Truy tố cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc, cùng đồng phạm

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 12:33, 24/11/2023

Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh vừa ban hành cáo trạng truy tố đối với các bị can trong vụ án xảy ra tại Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op).

Cụ thể, bị can Diệp Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op), Nguyễn Thành Nhân (cựu Tổng giám đốc Saigon Co.op), Hồ Mỹ Hòa (cựu Giám đốc Phòng Tài chính Saigon Co.op) và 2 bị can bị truy tố về tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”; 4 bị can khác bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Truy tố cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc, cùng đồng phạm- Ảnh 1.

Bị can Diệp Dũng khi còn đương chức.

Dẫn nội dung cáo trạng, báo CAND cho biết: Diệp Dũng với vai trò là Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op, tuy nắm rõ các quy định pháp luật về hợp tác xã, điều lệ, quy chế làm việc, quy chế quản lý tài chính Saigon Co.op…., nhưng từ tháng 6/2016 đến tháng 3/2018, Dũng đã không thông qua HĐQT Saigon Co.op mà tự ý chỉ đạo phòng tài chính, phòng kế toán của Saigon Co.op thực hiện các thủ tục chuyển 1.000 tỷ đồng trong 3.000 tỷ đồng của Saigon Co.op huy động vốn để thực hiện thương vụ Big C và mở rộng mạng lưới cho Công ty Đô Thị Mới và Công ty Đại Á, thực hiện việc hợp tác đầu tư.

Theo nội dung hợp tác đầu tư mà Dũng ký với bị can Võ Thành Trung (Tổng giám đốc Công ty Đô Thị Mới) và bị can Tôn Thất Hào (Tổng giám đốc Công ty Đại Á) thì Saigon Co.op được nhận tỷ lệ lợi nhuận cố định trên tổng số tiền hợp tác 7%/năm. 

Đến tháng 3/2018, Hào và Trung lấy lý do hai công ty Đô Thị Mới và Đại Á dùng 1.000 tỷ kinh doanh không hiệu quả, không thu lợi nhuận để đề nghị Saigon Co.op điều chỉnh giảm lợi nhuận. 

Sau đó, Diệp Dũng đồng ý và ký thỏa thuận bổ sung, điều chỉnh tỷ lệ lợi nhuận từ 7%/năm thành 0%/năm kể từ ngày 19/8/2016. Việc tự điều chỉnh lợi nhuận cố định đã dẫn thiệt hại cho Saigon Co.op hơn 115,6 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, bị can Diệp Dũng đã thay đổi nhận thức và có thái độ hợp tác, thừa nhận hành vi phạm tội. 

Đối với 8 bị can còn lại trong vụ sai phạm tại Saigon Co.op cũng có thái độ khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, lần đầu phạm tội; một số bị can tự nguyện nộp tiền khắc phục hậu quả…

Truy tố cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc, cùng đồng phạm- Ảnh 2.

Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Từ nay đến cuối năm sẽ đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Saigon Co.op

Trước đó, ngày 22/11/2023, tại Hà Nội, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) đã tổ chức Cuộc họp dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo để thảo luận.

Theo Ban Nội chính trung ương, tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo đã thống nhất phấn đấu từ nay đến hết năm 2023 kết thúc xác minh, xử lý 10 vụ việc; ban hành cáo trạng truy tố 05 vụ án; xét xử sơ thẩm 07 vụ án, xét xử phúc thẩm 03 vụ án.

Nhất là, phấn đấu ban hành cáo trạng truy tố đối với 02 vụ án:

(1) Vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức có liên quan;

(2) Vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan;

Đưa ra xét xử sơ thẩm 04 vụ án trọng điểm:

(1) Vụ án xảy ra tại Học viện Quân y Bộ Quốc phòng (liên quan đến hợp tác, nghiên cứu sản xuất kit test COVID-19 với Công ty Việt Á);

(2) Vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hải Dương và các đơn vị, địa phương có liên quan;

(3) Vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh;

(4) Vụ án xảy ra tại Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op).

Truy tố cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc, cùng đồng phạm- Ảnh 3.

Bị can Diệp Dũng bị đề nghị truy tố tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”.

Nguyên Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op Diệp Dũng gây thiệt hại hơn 115 tỷ đồng

Trước đó, ngày 18/8, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đã công bố bản kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố bị can Diệp Dũng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh - Saigon Co.op và 8 bị can khác về tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Vụ án do bị can Diệp Dũng cùng đồng phạm thực hiện xảy ra tại Saigon Co.op là vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Cụ thể, 3 bị can bị đề nghị truy tố về tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” gồm Diệp Dũng, Tôn Thất Hào (nguyên Giám đốc Công ty Đại Á), Võ Thành Trung (nguyên Tổng giám đốc Công ty Đô Thị Mới).

