Vì sự bình đẳng và phát triển của phụ nữ Đắk Nông
Chương trình đối thoại do UBND tỉnh Đắk Nông vào hôm nay (28/11) là diễn đàn để lãnh đạo tỉnh, các ngành, chính quyền các cấp lắng nghe tâm tư, tình cảm, những vấn đề được hội viên, phụ nữ quan tâm.
Vai trò, vị thế của phụ nữ ngày càng nâng cao
Toàn tỉnh hiện có hơn 86.000 hội viên phụ nữ tham gia sinh hoạt tại 71 cơ sở hội với 713 chi hội. Thời gian qua, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong triển khai công tác bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Hội LHPN tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo các cấp hội, phối hợp với các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ các chương trình, kế hoạch, dự án về bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới được đẩy mạnh và tạo sự chuyển biến trong nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị cũng như toàn xã hội. Các cấp hội, cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phụ nữ tham gia, đóng góp công sức, trí tuệ, từng bước khẳng định vai trò, vị trí trong đời sống, xã hội.
Thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng người Phụ nữ Đắk Nông thời đại mới”, các cấp hội tổ chức 138 hội thi, buổi giao lưu dân vũ thể thao; lồng ghép tổ chức 920 đợt phổ biến, tuyên truyền thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia.
Qua triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, các cấp hội đã trang bị kiến thức về bình đẳng giới, hướng dẫn thành lập và vận hành tổ truyền thông cộng đồng. Toàn tỉnh đã thành lập 111 tổ truyền thông cộng đồng để tuyên truyền xóa bỏ định kiến giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em, với 994 thành viên là nam giới, nữ giới, những người có uy tín, năng lực truyền thông tham gia…
Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, ĐBQH, đại biểu nữ HĐND nhiệm kỳ 2021-2026 các cấp tăng so với nhiệm kỳ 2016-2021. Năm 2023, toàn tỉnh Đắk Nông thu hút 4.845 hội viên tham gia sinh hoạt hội, nâng tổng số hội viên toàn tỉnh lên 86.567 người; thành lập mới nhiều mô hình, câu lạc bộ, đội, nhóm trong phong trào và hoạt động hội; 100% cán bộ chuyên trách các cấp hội đạt chuẩn chức danh, vị trí làm việc; các cấp hội phụ nữ giới thiệu 85 cán bộ nữ ưu tú để quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý tại địa phương.
Qua đó, công tác bình đẳng giới, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nhiều mục tiêu về bình đẳng giới trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, việc làm, giáo dục đào tạo, y tế… có những cải thiện đáng kể.
Bà H’Vi Êban, TUV, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đắk Nông cho biết: “Những kết quả nổi bật từ phong trào, hoạt động của các cấp hội phụ nữ trên địa bàn toàn tỉnh góp phần xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới với 4 tiêu chí: có tri thức, có đạo đức, có sức khỏe, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước. Phụ nữ Đắk Nông đã nâng cao ý thức và hành động qua việc chủ động tham gia các hoạt động, phong trào, chương trình, đề án, dự án của tổ chức hội, địa phương”.
Diễn đàn gửi gắm những kỳ vọng của chị em
Với chủ đề “Vì sự bình đẳng và phát triển của phụ nữ”, chương trình đối thoại có sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, đơn vị, đoàn thể… và trên 100 cán bộ, hội viên đại diện hội viên, phụ nữ trên địa bàn tỉnh.
Chị Nguyễn Thủy Linh, Chủ tịch Hội LHPN xã Quảng Trực (Tuy Đức) bày tỏ: “Bản thân tôi cũng như các hội viên phụ nữ của xã Quảng Trực rất vui mừng, phấn khởi và chờ đón đến ngày được tham gia đối thoại trực tiếp giữa các đồng chí lãnh đạo tỉnh với cán bộ, hội viên phụ nữ. Tôi rất mong qua chương trình, chị em sẽ gửi gắm được tâm tư tình cảm và những nguyện vọng của mình đến với các ngành, các cấp có thẩm quyền".
Tương tự, chị Trịnh Thị Thúy, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Đức An (Đắk Song) cho biết, chương trình đối thoại là dịp để chị em phụ nữ ở cơ sở trực tiếp gặp gỡ, phản ánh tâm tư, tình cảm đến người đứng đầu cấp tỉnh trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ và những vấn đề đặt ra từ thực tiễn. Quan tâm đến vấn đề xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ nhà ở cho người khó khăn, chị Thúy chia sẻ: “Kinh phí hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, đại đoàn kết, tình thương... cho đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn còn thấp (dao động từ 40-70 triệu đồng/hộ). Bởi họ vốn đã nghèo nên việc vận động để có thêm kinh phí "đối ứng" xây nhà càng khó khăn hơn, trong khi giá vật tư xây dựng ngày càng cao. Tôi mong muốn tỉnh, các cấp, ngành, nhà hảo tâm tăng kinh phí hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo và mở rộng hỗ trợ cho đối tượng có hoàn cảnh khó khăn xây nhà”.
Nhiều năm giữ vai trò là cán bộ hội cấp xã, chị Phạm Thị Hồng, Chủ tịch Hội LHPN xã Trúc Sơn (Cư Jút) trăn trở về vấn đề kinh phí hoạt động của cấp hội ở cơ sở. Chị Hồng cho biết: “Hàng năm, Hội LHPN xã triển khai, tổ chức rất nhiều chương trình, hoạt động. Tuy nhiên, kinh phí hoạt động của hội ở cấp xã là rất ít, chỉ 15 triệu đồng/năm. Kinh phí ít gây khó khăn cho việc triển khai các nhiệm vụ công tác hội, phong trào phụ nữ, nhất là trong việc tổ chức các hội thi, hội diễn, các hoạt động chào mừng dịp 8/3, 20/10… Tôi mong rằng tỉnh quan tâm, tạo điều kiện, tăng kinh phí hoạt động cho tổ chức hội ở cơ sở, để có thể triển khai các hoạt động, thu hút chị em tham gia”.
Mặt khác, thông qua chương trình, hội viên, phụ nữ ở cơ sở được tiếp cận và hiểu biết hơn về những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, địa phương. Chị em sẽ mạnh dạn có những lựa chọn và hướng đi đúng đắn để làm giàu chính đáng, xóa đói giảm nghèo, khẳng định được vị thế vai trò của người phụ nữ trong thời đại mới.
Chương trình là diễn đàn để các cấp, ngành nắm bắt những khó khăn, vướng mắc qua thực tiễn thực hiện ở cơ sở. Trên cơ sở đó quan tâm, tạo điều kiện, kịp thời đưa ra những cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ phụ nữ Đắk Nông vươn lên trên các lĩnh vực.