Vấn đề thiếu đất ở, đất sản xuất tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 05:07, 30/11/2023
Tình trạng thiếu đất sản xuất, đất rừng đang bị lấn chiếm, tranh chấp diễn ra ở nhiều địa phương; đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Đến cuối năm 2022, một số hộ nghèo, cận nghèo là người dân tộc thiểu số chiếm 55,27% tổng số hộ nghèo của cả nước. Chính vì lẽ đó có thể khẳng định, nguồn lực đất đai là yếu tố chi phối sự phát triển của mỗi cộng đồng, nhất là cộng đồng dân tộc thiểu số. Đồng bào dân tộc thiểu số là nhóm yếu thế, cần được sự quan tâm đặc biệt và có chính sách hỗ trợ kịp thời, phù hợp của Nhà nước.
Việc chỉ quy định mang tính nguyên tắc về những bảo đảm của Nhà nước cho ngườisử dụng đất quy định tại Luật Đất đai hiện hành chưa đáp ứng được nhu cầu về đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số. Do vậy, để giúp đồng bào ổn định đời sống và phát triển kinh tế bền vững, tháo gỡ vướng mắc về giải quyết đất ở, đất sản xuất, tôi có một số kiến nghị sau:
Thứ nhất, thực hiện hiệu quả việc tạo quỹ đất phục vụ việc hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là quỹ đất có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh. Đề nghị, thực hiện theo quy định tại Điều 182 của Luật Đất đai qua đó tổ chức thẩm định, phê duyệt phương án sử dụng đất của công ty nông, lâm nghiệp tại địa phương, bao gồm: xác định các diện tích đất nông, lâm trường được tiếp tục sử dụng; diện tích bàn giao về địa phương để tạo quỹ đất thực hiện chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định của pháp luật và phát triển kinh tế-xã hội; lập kế hoạch tiếp tục thu hồi phần diện tích đất giữ lại của các công ty nông, lâm nghiệp theo phương án sử dụng đất đã được phê duyệt nhưng không trực tiếp sử dụng mà cho thuê, cho mượn, giao khoán hoặc khoán trắng cho người khác sử dụng trái pháp luật để tạo quỹ đất cho việc thực hiện chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ hai, trên thực tế ở nhiều nơi, người dân đã trồng cây từ nhiều năm và dựa vào đó làm nguồn sinh kế qua nhiều thế hệ, đây là vấn đề rất khó khăn cho công tác quản lý về con người và về đất rừng trên địa bàn cả nước nói chung và địa bàn các tỉnh Tây Nguyên của chúng tôi. Do đó, cần tập trung nguồn lực lớn nhằm thu gom người dân vào sinh sống, sản xuất tại vùng đất đã được quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, du canh, du cư, di cư tự do...