Áp dụng bộ công cụ SMART vào công tác quản lý bảo vệ rừng Nam Nung

Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 14:44, 26/11/2023

Nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ trong công tác quản lý, bảo vệ rừng đồng bộ theo yêu cầu về triển khai áp dụng bộ công cụ quản lý dữ liệu và báo cáo tuần tra (SMART) vào hoạt động tuần tra, kiểm tra và giám sát đa dạng sinh học, Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung đã tổ chức tập huấn áp dụng bộ công cụ SMART cho cán bộ kỹ thuật, lực lượng Kiểm lâm, lực lượng quản lý bảo vệ rừng.

Việc tổ chức tập huấn và áp dụng bộ công cụ SMART là để triển khai thực hiện Quyết định số 197/QĐ-TCLN-ĐDPH ngày 4/7/2022 của Tổng cục Lâm nghiệp, về việc ban hành Quy trình sử dụng bộ công cụ quản lý dữ liệu và báo cáo tuần tra tại các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; Công văn số 249/LN-ĐDPH ngày 19 tháng 6 năm 2023 của Cục Lâm nghiệp, về việc triển khai áp dụng Bộ công cụ quản lý dữ liệu và báo cáo tuần tra.

Tại lớp tập huấn, 24 học viên tham gia đã được các hướng dẫn viên của Trung tâm bảo tồn tài nguyên thiên nhiên giới thiệu về bộ công cụ SMART và các ứng dụng, cách thiết lập các hoạt động tuần tra, thu thập và quản lý dữ liệu tuần tra, cũng như xây dựng các báo cáo trên hệ thống thông qua dữ liệu thu thập từ bộ công cụ SMART.

Ngoài ra, các học viên tham gia còn trực tiếp được hướng dẫn thực hành việc quản lý dữ liệu, xây dựng báo cáo trên mô hình dữ liệu mẫu; cách cài đặt và sử dụng phần mềm SMART trên nền tảng máy tính bàn và điện thoại thông minh; cách vận hành, quản lý dữ liệu, xử lý các lỗi kỹ thuật, khai thác dữ liệu với các phiên bản SMART mới để phục vụ công tác tuần tra, bảo vệ rừng, giám sát đa dạng sinh học tại đơn vị.

Tham gia lớp tập huấn, ông Nông Văn Có, Trạm trưởng quản lý bảo vệ rừng số 6, Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung cho biết, trước đây trong quá trình tuần tra, khi phát hiện các vụ việc xâm hại rừng, tác động đa dạng sinh học khu bảo tồn thì tổ tuần tra phải thực hiện các công đoạn bằng thủ công, ghi chép các số liệu bằng giấy viết tay, thậm chí nhiều lúc gặp mưa lớn các tài liệu còn bị ướt, làm hư hỏng… rất khó khăn cho lực lượng thực thi nhiệm vụ, chưa kể các số liệu khi lưu trữ, lập báo cáo cũng gặp không ít khó khăn.

Tuy nhiên, khi triển khai áp dụng bộ công cụ SMART vào việc quản lý dữ liệu và báo cáo tuần tra thì thuận lợi hơn rất nhiều.

Cụ thể, nếu khi tuần tra phát hiện vụ việc xâm hại rừng, tổ tuần tra sẽ cập nhật lên bản đồ của cơ sở dữ liệu và bản đồ trên điện thoại thông minh các thông tin về số lượng thành viên tổ tuần tra, tuyến đường đi, vị trí của tổ tuần tra trong quá trình di chuyển.

Cũng trong quá trình này nếu phát hiện hành vi nào xâm hại đến tài nguyên rừng thì trong cơ sở dữ liệu sẽ tổng hợp chung tất cả các hành vi có thể xảy ra theo Luật Lâm nghiệp, đồng thời sẽ phân tích cụ thể các hành vi, đối tượng tác động, phạm vi tác động, mức độ thiệt hại… Kết thúc tuần tra, tổ công tác chỉ cần bấm lưu là toàn bộ dữ liệu sẽ được lưu trữ thành một tập tin, sau đó gửi về phòng kỹ thuật xuất ra trở thành một báo cáo hoàn chỉnh.

Ưu điểm của bộ công cụ SMART là số liệu chính xác, không thể chỉnh sửa, có thể xuất tư liệu bất cứ lúc nào, ban lãnh đạo ở tại đơn vị cũng có thể giám sát được quá trình tuần tra một cách chính xác.

Phó Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung Phạm Trọng Thủy cho biết, bộ công cụ SMART đã được áp dụng, triển khai tại nhiều vườn quốc gia, khu bảo tồn và các đơn vị chủ rừng. SMART là công cụ hữu hiệu, hỗ trợ đắc lực cho chủ rừng trong việc quản lý, giám sát công tác quản lý bảo vệ rừng và giám sát đa dạng sinh học để xây dựng các kế hoạch tuần tra, kiểm soát tài nguyên rừng và đa dạng sinh học tại đơn vị ngày càng tốt hơn.

Đặc biệt trong thời đại 4.0 thì việc áp dụng bộ công cụ SMART vào công tác quản lý, bảo vệ rừng sẽ đem lại hiệu quả hơn gấp nhiều lần so với phương pháp truyền thống.

Cụ thể, thuận tiện hơn cho lãnh đạo đơn vị trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động của lực lượng quản lý, bảo vệ rừng để từ đó có các biện pháp điều hành, chỉ đạo, nâng cao năng lực quản lý của đơn vị; kịp thời xây dựng kế hoạch ngăn chặn các nguy cơ xâm hại đến tài nguyên rừng; đề ra các chương trình, dự án để phục vụ cho nhiệm vụ bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học tại đơn vị, đồng thời giải quyết được bất cập trong việc lưu trữ hồ sơ trước đây, có thể kết nối đồng bộ dữ liệu thông qua hệ thống công nghệ, tạo sự minh bạch và khách quan đối với hoạt động toàn đơn vị.

CHẤN HƯNG