Chuyên gia hiến kế phát triển du lịch nông nghiệp Đắk Nông
Nhiều chuyên gia đã hiến kế cho Đắk Nông khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp.
Tại Diễn đàn thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh, bền vững gắn với du lịch nông nghiệp và sản phẩm OCOP diễn ra ngày 19/11, nhiều chuyên gia đã đề xuất giải pháp giúp Đắk Nông phát triển du lịch nông nghiệp.
Các chuyên gia ấn tượng bởi Đắk Nông có khí hậu mát mẻ, hệ thống thác nước, rừng núi hùng vỹ; đa dạng về văn hoá, ẩm thực... Đây là những điều kiện thuận lợi để tỉnh thúc đẩy lộ trình phát triển du lịch gắn với phát triển nông nghiệp. Trên cơ sở những tiềm năng được phân tích, các chuyên gia cho rằng Đắk Nông cần có giải pháp khai thác tiềm năng du lịch nông nghiệp để phát triển kinh tế.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Trí, Trưởng Khoa Du lịch, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đánh giá: “Đắk Nông có nhiều món ăn ăn ngon. Chúng tôi đến lần nào cũng thưởng thức và rất ấn tượng!”.
Ở góc nhìn về thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh gắn với du lịch, Tiến sĩ Nguyễn Đức Trí cho rằng, hệ sinh thái du lịch được hình thành dựa trên vòng tròn thức ăn và cần sự kết nối giữa các nhà khai thác.
Chia sẻ về kinh nghiệm của Nhật Bản, Tiến sĩ Nguyễn Đức Trí cho biết, sản phẩm OCOP của họ có hàm lượng văn hóa cao. Trước hết là bao bì phải ưa nhìn, chất lượng tốt để du khách thưởng thức và hài lòng.
Do đó, sản phẩm OCOP Đắk Nông cần có câu chuyện văn hóa hấp dẫn phục vụ du lịch. Sản phẩm OCOP khi đưa ra thị trường là phải đến được với người tiêu dùng nói chung và khách du lịch nói riêng.
Theo ông Trí, Đắk Nông cũng cần học kinh nghiệm của các tỉnh về giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp. Chẳng hạn, tỉnh Lâm Đồng đã ban hành nghị quyết và có quy chế tạm thời về kinh doanh trên đất nông nghiệp. Từ đó, Lâm Đồng đã giải quyết được bài toán về phát triển du lịch nông nghiệp cho người dân.
“Tôi thấy, các tỉnh thành công trong phát triển du lịch nông nghiệp là nhờ ban hành nghị quyết đặc thù. Đắk Nông nên nghiên cứu kinh nghiệm từ các tỉnh để ban hành các nghị quyết về phát triển du lịch nông nghiệp”, Tiến si Nguyễn Đức Trí chia sẻ.
Cùng quan điểm, ông Phạm Thanh Tùng, Phó Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế nông nghiệp Việt Nam cho biết: “Tôi đi nhiều nơi và thấy Đắk Nông vô cùng thuận lợi để phát triển du lịch nông nghiệp. Đắk Nông cần có chính sách được phép phát triển du lịch trên đất nông nghiệp”.
Cũng theo ông Tùng, du lịch nông nghiệp chính là làm cho du khách được trải nghiệm đời sống nông nghiệp. Du khách được trải nghiệm văn hoá làm nông nghiệp, thưởng thức các món ăn và nghỉ ngơi vùng nông thôn. "Mình phải hướng du khách cách đi du lịch nông nghiệp thì Đắk Nông sẽ trở thành điểm đến thú vị”, ông Tùng nhấn mạnh.
Các chuyên gia đánh giá, du lịch nông nghiệp là một trong những xu thế phát triển mới. Du lịch nông nghiệp thu hút du khách hướng đến các giá trị cao cấp, có giá trị về sức khoẻ, sinh thái.
Nông nghiệp của Đắk Nông đang ứng dụng công nghệ cao. Các HTX, doanh nghiệp, nông dân Đắk Nông nên khai thác lợi thế về đất đỏ bazan, cảnh quan thiên nhiên gắn với nông nghiệp và các giá trị văn hoá phong phú để phát triển du lịch.
Nếu Đắk Nông khai thác tốt giữa sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển du lịch sẽ tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Đắk Nông có gần 380.000 ha đất sản xuất nông nghiệp. Ngành Nông nghiệp chiếm tỉ trọng trên 37% cơ cấu kinh tế của tỉnh. Nông nghiệp là một trong 3 trụ cột kinh tế của Đắk Nông.