan sáng tạo và hàn lâm bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Ngành giáo dục đón chào sự ra đời của ChatGPT với thái độ thù địch khi nhiều trường học và cơ quan quản lý ra lệnh cấm sử dụng ứng dụng này vì khả năng viết bài luận, làm bài tập về nhà của nó.

Ngoài nỗi lo về gian lận, ChatGPT còn khiến nhiều người lo lắng bởi nguy cơ vi phạm bản quyền, chưa kể thông tin không chính xác. Các mô hình ngôn ngữ lớn như ChatGPT được huấn luyện bằng dữ liệu của hàng trăm ngàn cuốn sách, chúng tải về từ trên mạng mà không thông qua sự đồng ý của tác giả.

gpt2.png
ChatGPT đặt ra nỗi lo về nghề nghiệp trong nhiều lĩnh vực nhưng cũng có tiềm năng ứng dụng hữu ích cho một số khác

Tuy nhiên, ứng dụng này cũng mở ra nhiều kỹ năng mới cho mảng lập trình, viết lách. Giới chuyên gia cho rằng nếu có thể ra lệnh cho ChatGPT một cách chính xác, nó có thể viết những dòng code hữu ích, giúp tiết kiệm thời gian.

Ngày nay, việc sử dụng các công cụ AI tại công sở hay một số trường học đã trở thành điều bình thường và những kỹ sư chuyên về AI đang là những người được các nhà tuyển dụng săn đón nhiều với mức lương có thể lên đến 300.000 euro mỗi năm.

Chưa thể biết chắc AI có giết chết nhiều việc làm hơn số công việc nó tạo ra hay không, nhưng điều chắc chắn là AI sẽ gây tác động lớn đến cách con người làm việc.

An toàn AI

Sự ra đời của các AI tạo sinh như ChatGPT đã buộc các chính phủ tìm cách quản lý trước nguy cơ tiềm tàng đối với xã hội. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban hành lệnh hành pháp để thiết lập tiêu chuẩn mới về an toàn và an ninh AI.

Anh cũng đã tổ chức hội nghị cấp cao về an toàn AI trong khi gần đây, Liên minh châu Âu (EU) cũng giới thiệu đạo luật AI nhằm quản lý, ngăn ngừa mối đe dọa từ các mô hình như ChatGPT. Nhiều nước khác trên thế giới đang đầu tư tiền bạc, thời gian và sự chú ý để giải quyết vấn đề này, điều mà cách đây 5 năm không hiện diện trong ý thức của họ.

Việc quản lý các ứng dụng như ChatGPT được thúc đẩy một phần bởi nguy cơ tạo ra rồi lan truyền thông tin sai lệch thông qua các hình ảnh và video. "Trong khi các công cụ AI tạo sinh giúp chúng ta trong nhiều mặt với nhiều dạng siêu năng lực, một điều khác đáng cân nhắc là những công cụ đó cũng có thể được áp dụng đối với điều mà những siêu ác nhân muốn làm", trang Yahoo Finance dẫn lời bà Daniela Rus, Giám đốc Phòng thí nghiệm khoa học máy tính và trí tuệ nhân tạo tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), giải thích. "Và vì vậy, chúng ta phải nghĩ về những rào chắn nào cần được ban hành trước khi chúng ta triển khai các công cụ này để đảm bảo chúng được sử dụng cho mục đích tốt".

PV