Bán điện mặt trời có được tính giảm thuế?

Chính sách - Ngày đăng : 14:13, 28/11/2023

Đơn vị của bà Đặng Thị Liên (Đồng Nai) bán điện mặt trời mái nhà cho các công ty điện lực, xuất hóa đơn sau khi chốt chỉ số và đối soát dữ liệu theo Khoản 4 Điều 9 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP (xuất khoảng đầu tháng sau của tháng phát sinh).

Theo bà Liên tham khảo Công văn số 2688/BTC-TCT ngày 23/3/2022 của Bộ Tài chính về thuế giá trị gia tăng theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP hướng dẫn, đối với hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ đặc thù như cung cấp điện, cơ sở kinh doanh được giảm thuế giá trị gia tăng theo quy định đối với các hóa đơn lập từ ngày 1/2/2022 đến hết ngày 31/12/2022.

Bà Liên hỏi, đối với điện mặt trời các công ty, doanh nghiệp bán cho các công ty điện lực có vận dụng quy định trên không, hay chỉ có các công ty điện lực phân phối bán ra mới áp dụng?

Nếu theo hợp đồng mua bán điện, sản lượng điện chốt chỉ số ngày 31/1/2022 sẽ phát hành hóa đơn trong vòng 7 ngày kể từ ngày chốt chỉ số. Vậy, hóa đơn sẽ phát hành sang tháng 2/2022, theo hướng dẫn nêu trên phải áp dụng thuế suất 10% hay 8%?

Cục Thuế tỉnh Đồng Nai trả lời vấn đề này như sau:

Căn cứ Khoản 4 Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về thời điểm lập hóa đơn:

"Điều 9. Thời điểm lập hóa đơn

... 4. Thời điểm lập hóa đơn đối với một số trường hợp cụ thể như sau:

a) Đối với các trường hợp cung cấp dịch vụ với số lượng lớn, phát sinh thường xuyên, cần có thời gian đối soát số liệu giữa doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và khách hàng, đối tác như trường hợp cung cấp dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải hàng không, cung ứng nhiên liệu hàng không cho các hãng hàng không, hoạt động cung cấp điện (trừ đối tượng quy định tại Điểm h Khoản này), nước, dịch vụ truyền hình, dịch vụ bưu chính chuyển phát (bao gồm cả dịch vụ đại lý, dịch vụ thu hộ, chi hộ), dịch vụ viễn thông (bao gồm cả dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng), dịch vụ logistics, dịch vụ công nghệ thông tin (trừ trường hợp quy định tại Điểm b Khoản này) được bán theo kỳ nhất định, thời điểm lập hóa đơn là thời điểm hoàn thành việc đối soát dữ liệu giữa các bên nhưng chậm nhất không quá ngày 07 của tháng sau tháng phát sinh việc cung cấp dịch vụ hoặc không quá 07 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ quy ước. Kỳ quy ước để làm căn cứ tính lượng hàng hóa, dịch vụ cung cấp căn cứ thỏa thuận giữa đơn vị bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ với người mua.

... h) Đối với hoạt động bán điện của các công ty phát điện trên thị trường điện thì thời điểm lập hóa đơn điện tử được xác định căn cứ thời điểm về đối soát số liệu thanh toán giữa đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện, đơn vị phát điện và đơn vị mua điện theo quy định của Bộ Công Thương hoặc hợp đồng mua bán điện đã được Bộ Công Thương hướng dẫn, phê duyệt nhưng chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn kê khai, nộp thuế đối với tháng phát sinh nghĩa vụ thuế theo quy định pháp luật về thuế. Riêng hoạt động bán điện của các công ty phát điện có cam kết bảo lãnh của Chính phủ về thời điểm thanh toán thì thời điểm lập hóa đơn điện tử căn cứ theo bảo lãnh của Chính phủ, hướng dẫn và phê duyệt của Bộ Công Thương và các hợp đồng mua bán điện đã được ký kết giữa bên mua điện và bên bán điện...".

Căn cứ Điều 1 Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội:

"Điều 1. Giảm thuế giá trị gia tăng

1. Giảm thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ nhóm hàng hóa, dịch vụ sau:

a) Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất. Chi tiết tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

… d) Việc giảm thuế giá trị gia tăng cho từng loại hàng hóa, dịch vụ quy định tại Khoản 1 Điều này được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại...

Trường hợp hàng hóa, dịch vụ nêu tại các Phụ lục I, II và III ban hành kèm theo Nghị định này thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng hoặc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng 5% theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng thì thực hiện theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng và không được giảm thuế giá trị gia tăng...".

Căn cứ Quyết định số 43/2018/QĐ-TTg ngày 1/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam.

Căn cứ Công văn số 2688/BTC-TCT ngày 23/3/2022 của Bộ Tài chính về thuế giá trị gia tăng theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP.

Căn cứ hướng dẫn nêu trên, trường hợp bà Liên có hoạt động bán điện mặt trời mái nhà cho các công ty điện lực thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm đối soát số liệu thanh toán giữa đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện theo quy định tại Điểm h Khoản 4 Điều 9 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.

Trường hợp đơn vị bà có phát sinh bán điện năng lượng mặt trời áp mái... nếu hàng hóa của bà không thuộc đối tượng quy định tại Phụ lục I, II và III ban hành kèm theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ và không thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng hoặc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng 5% theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng thì đơn vị bà được giảm thuế giá trị gia tăng kể từ ngày 1/2/2022 đến hết ngày 31/12/2022 theo quy định.

Đề nghị bà tra cứu mã ngành sản phẩm tại Quyết định số 43/2018/QĐ-TTg ngày 1/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam để tự xác định danh mục hàng hóa được giảm thuế giá trị gia tăng và thực hiện kê khai các hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng theo Mẫu số 01 tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ cùng với tờ khai thuế giá trị gia tăng.

Đề nghị công ty bà nghiên cứu các căn cứ pháp lý trích dẫn nêu trên và tình hình thực tế kinh doanh để thực hiện đúng quy định.

Chinhphu.vn