Có 6 bị can bị đề nghị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, gồm Hồ Mỹ Hòa (Giám đốc Tài chính, thành viên Hội đồng quản trị Saigon Co.op); Nguyễn Thành Nhân (nguyên Tổng giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị Saigon Co.op); Trần Trung Liệt (nguyên Kế toán trưởng Saigon Co.op); Hàng Thanh Dân (nguyên Trưởng ban Kiểm soát Saigon Co.op); Phạm Thị Minh Ngọc (Phó ban Kiểm soát Saigon Co.op); Nguyễn Thị Thùy Trang - Ủy viên ban Kiểm soát Saigon Co.op nhiệm kỳ 2014 -2019, Trưởng ban Kiểm soát Saigon Co.op (từ tháng 7/2019 đến nay).

Theo Cơ quan An ninh điều tra, quá trình hoạt động của Saigon Co.op, từ 1999-1/2020 có 9 lần tăng vốn điều lệ. Trong đó, việc tăng vốn điều lệ lần thứ 9 từ 3.200 tỷ đồng lên 6.797 tỷ đồng (tăng thêm 3.597 tỷ đồng, chiếm khoảng 53%), với sự chỉ đạo trực tiếp của bị can Diệp Dũng.

Cơ quan An ninh điều tra xác định, cuối năm 2015 đầu năm 2016, khi chuỗi siêu thị Big C tại Việt Nam công bố thông tin chuyển nhượng, Đảng ủy, HĐQT, Ban Tổng Giám đốc Saigon Co.op đã thống nhất và trình Đại hội Thành viên Saigon Co.op thông qua nghị quyết tiếp tục mở rộng và phát triển mạng lưới với phương thức “mua bán - sáp nhập” đối với các công ty, đơn vị có ý định chuyển nhượng các điểm bán lẻ tại Việt Nam.

Tháng 2/2016, Saigon Co.op xin chủ trương mua lại chuỗi Big C Việt Nam, được UBND TP Hồ Chí Minh chấp thuận và giao chịu trách nhiệm nghiên cứu, rà soát pháp lý, cân đối năng lực tài chính, hiệu quả kinh tế của việc đầu tư (thông qua Đại hội Thành viên) để xem xét, quyết định việc mua lại chuỗi siêu thị Big C Việt Nam theo đúng quy định.

Đến tháng 8/2016, bị can Diệp Dũng (với danh nghĩa Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op) đã tự ý ký hợp đồng “Hợp tác đầu tư” với hai công ty là Đại Á số tiền 300 tỷ đồng, Đô Thị Mới là 700 tỷ đồng (mà không thông qua HĐQT).

Diệp Dũng sau đó đã ký ủy nhiệm chi chuyển 1.000 tỷ đồng từ tài khoản chuyên dùng để huy động vốn của Saigon Co.op sang một tài khoản khác cũng của Saigon Co.op nhưng mở tại chi nhánh khác. Tiếp đó, Dũng ký ủy nhiệm chi chuyển tiền lần lượt 300 tỷ và 700 tỷ đến tài khoản hai công ty Đại Á và Đô Thị Mới để thực hiện hợp đồng hợp tác đầu tư.

Truy tố cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc, cùng đồng phạm- Ảnh 4.

Vụ án do bị can Diệp Dũng cùng đồng phạm thực hiện xảy ra tại Saigon Co.op là vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Theo hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty Đại Á, Công ty Đô Thị Mới, Saigon Co.op được nhận tỷ lệ lợi nhuận cố định là 7%/năm, thời hạn 3 tháng và được thanh toán (gốc và lãi) một lần vào cuối kỳ hợp tác. Từ tháng 11/2016 đến tháng 11/2017, bị can Diệp Dũng và Tôn Thất Hào, Võ Thành Trung tiếp tục ký 4 phụ lục hợp đồng để gia hạn thời gian hợp tác.

Tháng 3/2018, bị can Diệp Dũng không thông qua HĐQT, tự ký thỏa thuận bổ sung để điều chỉnh tỷ lệ lợi nhuận từ 7% xuống 0%/năm. Đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc Saigon Co.op thiệt hại số tiền lợi nhuận của hai hợp đồng gần 115,7 tỷ đồng (trong đó thiệt hại về thuế là hơn 29,7 tỷ đồng) và sau đó bị Cục Thuế TP Hồ Chí Minh truy thu thuế và phạt tiền.

