Kết nối giao thương sản phẩm hàng hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Kạn

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 09:48, 25/11/2023

Bắc Kạn cần phát huy tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy xúc tiến tiêu thụ và kết nối giao thương các sản phẩm hàng hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Kết nối giao thương sản phẩm OCOP Nam bộ tại thị trường Hà NộiCà Mau tổ chức Hội nghị kết nối giao thương sản phẩm OCOP

Phát huy tiềm năng sẵn có của địa phương

Chiều ngày 24/11, UBND tỉnh Bắc Kạn phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ và kết nối giao thương các sản phẩm hàng hóa tỉnh Bắc Kạn năm 2023.

Tham dự hội nghị có lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn; Cục Xúc tiến thương mại, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương); Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hòa Bình, Yên Bái, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Ninh Bình; các hiệp hội ngành hàng, sàn thương mại điện tử, mạng xã hội và doanh nghiệp, doanh nhân, các hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh, các nhà phân phối tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài tỉnh.

Kết nối giao thương sản phẩm hàng hóa vùng đồng bào dân tộc tỉnh Bắc Kạn
Ông Nông Quang Nhất – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, ông Nông Quang Nhất - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết, tỉnh Bắc Kạn có thế mạnh về nông nghiệp với nhiều sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và các sản phẩm đặc trưng, như: cam, quýt, hồng không hạt, nghệ, gừng… Chương trình OCOP tỉnh Bắc Kạn được triển khai thực hiện từ năm 2017, đến nay tỉnh đã có 184 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP từ ba sao cấp tỉnh trở lên (trong đó có 01 sản phẩm 5 sao; 18 sản phẩm 4 sao và 165 sản phẩm 3 sao); có trên 90 lượt sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Trong đó, có rất nhiều sản phẩm OCOP của bà con đồng bào dân tộc thiểu số.

“Sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP và sản phẩm công nghiệp nông thôn của tỉnh rất đa dạng, sẵn sàng cung cấp cho các nhà phân phối, tiêu thụ và người tiêu dùng với các sản phẩm chủ lực như: Miến dong, bí xanh thơm, tinh bột nghệ, gạo bao thai, gạo Japonica, gạo nếp thơm, cam, quýt, hồng không hạt, chuối sấy dẻo, mơ vàng, gỗ thương phẩm, sản phẩm chăn nuôi bản địa, các sản phẩm OCOP cùng nhiều sản phẩm khác...” - ông Nhất cho hay.

Kết nối giao thương sản phẩm hàng hóa vùng đồng bào dân tộc tỉnh Bắc Kạn
Các đại biểu tham dự hội nghị

Cùng với việc hình thành và phát triển các sản phẩm đặc sản, đặc trưng tiêu biểu của tỉnh cả về số lượng và chất lượng trong thời gian qua, việc tổ chức các hoạt động xúc tiến tiêu thụ sản phẩm của tỉnh đã được quan tâm triển khai thực hiện.

Từ năm 2017 tới nay, Bắc Kạn đã tổ chức thành công 3 hội nghị kết nối cung cầu; 7 sự kiện tuần lễ, ngày hội quảng bá sản phẩm OCOP cho các sản phẩm nông nghiệp. Qua đó, đã giới thiệu sản phẩm của 146 doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn; tham gia ký kết 15 biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh, kết nối 1 nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp…

Bắc Kạn cũng xúc tiến thương mại ra thị trường nước ngoài tại Hy Lạp, Nhật Bản… bằng nhiều hình thức, như: đoàn giao dịch, tham gia hội chợ nước ngoài…

Mặc dù có nhiều nỗ lực, song theo ông Nông Quang Nhất, việc phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã ở Bắc Kạn nói riêng và một số địa phương nói chung, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, đang có những tồn tại, bất cập, hạn chế cần được quan tâm, giải quyết như hợp tác xã có quy mô nhỏ, vốn ít, năng lực quản trị hạn chế, liên kết thành viên còn thấp, chưa có uy tín và thương hiệu trên thị trường; việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các hợp tác xã vẫn còn khó khăn.

Kết nối giao thương sản phẩm hàng hóa vùng đồng bào dân tộc tỉnh Bắc Kạn
Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước phát biểu tại hội nghị

Nhằm gỡ khó cho các địa phương trong việc phát triển kinh tế, hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm OCOP, đặc trưng trên địa bàn, theo đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), thời gian qua, Bộ Công Thương đã xây dựng và triển khai một loạt các chương trình, dự án, Đề án, các hoạt động nhằm tăng cường thuận lợi và giảm khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa, đẩy mạnh việc kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, tiêu thụ các sản phẩm đặc sản của địa phương, cũng như các sản phẩm công nghiệp nông thôn, nông nghiệp tiêu biểu, các sản phẩm chủ lực của các địa phương nói chung và Bắc Kạn nói riêng.

