Giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 06:05, 02/03/2023

Một trong những khó khăn, bất cập “hậu Covid-19” là tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế xảy ra tại hầu hết các bệnh viện trong cả nước. Điều đó đặt ra cho ngành y tế và các bộ, ngành liên quan cần có những giải pháp tháo gỡ vướng mắc, giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế để không ảnh hưởng đến công tác khám bệnh, điều trị cho người bệnh.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế bắt đầu xảy ra từ năm 2022. Những ngày cuối tháng 2/2023 vừa qua, các bệnh viện lớn như Bạch Mai, Hữu nghị Việt Đức, Chợ Rẫy… đều phản ánh tình trạng thiếu trang thiết bị, vật tư y tế là rất đáng lo ngại.

Như tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, do các vướng mắc cho nên không mua sắm được hóa chất xét nghiệm, trong đó đặc biệt là hóa chất định lượng nồng độ thuốc trong máu của bệnh nhân ghép tạng, các hóa chất miễn dịch, hóa chất khí máu, kim gây tê tủy sống… Hóa chất khí máu còn đủ sử dụng trong một tuần, hóa chất ghép tạng đủ sử dụng trong hai tuần. GS, TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đánh giá, việc thiếu hụt các vật tư, hóa chất đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác chữa bệnh, cứu người của bệnh viện…

Báo cáo gửi Bộ Y tế về những khó khăn, vướng mắc khi mua sắm trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, hiện nay hầu hết trang thiết bị y tế kỹ thuật cao như: Máy chụp cắt lớp vi tính, máy chụp cộng hưởng từ, máy siêu âm doppler mầu đều rất khó mua sắm vì không đủ một số điều kiện quy định để thực hiện đấu thầu mua mới cũng như sửa chữa, bảo trì. Bệnh viện thường xuyên trong trạng thái thiếu trang thiết bị y tế, thiết bị hư hỏng không sửa chữa được, phải chuyển bệnh nhân đến cơ sở khác, gây rất nhiều khó khăn, phiền toái cho người bệnh… Thiếu trang thiết bị, vật tư y tế là nguyên nhân chính khiến bệnh viện này đối mặt với nguy cơ phải tạm ngừng hoạt động.

Bộ Y tế xác định, nguyên nhân của vấn đề này bao gồm cả khách quan và chủ quan. Trong đó, nguyên nhân khách quan là do sau ba năm chống dịch Covid-19, nguồn cung về thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế trên thị trường thế giới, trong đó có Việt Nam đều bị ngắt quãng. Mặt khác, sau khi kiểm soát được dịch Covid-19, số người bệnh đi khám, chữa bệnh tăng đột biến. Chính vì vậy, công tác dự trù, đấu thầu của các cơ sở y tế cũng có những thời điểm chưa đáp ứng được nhu cầu.

Về nguyên nhân chủ quan, quy định mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế có rất nhiều văn bản pháp luật chi phối, từ Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Tài sản công, Luật Dược và các nghị định, thông tư hướng dẫn cho nên có những vướng mắc liên quan đến thể chế không thể sửa đổi được ngay, vì vậy thời gian bị kéo dài. Một nguyên nhân nữa là trong thời gian qua, có nhiều sai phạm liên quan tới lĩnh vực mua sắm vật tư, thuốc, trang thiết bị y tế, chính vì vậy, việc rà soát, đánh giá lại để triển khai là một trong những việc phải làm để có thể mua được vật tư, thuốc, trang thiết bị y tế đúng quy định của pháp luật.

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, không ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân, trong thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, trong đó có Bộ Y tế và các bộ, ngành đã rất cố gắng, nỗ lực giải quyết.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 80/2023/QH15 về tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2024, cho phép Bộ Y tế kéo dài thời gian đăng ký lưu hành thuốc, đáp ứng số lượng thuốc cung ứng thị trường. Sau khi nghị quyết được ban hành, Bộ Y tế ngay lập tức triển khai và gia hạn giấy đăng ký lưu hành cho gần 9.000 mặt hàng thuốc; đồng thời khẩn trương tổ chức đấu thầu tập trung quốc gia, đàm phán giá…

Hiện Bộ Y tế cùng với các bộ, ngành tiếp tục tập trung tham mưu, sửa đổi hàng loạt các nghị định, thông tư và văn bản liên quan. Bộ Y tế tích cực phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đưa nội dung liên quan các quy định đặc thù ngành y tế trong quá trình sửa đổi Luật Đấu thầu.

Bộ Y tế cùng với các bộ, ngành thảo luận, sửa đổi nghị định về quản lý trang thiết bị y tế; nghị định liên quan đến thanh toán bảo hiểm y tế; các quy định, văn bản khác để có thể giải quyết ngay những tình huống trước mắt.

Tháng 11/2022, Bộ Y tế trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 144/NQ-CP về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đây là văn bản quan trọng để giải quyết vướng mắc, nhất là liên quan tới việc huy động nguồn lực xã hội để đáp ứng đủ nhu cầu máy móc phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân.

Sau hơn ba tháng thực hiện, Bộ Y tế đề nghị các bệnh viện, sở y tế các địa phương đánh giá việc triển khai Nghị quyết, rà soát, đánh giá, phân tích các vấn đề còn vướng mắc trong thực tiễn, từ đó sẽ báo cáo Chính phủ ban hành Nghị quyết số 144 (sửa đổi). Đến thời điểm này, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan đã tổng hợp các vướng mắc cũng như các giải pháp tháo gỡ, đưa vào dự thảo Nghị quyết mới. Khi Chính phủ ban hành và có hiệu lực trong thời gian sớm nhất sẽ cơ bản giải quyết tình trạng thiếu trang thiết bị, vật tư phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đang sửa đổi Nghị định số 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế theo hình thức rút gọn, có hiệu lực ngay trong thực tiễn. Đến thời điểm này, những thay đổi của Nghị định đã được xin ý kiến Chính phủ và các bộ, ngành liên quan hai lần, cũng sẽ cơ bản giải quyết được những vấn đề còn vướng mắc.

Tại Công điện số 72/CĐ-TTg ngày 25/2, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai quyết liệt các giải pháp cần thiết để bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ hoạt động khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân. Công điện nêu rõ, giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế ở một số cơ sở khám, chữa bệnh, tránh tình trạng đùn đẩy, né tránh, kéo dài không dám chịu trách nhiệm. Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan theo dõi, đôn đốc các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc thực hiện công điện này, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vướng mắc, tổ chức thực hiện, khắc phục bằng được tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân trong tháng 3/2023 ■

Từ ngày 1/3, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) chính thức hạn chế mổ phiên, chỉ ưu tiên phẫu thuật những bệnh nhân nặng và cấp cứu. Việc hoãn mổ này dù người bệnh và cả bác sĩ đều không mong muốn, nhưng do vướng một số thủ tục nên bệnh viện không đấu thầu mua các loại vật tư y tế được. Những ca bệnh nặng cần mổ ngay sẽ được ưu tiên còn những bệnh nhân bị thoái hóa, chấn thương có thể trì hoãn thì phải lùi lịch mổ. Trong thời gian chờ mổ, bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh dùng nẹp, uống thuốc... để không nặng thêm. Hiện có rất nhiều người bệnh đang xếp hàng chờ mổ, lịch đã xếp đến cuối tháng 3, nhưng phần lớn đều phải hoãn lại.

Theo báo cáo, năm 2022, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thực hiện gần 80 nghìn ca mổ, gồm cả mổ phiên và mổ cấp cứu, như vậy mỗi ngày các bác sĩ ở đây thực hiện trung bình 210 ca mổ.

Hoàng Dung