Bị can Tôn Thất Hào và Võ Thành Trung có vai trò giúp sức ông Dũng trong hành vi này.

Bị can Nguyễn Thành Nhân và 5 người khác là lãnh đạo các đơn vị được xác định là “không thực hiện và thực hiện không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao” đối với việc kiểm tra, giám sát nguồn gốc số tiền 3.000 tỷ đồng huy động vốn vào Saigon Co.op và hai hợp đồng hợp tác đầu tư nên dẫn đến sai phạm trên.

Ngoài vụ án này, trước đó, Diệp Dũng đã bị tuyên phạt 2 năm tù về tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” theo Điều 337 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 trong vụ án “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước, chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” được TAND TP Hồ Chí Minh xét xử vào tháng 4/2022.

Saigon Co.op thành lập năm 1989 theo quyết định của UBND TP Hồ Chí Minh với tên gọi Liên hiệp Hợp tác xã (HTX) Mua bán thành phố. Đến năm 1998, đơn vị này đổi tên thành Liên hiệp HTX thương mại TP Hồ Chí Minh với 20 HTX thành viên. Hiện Saigon Co.op có hơn 100 siêu thị (Co.opmart) trên cả nước.

Ông Diệp Dũng làm Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op từ tháng 5/2015, đồng thời giữ chức Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Saigon Co.op (công ty con do Saigon Co.op sở hữu 97% vốn điều lệ).

Tháng 2/2020, cơ quan chức năng phát hiện dấu hiệu tăng vốn bất thường của Saigon Co.op. Các HTX thành viên đạt lợi nhuận 5-6 tỷ đồng/năm không góp vốn nhưng nhiều HTX chỉ đạt lợi nhuận từ 24 đến 500 triệu đồng lại góp hàng trăm tỷ đồng. Thậm chí có đơn vị kinh doanh thua lỗ vẫn góp 247 tỷ đồng.

Thành ủy - UBND TP Hồ Chí Minh nhiều lần yêu cầu ông Diệp Dũng (đang là Thành ủy viên) làm việc, nhưng ông Dũng luôn tìm cách né tránh, không hợp tác làm việc. Mặc dù Thanh tra TP Hồ Chí Minh đang thanh tra và yêu cầu Saigon Co.op phải chấp hành Quyết định Thanh tra và tuân thủ các yêu cầu, nhưng ngày 24/7/2020, ông Diệp Dũng vẫn triệu tập và tổ chức Đại hội Thành viên bất thường Saigon Co.op lần một.

Cho rằng có dấu hiệu thực hiện hành vi huy động góp vốn trái pháp luật và thâu tóm ở lần bổ sung vốn điều lệ lên gần 6.800 tỷ đồng, Cơ quan Thanh tra đề nghị UBND thành phố chuyển hồ sơ sang Công an để điều tra.

Truy tố cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc, cùng đồng phạm- Ảnh 5.

Thay đổi tội danh truy tố nguyên Tổng giám đốc Saigon Co.op

Cuối tháng 10/2023, báo CAND cho biết, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an TP Hồ Chí Minh vừa hoàn tất kết luận điều tra (KLĐT) bổ sung lần 4, chuyển Viện KSND cùng cấp tiếp tục đề nghị truy tố bị can Diệp Dũng (nguyên Chủ tịch Saigon Co.op), Nguyễn Thành Nhân (nguyên Tổng giám đốc Saigon Co.op), Hồ Mỹ Hòa (nguyên Giám đốc Phòng Tài chính Saigon Co.op) và 2 bị can khác về tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”; 4 bị can khác về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Cơ quan ANĐT đã quyết định thay đổi tội danh truy tố bị can Hồ Mỹ Hòa và Nguyễn Thành Nhân, từ tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” sang tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”, với vai trò đồng phạm của bị can Diệp Dũng.

Các bị can Trần Trung Liệt (nguyên Kế toán trưởng Saigon Co.op), Hàng Thanh Dân (nguyên Trưởng ban Kiểm soát Saigon Co.op), Phạm Thị Minh Ngọc (nguyên Phó Trưởng ban Kiểm soát Saigon Co.op), Nguyễn Thị Thùy Trang (nguyên Kiểm soát viên Saigon Co.op), cùng bị đề nghị truy tố tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo Cơ quan ANĐT, sau khi tiến hành điều tra bổ sung theo yêu cầu của Viện KSND, Cơ quan ANĐT đủ cơ sở kết luận hành vi phạm tội của các bị can kể trên.

