Kinh tế

Mắc ca M’nông - đặc sản vùng biên

Mẫn Doanh 20/09/2023 10:50

Mắc ca trở thành cây xóa đói, giảm nghèo cho nhiều hộ dân, đặc biệt là bà con đồng bào M’nông vùng biên giới Quảng Trực (Tuy Đức). Qua đó, góp phần vào sự phát triển trên có đóng góp không nhỏ của HTX Nông nghiệp xanh Quảng Trực.

Hành trình đến với mắc ca M’nông

Năm 2017, HTX Nông nghiệp xanh Quảng Trực (Tuy Đức) được thành lập. Ban đầu, HTX có phương án sản xuất hồ tiêu, cà phê sạch. Tuy nhiên, đến năm 2019, vùng nguyên liệu mắc ca rộng lớn nhưng khi người dân thu hoạch không có nơi tiêu thụ, hoặc bị thương lái ép giá . Đặc biệt là nhiều bà con đồng bào M’nông nơi vùng biên này đang nỗ lực thoát nghèo, vươn lên từ cây mắc ca. Điều ấy đã thôi thúc thành viên HTX đầu tư nhà xưởng, trang thiết bị máy móc chế biến mắc ca. Thương hiệu mắc ca M’nông cũng ra đời từ đấy.

ocopdt2(1).jpg
Vùng nguyên liệu mắc ca lớn do chính đồng bào dân tộc thiểu số M'nông trồng nơi vùng viên

“Năm 2010 – 2011, Nhà nước hỗ trợ dự án ổn định dân cư biên giới và cây mắc ca được đưa về nơi đây để đồng bào M’nông trồng. Đến năm 2019, đây là vùng nguyên liệu mắc ca lớn, có tiềm năng. Trong khi cây cho thu thì bà con lại không biết bán đi đâu, bị ép giá. Vì vậy, các thành viên HTX đã ngồi lại bàn bạc với nhau và đi đến thống nhất chuyển từ sản xuất hồ tiêu, cà phê sạch sang kinh doanh, chế biến mắc ca”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Quảng Trực chia sẻ.

ban-sao-cua-mau-phat-ngon-co-hinh-don-gian-1-.png
Đồ họa: HM

Những ngày đầu sản xuất hạt mắc ca, HTX gặp không ít khó khăn, nhất là nguồn vốn, trang thiết bị máy móc và khâu giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Được các cấp, ngành, địa phương quan tâm cùng sự nỗ lực của thành viên HTX, sản phẩm mắc ca M’nông của HTX từng bước có chỗ đứng trên thị trường.

Từ 7 thành viên ban đầu, đến nay thành viên HTX đã tăng lên 35 và 105 thành viên liên kết; trong đó có nhiều hộ là người dân tộc M’nông. Việc liên kết sản xuất với HTX Nông nghiệp xanh Quảng Trực đã thúc đẩy mạnh mẽ việc áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa giống mới vào sản xuất đối với đồng bào DTTS trồng mắc ca. Người dân cũng tránh được tình trạng bị thương lái ép giá, nâng cao giá trị kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích.

Làm thành viên liên kết sản xuất, được Nông nghiệp xanh Quảng Trực bao tiêu mắc ca sau thu hoạch, ông Điểu Drây, bon Bu Prăng 1, xã Quảng Trực (Tuy Đức) không giấu niềm vui chia sẻ: “Năm 2010, sau khi về nơi ở mới, gia đình tôi được Trung tâm Khuyến nông – Giống nông lâm nghiệp tỉnh Đắk Nông cấp 1 ha cây giống mắc ca. Sau 4 năm chăm sóc, mắc ca cho thu bói. Đến nay, cây bước vào giai đoạn kinh doanh. Mỗi năm, gia đình ông Điểu Drây thu được khoảng 1 tấn quả. Với giá bán dao động từ 90.000 – 120.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí sẽ thu được trên 80 triệu đồng/năm. Đây là số tiền giúp gia đình tôi đủ ăn, đủ trang trải, ổn định cuộc sống”.