Theo Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và tình hình kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh tháng 10 và 10 tháng năm 2023 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 10/2023 trên địa bàn tỉnh ước đạt 824,130 tỷ đồng, tăng 3,61% so với tháng trước, tăng 36,24% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 10 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 7.381,282 tỷ đồng, đạt 105,09% kế hoạch năm 2023, tăng 32,55% so với cùng kỳ năm 2022.

Kết nối giao thương sản phẩm hàng hóa vùng đồng bào dân tộc tỉnh Bắc Kạn
Các sản phẩm của huyện Ngân Sơn tham gia tại khu trưng bày

"Đây cũng là kết quả một phần do Bộ Công Thương triển khai một loạt các giải pháp, chương trình, đề án nêu trên trên phạm vi cả nước, nhưng cụ thể và trực tiếp là do tỉnh đã theo dõi sát tình hình thị trường, đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng tăng cao, đảm bảo không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến; đồng thời chỉ đạo tăng cường tổ chức các cuộc xúc tiến thương mại, tham gia gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các trung tâm thương mại lớn trong nước" - ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn nhận định: "Với rất nhiều tiềm năng sẵn có, Bắc Kạn có điều kiện thuận lợi phát triển du lịch sinh thái, du lịch lịch sử với các giá trị tự nhiên, lịch sử đặc sắc, đó là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tỉnh Bắc Kạn theo hướng xanh và bền vững”.

Kết nối giao thương sản phẩm hàng hóa vùng đồng bào dân tộc tỉnh Bắc Kạn
Ông Lê Hoàng Tài – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại phát biểu tại hội nghị

Đánh giá về tiềm năng của tỉnh, ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương cho biết, dư địa và tiềm năng phát triển thị trường cả trong và ngoài nước của nhiều sản phẩm xuất xứ Bắc Kạn hiện khá mở rộng.

"Do đó, ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn cần đẩy mạnh nghiên cứu, tái cấu trúc vùng trồng, tiếp tục mở rộng vùng trồng nông sản theo hướng xanh, hữu cơ, kiểm soát nghiêm ngặt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đối tượng dịch hại, thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ các chứng nhận Vietgap, Globalgap, truy xuất nguồn gốc tại các vùng trồng, nhằm đẩy mạnh tính cạnh tranh và tăng uy tín trên thị trường" - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại nói.

Bên cạnh đó, ông Lê Hoàng Tài kiến nghị, ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh nghiên cứu, kêu gọi đầu tư để hình thành, phát triển chuỗi giá trị gia tăng giúp sản phẩm nông nghiệp Bắc Kạn có cơ hội tiếp cận các tệp khách hàng lớn hơn và tăng giá trị sản phẩm.

Kết nối giao thương sản phẩm hàng hóa vùng đồng bào dân tộc tỉnh Bắc Kạn
Sản phẩm trà thảo mộc túi lọc của ALPHACO Ninh Bình cũng tham gia không gian trưng bày tại hội nghị

Đồng thời, ngành Công Thương Bắc Kạn cần tiếp tục chủ động triển khai đa dạng các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa Bắc Kạn với các tỉnh, thành phố trong cả nước; tham gia nhiều hơn nữa các hội chợ triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu, các chương trình phối hợp về tiêu thụ hàng hóa giữa các tỉnh, thành, các chương trình xúc tiến thương mại quy mô quốc gia và quốc tế.

Các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh cần đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong phát triển sản phẩm, hình thành mô hình chuỗi liên kết, năng động hơn trong công tác nghiên cứu nhu cầu, thị hiếu thị trường… để tăng năng lực cung ứng cho thị trường.

Kết nối giao thương sản phẩm hàng hóa vùng đồng bào dân tộc tỉnh Bắc Kạn
Ông Nông Quang Nhất đề nghị lãnh đạo các đơn vị phân phối nghiên cứu quy mô sản xuất, khả năng cung cấp các sản phẩm của tỉnh

"Trong thời gian tới Cục Xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục đồng hành, phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương và các cơ quan liên quan của tỉnh Bắc Kạn trong việc cung cấp thông tin về yêu cầu, nhu cầu, xu hướng tiêu thụ tại các thị trường trong và ngoài nước, năng cao năng lực thực hành thương mại cho các doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh, đa dạng các hoạt động xúc tiến thương mại để giới thiệu, quảng bá thương hiệu các sản phẩm đặc hữu của Bắc Kạn tới các kênh phân phối, thu mua trong và ngoài nước" - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho hay.