Cụ thể, đối với bị can Diệp Dũng, từ tháng 6/2016 đến tháng 3/2018, bị can Dũng đã không thông qua HĐQT Saigon Co.op mà tự ý chỉ đạo các cá nhân tại Phòng Tài chính, Phòng Kế toán của Saigon Co.op, thực hiện các các thủ tục chuyển số tiền 1.000 tỷ đồng từ 3.000 tỷ đồng của Saigon Co.op huy động vốn để thực hiện thương vụ Big C và mở rộng mạng lưới cho một số công ty nhằm hợp tác đầu tư, gây thiệt hại cho Saigon Co.op 115 tỷ đồng.

Với nguyên Tổng giám đốc Saigon Co.op Nguyễn Thành Nhân, theo Cơ quan ANĐT, bị can Nhân thừa nhận được bị can Diệp Dũng thông báo về việc sử dụng số tiền 1.000 tỷ đồng từ 3.000 tỷ đồng từ tài khoản huy động vốn của Saigon Co.op, để thực hiện việc hợp tác đầu tư và đồng ý cho bị can Hồ Mỹ Hòa thực hiện việc kiểm tra, theo dõi đối với việc Saigon Co.op sử dụng số tiền 1.000 tỷ đồng để hợp tác đầu tư theo chỉ đạo của bị can Diệp Dũng.

Truy tố cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc, cùng đồng phạm- Ảnh 6.

Bị can Nguyễn Thành Nhân bị truy tố tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”, với vai trò đồng phạm của bị can Diệp Dũng.

Mặc dù biết việc bị can Diệp Dũng sử dụng số tiền 1.000 tỷ đồng để hợp tác đầu tư, nhưng với vai trò là Ủy viên HĐQT, Tổng giám đốc phụ trách Phòng Tài chính, Phòng Kế toán, bị can Nhân đã không chỉ đạo, không yêu cầu hai phòng này cung cấp hồ sơ liên quan, không làm hết trách nhiệm được giao.

Ngoài ra, bị can Nhân không chỉ đạo Phòng Tài chính, Phòng Kế toán làm rõ cơ sở của việc hạch toán điều chỉnh giảm doanh thu từ hoạt động tài chính, mà trực tiếp phê duyệt báo cáo tài chính năm 2018 điều chỉnh giảm doanh thu đối với lợi nhuận thu được.

Hành vi của bị can Nhân, theo Cơ quan ANĐT là thể hiện lỗi cố ý bỏ mặc hậu quả từ hành vi phạm tội của bị can Diệp Dũng, qua đó tạo điều kiện để bị can Diệp Dũng hoàn thành tội phạm và dẫn đến việc Saigon Co.op bị thiệt hại.

Bị can Hồ Mỹ Hòa có sai phạm khi đã liên hệ, trao đổi với ngân hàng về việc đầu tư số tiền 1.000 tỷ đồng với Saigon Co.op, sau đó trực tiếp tham mưu (ký nháy) cho bị can Diệp Dũng ký các hợp đồng hợp tác đầu tư với một số công ty.

Bị can Trần Trung Liệt là người đã ký ủy nhiệm chi để chuyển số tiền 1.000 tỷ đồng từ tài khoản của Saigon Co.op sang cho một số công ty hợp tác đầu tư. Bị can Liệt biết nguồn tiền này là tiền huy động vốn để phục vụ sản xuất kinh doanh của Saigon Co.op, nhưng không báo cáo tổng giám đốc và kiểm tra giấy tờ liên quan việc HĐQT Saigon Co.op thông qua chủ trương hợp tác, mà chỉ thực hiện theo chỉ đạo của bị can Diệp Dũng.

Trước đó, sau khi nhận KLĐT bổ sung lần thứ ba, ngày 30/8/2023, Viện KSND TP Hồ Chí Minh đã trả hồ sơ điều tra bổ sung: Yêu cầu cơ quan ANĐT thu thập các yêu cầu chưa nhận được trả lời liên quan đến hành vi phạm tội của các bị can; Yêu cầu cơ quan ANĐT sau khi thu thập tài liệu, chứng cứ của vụ án, tiến hành xem xét, đánh giá tình chất, mức độ hành vi phạm tội của từng bị can để xử lý đúng quy định pháp luật…