Đoàn đại biểu Quốc hội - HĐND

Cân nhắc việc bắt buộc xe cá nhân phải lắp camera hành trình

Đức Diệu 24/11/2023 16:40

ĐBQH Đắk Nông Dương Khắc Mai: cơ quan soạn thảo nên cân nhắc việc khuyến khích người dân sử dụng xe cá nhân thực hiện lắp camera hành trình chứ không nên bắt buộc…

Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 24/11, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đường bộ. Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự và thảo luận ở hội trường về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

24_11_sang_hoi-truong-1-(1).jpeg
Toàn cảnh phiên họp ngày 24/11 (Ảnh: Lệ Quyên)

Tham gia thảo luận về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH Đắk Nông nhấn mạnh: Dự dự án Luật được tách từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008 để xây dựng 2 dự án luật riêng biệt (Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ) để quy định đầy đủ, cụ thể về từng lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm Trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”; Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới”.

bac-danh-ngay-24(1).jpg
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Đắk Nông tham dự phiên thảo luận ngày 24/11 (Ảnh Lệ Quyên)

Tuy nhiên, do lĩnh vực Trật tự an toàn giao thông đường bộ liên quan trực tiếp đến hoạt động hàng ngày của người dân, tác động to lớn đến đời sống xã hội. Do đó, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật (nhất là bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các quy định tại dự thảo Luật Đường bộ như: vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô, vận tải hành khách, hàng hoá… nhằm tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn và Chương XXI của Bộ luật Hình sự về các tội xâm phạm trật tự, an toàn giao thông); tương thích với các điều ước quốc tế và phù hợp với thực tiễn của nước ta hiện nay.

Mặt khác, theo dự thảo Luật, cơ quan soạn thảo đề xuất xe cơ giới, xe máy chuyên dùng khi tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe. Cụ thể, tại điểm c, khoản 1, Điều 33 quy định “Có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định”. Trong khi đó, theo dự thảo Luật, xe cơ giới gồm: xe ô tô; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô; xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ; xe chở người bốn bánh có gắn động cơ; xe mô tô; xe gắn máy và các loại xe tương tự kể cả phương tiện giao thông công nghệ mới, phương tiện giao thông đa tính năng. Như vậy, so với quy định hiện hành, không chỉ xe ô tô kinh doanh vận tải mà xe ô tô cá nhân cũng phải có camera giám sát hành trình. Việc quy định bắt buộc xe có giới, xe máy chuyên dùng phải có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình như vậy sẽ làm mất quyền riêng tư của người điều khiển xe cũng như người ngồi trong xe. Nếu bắt buộc như vậy, người sử dụng xe sẽ mất thêm một khoản tài chính để lắp đặt các thiết bị giám sát hành.

24_11_chieu-duong-khac-mai(1).jpeg
Đại biểu Dương Khắc Mai: cân nhắc độ tuổi trẻ em thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 31 dự thảo Luật Ảnh: Lệ Quyên

Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nên cân nhắc việc khuyến khích người dân sử dụng xe cá nhân thực hiện lắp camera hành trình chứ không nên bắt buộc, trừ các trường hợp bắt buộc phải lắp đặt camera hành trình như trên xe vận chuyển hành khách, xe kinh doanh vận tải nhằm ngăn chặn các hành vi chèn ép hành khách, không trung thực trong việc vận chuyển hàng hóa.

Đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị cơ quan soạn thảo đưa định nghĩa về “Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi là xe cơ giới)” quy định tại khoản 12 Điều 3 lên trước khoản 8 Điều 3 dự thảo Luật, để giải thích cho từ “xe cơ giới” được sử dụng tại các định nghĩa sau đó. Đồng thời, đề nghị bổ sung về giải thích các cụm từ: xe buýt, xe taxi.

Khoản 5, Điều 6 dự thảo luật quy định “Cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo chủ trì, phối hợp với cơ quan Công an có trách nhiệm tích hợp, lồng ghép kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ vào chương trình giảng dạy trong nhà trường và các cơ sở giáo dục khác phù hợp với từng ngành học, cấp học”. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 12, Điều 5 Luật Giáo dục năm 2019 quy định “Cơ sở giáo dục là tổ chức thực hiện hoạt động giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân gồm nhà trường và cơ sở giáo dục khác.”. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh lại cho phù hợp, tránh gây mâu thuẫn trong việc sử dụng từ ngữ.

Khoản 1 Điều 17 dự thảo Luật quy định “Dừng xe là trạng thái đứng yên tạm thời của phương tiện giao thông trong một khoảng thời gian cần thiết theo quy định tại các vị trí được phép dừng”. Đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét việc giữ nguyên điều kiện “Khi dừng xe, người điều khiển phương tiện không được tắt máy và không được rời khỏi vị trí lái” như quy định tại điểm e, khoản 3, Điều 18 của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 để dễ xác định giữa hành vi dừng xe và đỗ xe.

Khoản 1, Điều 19 dự thảo Luật quy định “Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông trong thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau hoặc khi có sương mù, khói, bụi, trời mưa, thời tiết xấu làm hạn chế tầm nhìn phải bật đèn chiếu sáng phía trước.”. Việc quy định khung giờ “từ 19 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau” là chưa phù, vì: Thông thường, trong điều kiện thời tiết, khí hậu bình thường thì thời gian từ 18 giờ đến 19 giờ trời đã bắt đầu tối, khoảng thời gian 5 giờ sáng trời chưa sáng hẳn; trong khi điều kiện tham gia giao thông trong khung giờ trên còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố khí hậu từng vùng miền, khu vực và các mùa trong năm. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nên quy định khung thời gian phải bật đèn chiếu sáng trong điều kiện thời tiết bình thường cho phù hợp với thực tiễn, điều kiện thời tiết của từng mùa trong năm, vùng miền.

Khoản 2 Điều 20 dự thảo Luật, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung cụm từ “trường học” trong dự thảo luật và chỉnh sửa lại như sau: “Không sử dụng còi liên tục; không sử dụng còi trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau, khu đông dân cư, trường học và khu vực cơ sở điều trị bệnh, trạm cấp cứu, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định của Luật này.”

Điểm c, khoản 1 Điều 31 dự thảo luật quy định “trẻ em dưới 14 tuổi” thuộc quy định “trừ những trường hợp sau thì được chở tối đa hai người” tại khoản 1. Việc quy định trẻ em dưới 14 tuổi như trên là chưa phù hợp. Hiện nay, thể trạng trẻ em phát triển rất nhanh, có những trường hợp to, lớn hơn người lớn và độ tuổi trên đã là học sinh lớp 8 (13 tuổi). Trong khi đó, dự thảo Luật quy định “người đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy” (điểm a, khoản 1 Điều 51). Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nên cân nhắc độ tuổi trẻ em thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 31 dự thảo Luật cho phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay.

Đức Diệu