Đoàn đại biểu Quốc hội - HĐND

ĐBQH Đắk Nông tham gia thảo luận về 2 dự án luật

Đức Diệu 27/11/2023 18:37

Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 27/11, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi).

ĐBQH Dương Khắc Mai: Nhiều đột phá quan trọng

Thảo luận về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Dương Khắc Mai, Phó trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH Đắk Nông thống nhất cao với việc ban hành Luật Thủ đô. Đây được xem là cơ hội tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội nhằm xây dựng thủ đô văn minh, hiện đại, xứng tầm với vai trò là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa…

mai-27(1).jpg
Đại biểu Dương Khắc Mai: Cần nghiên cứu quy định thêm một số điều kiện, yêu cầu đặt ra để bảo đảm sự thận trọng, chặt chẽ hơn đối với việc thành lập các cơ quan mới này

Theo đại biểu Dương Khắc Mai, việc đẩy mạnh phân quyền cho chính quyền thành phố trong quyết định một số nội dung thuộc tổ chức bộ máy, biên chế quy định tại các điểm a, b khoản 2, Điều 9 là bước đột phá quan trọng, tạo tiền đề cho thành phố thực hiện các cơ chế chính sách đặc thù trong dự thảo. Việc phân quyền cho HĐND thành phố được quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn đặc thù, tổ chức hành chính đặc thù thuộc UBND thành phố Hà Nội, quận, huyện, thị xã sẽ tạo ra sự chủ động, linh hoạt, đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, cũng cần nghiên cứu quy định thêm một số điều kiện, yêu cầu đặt ra để đảm bảo sự thận trọng, chặt chẽ hơn đối với việc thành lập các cơ quan mới này.

Thứ hai, để cụ thể hóa yêu cầu tại Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị, tại Điều 17 dự thảo Luật đã thiết kế khoản 1 là về thu hút, trọng dụng nhân tài và khoản 2 là về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô. Đối tượng thu hút bao gồm công dân Việt Nam, người nước ngoài có năng lực vượt trội, trình độ chuyên môn cao, tài năng đặc biệt trong một số lĩnh vực... Đây có thể xem là các nội dung rất quan trọng, nhằm tạo ra “cú hích” trong cơ chế thu hút, trọng dụng và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao cho Thủ đô.

Tuy nhiên, để quy định có tính khả thi hơn, cũng cần trao quyền cho HĐND Thành phố ban hành văn bản quy định cụ thể hơn các đối tượng cần thu hút, có sự phân loại các đối tượng một cách rõ ràng để có quy định về chế độ, chính sách phù hợp trong tuyển dụng, bổ nhiệm và đãi ngộ. Để thu hút và giữ chân được người tài, cũng cần lưu ý đến một số điều kiện bảo đảm khác như xây dựng môi trường phù hợp. Một môi trường làm việc khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới, tạo điều kiện cho người tài thăng tiến và cống hiến chính là yếu tố quyết định để giữ chân và phát huy tiềm năng của nhân tài. Bởi lẽ, môi trường mà ở đó, họ được khẳng định chính mình, bộc lộ năng lực sở trường, được tôn trọng và trọng dụng là điều quan trọng hơn cả đối với nhân tài, thậm chí còn có vai trò, ý nghĩa quan trọng hơn cả các chế độ đãi ngộ.

ĐBQH Phạm Nam Tiến: Cần thể chế hóa đầy đủ các lĩnh vực của ngành Công nghiệp văn hóa

Đồng quan điểm với ĐBQH Dương Khắc Mai, ĐBQH Phạm Nam Tiến cũng thống nhất cao với việc cần thiết phải ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi).

tien-ngay-27(1).jpg
Đại biểu Phạm Nam Tiến: Du lịch không chỉ đóng góp quan trọng vào ngân sách thủ đô mà còn giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển chung của ngành du lịch Việt Nam

Về việc phát triển văn hóa, thể thao trong dự thảo Luật, đại biểu Phạm Nam Tiến đề nghị thể chế hóa đầy đủ 12 lĩnh vực của ngành Công nghiệp văn hóa theo tinh thần Quyết định số 1755 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời tiếp tục nghiên cứu, thể chế vào dự thảo các quy định tiên phong, mở đường về hạ tầng, không gian văn hóa để phù hợp với mục tiêu, tầm nhìn trong chiến lược.