Làm nên thương hiệu Mắc ca M’nông OCOP 3 sao

Để sản phẩm mắc ca đến tay người tiêu dùng bảo đảm an toàn chất lượng, HTX chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu, áp dụng quy trình sản xuất mắc ca theo hướng VietGAP. Năm 2020, HTX có được khoảng 70 ha mắc ca của 42 hộ, sản lượng gần 25 tấn/năm đạt chứng nhận VietGAP. Sau khi có sản phẩm tốt, HTX đầu tư mua máy tách vỏ, máy sấy hạt, chế biến các sản phẩm mắc ca chất lượng cao.

HTX chế biến các sản phẩm mắc ca, chủ yếu là mắc ca sấy nứt bán ra thị trường. Sau khi thu hoạch, quả mắc ca tươi được tách vỏ, rồi sấy bằng công nghệ của Úc. Sau đó tách nứt thủ công, đóng gói hút chân không, không dùng chất bảo quản. Quy trình này giúp hạt Mắc ca M’nông không cháy dầu, không đổi màu và giữ nguyên được chất Omega 3,6,7. Sản phẩm càng ngày càng được hoàn thiện hơn về tiêu chuẩn sản xuất đến chất lượng bao bì sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo mã vạch QR-code.

HTX còn dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo mã QR – code. Với nỗ lực của thành viên HTX, năm 2020, sản phẩm Mắc ca M’nông của HTX được công nhận đạt OCOP 3 sao. Đây vừa là niềm vui, vừa là động lực để HTX mở rộng thành viên liên kết, đầu tư thêm nhà xưởng, trang thiết bị máy móc chế biến mắc ca.

Hiện nay, HTX có vùng nguyên liệu khoảng 200 ha, áp dụng quy trình sản xuất theo hướng VietGAP. Sản phẩm hạt mắc ca M’nông được đánh giá cao về chất lượng.

ocopdt3-2-(1).jpg
Đồng bào M’nông canh tác không sử dụng các loại thuốc hóa học nên làm ra sản phẩm hạt mắc ca rất tự nhiên, thân thiện với môi trường, bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm: “Từ 1 – 2 tấn ban đầu đến nay HTX xuất bán khoảng 100 tấn quả tươi/năm, chế biến sâu (sấy, chẻ nứt) khoảng 30 tấn/năm, tương đương 60.000 sản phẩm. Sản phẩm mắc ca tươi được HTX thu mua sẽ cao hơn thị trường khoảng 10.000 đồng/kg. Sau khi chế biến sâu, hạt mắc ca bán ra thị trường có giá cao hơn sản phẩm thô từ 100.000 - 125.000 đồng/kg. Không chỉ tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho bà con đồng bào M’nông mà HTX còn tạo việc làm thường xuyên và thời vụ cho 10 - 15 lao động tại địa phương”.

ocopdt1(1).jpg
HTX còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 7 lao động tại địa phương, với mức lương từ 5 - 9 triệu đồng/người/tháng

Sản phẩm mắc ca của HTX hiện có giá bán ngoài thị trường khoảng 250.000 - 350.000 đồng/kg tùy theo size và thời điểm. Ngoài việc bán sản phẩm qua các kênh truyền thống, còn chủ động mang sản phẩm đi chào hàng, tìm kiếm thị trường và đưa sản phẩm chế biến đến tận tay người tiêu dùng. Mở rộng thị trường, HTX cũng đã có một số đơn hàng tại thị trường tỉnh Mondulkiri (Campuchia) và được tỉnh bạn đánh giá cao về sản phẩm.

Theo thống kê, hiện toàn tỉnh Đắk Nông có hơn 3.500 ha mắc ca. Quảng Trực được biết đến là địa phương trồng mắc ca lớn nhất của tỉnh Đắk Nông, với diện tích trên 2.000 ha. Mắc ca có đặc điểm cây càng lớn cho trái càng nhiều. Mỗi năm cho thu 2 vụ, vụ chính bắt đầu vào tháng 4 và trái vụ vào tháng 8. So với các loại cây trồng dài ngày khác như cà phê, hồ tiêu, mắc ca là loại cây trồng dễ tính, mức đầu tư thấp, kỹ thuật chăm sóc đơn giản, có thể phát triển diện tích theo mô hình trồng xen trong vườn cà phê, cây ăn trái, hồ tiêu, cây nông nghiệp ngắn ngày mang lại nguồn thu kép cho nông hộ.

Mẫn Doanh