Tự hào các sản phẩm uy tín của vùng dân tộc thiểu số

Thực tế cho thấy, để đạt được những kết quả trên, không chỉ nhờ sự hỗ trợ của các cấp, ngành, sự chỉ đạo sát sao của địa phương, mà còn là sự nỗ lực của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo đó, hiện trên địa bàn tỉnh, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã bước đầu ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến các sản phẩm nông, lâm nghiệp tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Chia sẻ tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Lê - Phó Giám đốc của Công ty Cổ phần Công nghệ dược liệu Bắc Hà cho biết, Bắc Hà Curcumin tự hào là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tiên của tỉnh. Công ty luôn ý thức và quyết tâm đầu tư tài chính, nhân sự để xây dựng nhà máy, dây truyền công nghệ đạt chuẩn GMP của Bộ Y tế và tiêu chuẩn ISO22000; ISO9001; FDA (Mỹ) đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Halal (đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang các nước đạo hồi).

Kết nối giao thương sản phẩm hàng hóa vùng đồng bào dân tộc tỉnh Bắc Kạn
Bắc Hà Curcumin là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tiên của tỉnh.

Các sản phẩm của công ty đã đạt thực phẩm bảo vệ sức khỏe và được công bố với Bộ Y tế, các nhóm sản phẩm của công ty đều đạt OCOP 4 sao và 3 nhóm sản phẩm đang nộp hồ sơ nâng hạng 5 sao quốc gia. Trong năm 2023 công ty đã xuất sang thị trường Mỹ 3 lô hàng, đồng thời quy hoạch vùng trồng nguyên liệu đạt chuẩn GACP - WHO.

Hoạt động sản xuất của công ty luôn phát huy thế mạnh sản xuất từ cây dược diệu và cây nông sản sẵn có tại địa phương thành thực phẩm bảo vệ sức khỏe, áp dụng khoa học kỹ thuật trên nền tảng công nghệ nano. Đặc biệt, công ty đã nghiên cứu thành công Nano curcumin tinh chất quý từ củ nghệ và các hoạt chất quí từ cây dược liệu sẵn có tại địa phương tạo thành những sản phẩm có chất lượng tốt phục vụ sức khỏe cộng đồng, phù hợp với xu thế người tiêu dùng.

Tại hội nghị, đại diện các đơn vị như Tiktok Việt Nam, Postmart, Tập đoàn Centrai Retail đã chia sẻ những kinh nghiệm thúc đẩy các doanh nghiệp trên địa bàn chuyển đổi số, đồng thời đã đề ra các giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá, hướng đến xây dựng chuỗi liên kết đầu ra bền vững cho sản phẩm của địa phương.

Kết nối giao thương sản phẩm hàng hóa vùng đồng bào dân tộc tỉnh Bắc Kạn
Đại diện tiktok Việt Nam chia sẻ giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

Bên cạnh đó, để thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, tạo thuận lợi đầu ra cho sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trên địa bàn tỉnh, ông Nông Quang Nhất kêu gọi và chào đón các thương nhân, các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, hiệp hội, siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối trên cả nước đến với Bắc Kạn. Các cấp, các ngành tỉnh Bắc Kạn cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư, nhà liên kết đến Bắc Kạn kết nối giao thương, tiêu thụ các sản phẩm nông sản của tỉnh.

Ông Nông Quang Nhất cũng đề nghị lãnh đạo các đơn vị phân phối nghiên cứu quy mô sản xuất, khả năng cung cấp các sản phẩm của tỉnh, của các đơn vị sản xuất để liên kết tạo nguồn cung cho hoạt động kinh doanh. Cùng đó, từng bước liên kết với các đơn vị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị để vừa chủ động trong sản xuất kinh doanh, vừa gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Kết nối giao thương sản phẩm hàng hóa vùng đồng bào dân tộc tỉnh Bắc Kạn
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tỉnh Bắc Kạn với các đơn vị sản xuất, tiêu thụ ngoại tỉnh được ký kết bản ghi nhớ hợp tác kết nối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, sản phẩm OCOP.

Đồng thời, các doanh nghiệp đại diện cho các sàn giao dịch thương mại điện tử nghiên cứu, phối hợp và hỗ trợ xúc tiến thương mại các sản phẩm nông sản tỉnh Bắc Kạn, tạo điều kiện đưa các sản phẩm tỉnh tham gia giao dịch, mua bán thuận tiện qua các sàn giao dịch thương mại điện tử.

Tại hội nghị đã có 11 hợp đồng và 12 biên bản ghi nhớ hợp tác kết nối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn của tỉnh, giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tỉnh Bắc Kạn với các đơn vị sản xuất, tiêu thụ ngoại tỉnh được ký kết.

Đỗ Nga