Việc đưa vào dự thảo Luật các quy định mang tính chất gỡ bỏ các nút thắt về đầu tư, cơ chế quản lý tài sản công và ưu đãi đầu tư đã giải quyết các vấn đề rất cấp bách hiện nay.

Về du lịch, đại biểu đề nghị Điều 23 của dự thảo Luật nên bổ sung thêm quy định phát triển văn hóa thể thao. Bởi vì, thủ đô Hà Nội đã và đang khẳng định rõ vị thế trên trường quốc tế về du lịch.

Du lịch không chỉ đóng góp quan trọng vào ngân sách thủ đô mà còn giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển chung của ngành Du lịch Việt Nam. Do đó, việc quan tâm đến nội dung này là cần thiết.

ĐBQH Phạm Thị Kiều: Cần có cơ chế để người dân tự nguyện công bố tài liệu lưu trữ

Tham gia thảo luận về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), đại biểu Phạm Thị Kiều, Đoàn ĐBQH Đắk Nông nhất trí quan điểm phải có những quy định về lưu trữ điện tử và tài liệu số để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động lưu trữ, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính và hội nhập quốc tế.

kieu-27(1).jpg
Đại biểu Phạm Thị Kiều: Cần có cơ chế xác định giá trị tài liệu cũng như công bố giá trị tài liệu đó để những người có nhu cầu có thể khai thác được giá trị của tài liệu lưu trữ tư

Tuy nhiên, để thực hiện chuyển đổi số đối với ngành lưu trữ cần nguồn lực đầu tư lớn, không chỉ để đáp ứng việc nâng cấp hạ tầng hiện có mà còn thiết lập mới, vận hành, bảo trì, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật quản lý tài liệu lưu trữ số trong suốt quá trình hoạt động. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần có những bước đi phù hợp với khả năng về nguồn lực, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Về lưu trữ tư, đại biểu đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, có cơ chế để người dân tự nguyện công bố tài liệu lưu trữ tư để phát huy giá trị tài liệu lưu trữ. Nếu yêu cầu hiến tặng đối với những tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt hoặc phải bán cho Nhà nước thì có khi không ai mang tài liệu lưu trữ tư đi xác định giá trị. Nếu xác định có giá trị đặc biệt mà Nhà nước thu mất thì không bao giờ người ta mang đi. Vì vậy, đề nghị phải có cơ chế xác định giá trị tài liệu cũng như công bố giá trị tài liệu đó để những người có nhu cầu có thể khai thác được giá trị của tài liệu lưu trữ tư.

ĐBQH Trần Thị Thu Hằng: Nhận thức về công tác lưu trữ chưa đồng bộ

Theo đại biểu Trần Thị Thu Hằng, Đoàn ĐBQH Đắk Nông thì hiện nay, nhận thức của một bộ phận lãnh đạo, công chức, viên chức tại một số cơ quan, đơn vị về vai trò, tầm quan trọng của công tác lưu trữ và tài liệu lưu trữ chưa được đầy đủ.

hang-27(1).jpg
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng: Quy định chế tài xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; cán bộ, công chức, viên chức khi xảy ra các sai phạm, vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ lưu trữ

Vai trò người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về lưu trữ chưa cao, chưa quyết liệt nên việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ lưu trữ vẫn chưa được quan tâm, chưa kiểm tra, giám sát thường xuyên. Trong khi đó, pháp luật về lưu trữ chỉ quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, công chức, viên chức nhưng chưa có chế tài xử lý các sai phạm liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu và của công chức, viên chức nên sau thanh tra, kiểm tra chưa có cơ sở để tham mưu đề xuất xử lý các sai phạm có liên quan. Đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét quy định chế tài xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; cán bộ, công chức, viên chức khi xảy ra các sai phạm, vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ lưu trữ; nhằm xử lý kịp thời, đúng thủ tục, tính chất, mức độ của hành vi vi phạm bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật.

Đức Diệu