Tăng cường hợp tác quốc tế ứng phó với sóng thần

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 05:30, 24/11/2023

Sóng thần là mối đe dọa lớn đối với con người, nhất là với các nhóm dễ bị tổn thương, như phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật và người già. Ðể giảm thiểu rủi ro liên quan "những con sóng mang tính tàn phá này", Ngày Nhận thức về Sóng thần thế giới năm nay tiếp tục nỗ lực nâng cao nhận thức, tăng cường mức độ sẵn sàng của người dân nhằm ứng phó hiện tượng thiên nhiên nguy hiểm.

Dù hiếm gặp, song sóng thần là một trong những thảm họa thiên nhiên nguy hiểm nhất. Theo báo cáo của Liên hợp quốc công bố năm 2022, trong 100 năm qua, 58 trận sóng thần đã cướp đi sinh mạng của hơn 260.000 người. Trung bình, mỗi thảm họa khiến 4.600 người thiệt mạng, nhiều hơn bất kỳ thảm họa thiên nhiên nào khác.

Cách đây gần 20 năm, trận sóng thần kinh hoàng tại Ấn Ðộ Dương xảy ra vào tháng 12/2004 đã giết chết 227.000 người ở 14 quốc gia, trong đó Indonesia, Sri Lanka, Ấn Ðộ và Thái Lan chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Ba tuần sau thảm họa, đại diện cộng đồng quốc tế đã gặp nhau tại thành phố Kobe, tỉnh Hyogo của Nhật Bản và thông qua Khung hành động Hyogo 2005-2015, thỏa thuận toàn cầu toàn diện đầu tiên về giảm rủi ro thiên tai. Trên cơ sở đó, Hệ thống cảnh báo sóng thần Ấn Ðộ Dương được xây dựng, với các trạm giám sát địa chấn và hàng hải giúp ghi lại và gửi dữ liệu đến các trung tâm cảnh báo sóng thần.

Tiến trình đô thị hóa nhanh chóng và phát triển du lịch mạnh mẽ ở những khu vực sóng thần xuất hiện đang khiến cuộc sống của nhiều người đứng trước nguy hiểm. Giảm thiểu rủi ro đã trở thành ưu tiên trong nỗ lực hạn chế số người tử vong do loại hình thiên tai này. Ðây là mục tiêu chính của Khung hành động Sendai được thông qua tháng 3/2015, thay thế Khung hành động Hyogo trước đó.

Tháng 12/2015, Ðại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết chọn ngày 5/11 là Ngày Nhận thức về Sóng thần thế giới, kêu gọi tất cả các nước, các tổ chức quốc tế, khu vực và xã hội nâng cao nhận thức cộng đồng về hiểm họa sóng thần, đồng thời tăng cường chia sẻ kinh nghiệm trong các hoạt động giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Nhật Bản đưa ra sáng kiến về "Ngày 5/11", sau những tổn thất mà thảm họa sóng thần gây ra cho nước này. "Ðất nước mặt trời mọc" cũng tích lũy nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực cảnh báo sớm, các biện pháp ứng phó và phục hồi sau thiên tai, cũng như giảm thiểu nguy cơ từ thảm họa.

Với chủ đề "Chống lại tình trạng bất bình đẳng vì tương lai bền vững trước thiên tai", Ngày Nhận thức về Sóng thần thế giới (ngày 5/11) năm 2023 tiếp tục đề cao tinh thần của Ngày quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai, kêu gọi sự cần thiết hỗ trợ và hợp tác toàn cầu. Trong khuôn khổ Ngày 5/11 năm nay, các hoạt động được tổ chức hướng đến nghiên cứu mối liên hệ giữa sóng thần và bất bình đẳng; các hội thảo xoay quanh vấn đề vì bất bình đẳng, sóng thần có thể gây rủi ro lớn hơn cho một số nhóm người nhất định và tác động từ sóng thần có thể khiến những người dễ bị tổn thương trở nên nghèo khổ hơn, từ đó làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng.

Nhằm nâng cao nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của sóng thần, đồng thời giúp giảm thiểu rủi ro từ thảm họa thiên nhiên, năm 2022, Văn phòng Liên hợp quốc về giảm thiểu rủi ro thiên tai (UNDRR) đã phát động chiến dịch #GetToHighGround, khuyến khích người dân tham gia diễn tập, chạy hoặc đi bộ dọc các tuyến đường sơ tán khi có sóng thần. Nỗ lực này giúp cộng đồng có sự chuẩn bị tốt hơn trước thiên tai và tăng khả năng ứng phó các trường hợp khẩn cấp.

Theo các chuyên gia, sóng thần khi xảy ra có thể gây tổn thất vô cùng nặng nề. Cảnh báo sớm và hành động kịp thời là giải pháp hữu hiệu để bảo vệ tính mạng con người. Tuy nhiên, để hiệu quả, cảnh báo sớm sóng thần phải đến được với tất cả những người nằm trong vùng nguy hiểm. Hệ thống cảnh báo phải tính đến các mối hiểm họa khác nhau. Hơn nữa, cộng đồng cũng phải được chuẩn bị để phản ứng nhanh nhất trước các mối đe dọa khó lường.

TÙNG ANH