Đoàn đại biểu Quốc hội - HĐND

ĐBQH Đắk Nông: Cần tính thống nhất trong xây dựng luật

Đức Diệu 23/11/2023 16:58

Tiếp tục chương trình, ngày 23/11, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV thảo luận tại hội trường về 2 dự án luật: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Tham gia thảo luận về 2 dự án luật này, ĐBQH Đắk Nông có 2 lượt ý kiến góp ý cụ thể một số điều khoản cần bổ sung, chỉnh sửa; trong đó cơ bản thống nhất việc các dự án cần bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán, tránh chồng chéo với các luật hiện hành và quy ước quốc tế liên quan.

23_11_chieu-hoi-truong(1).jpeg
Toàn cảnh phiên thảo luận chiều 23/11, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV (Ảnh: Lệ Quyên)

Tham gia thảo luận về Dự án Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi vào chiều 23/11, đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Đắk Nông cho rằng: Luật Các tổ chức tín dụng có tính chuyên sâu, phức tạp, ảnh hưởng sâu rộng đến các hoạt động kinh tế - xã hội.

Dự án luật sau khi thông qua có tác động đến nhiều đối tượng và tác động trực tiếp đến chính sách tài chính, tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô cũng như liên quan đến pháp luật quốc tế, thông lệ quốc tế.

Dự án luật còn liên quan đến nhiều luật khác đang áp dụng trong thực tiễn hiện nay như: Bộ luật Dân sự; Luật Thi hành án Dân sự; Luật Doanh nghiệp; Luật Đầu tư; Luật chứng khoán; Luật Kinh doanh bảo hiểm; Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp…

Do đó, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định trong dự thảo luật để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, tránh sự chồng chéo với các luật khác, gây nhiều tác động xấu, nhất là đối với an ninh, an toàn hệ thống ngân hàng và hoạt động kinh tế - xã hội.

Vì vậy, dự án luật cần có các chế tài đủ mạnh để răn đe đối với các trường hợp vi phạm; các quy định để xử lý triệt để vấn đề sở hữu chéo, thao túng, chi phối các tổ chức tín dụng.

23_11_dai-bieu-duong-khac-mai(1).jpg
Đại biểu Dương Khắc Mai: Dự án luật cần có các chế tài đủ mạnh để răn đe đối với các trường hợp vi phạm (Ảnh: Lệ Quyên)

Về các điều khoản cụ thể, đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng, tại Điều 195, dự thảo luật có quy định về việc kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án có quy định: “Tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của bên phải thi hành án đang bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu không bị kê biên để thực hiện nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, trừ trường hợp thi hành bản án, quyết định về cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ hoặc trường hợp có sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu”.

Tuy nhiên, ngân hàng thường nhận được các văn bản của cơ quan thi hành án dân sự về việc căn cứ luật thi hành án, yêu cầu ngân hàng không được cho vay mới, không được cho vay lại đối với khách hàng đang phải thực hiện nghĩa vụ với bên thứ 3 khác theo bản án của tòa án (bao gồm cả trường hợp khách hàng nợ xấu và cả khách hàng nợ tốt).

Như vậy, trường hợp khách hàng đang có nợ tốt tại ngân hàng mà khi khách hàng đến hạn, ngân hàng không được cho vay lại và các ngân hàng khác không được cho vay mới thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực, gây khó khăn đến cả khách hàng và hoạt động chung của ngân hàng, đẩy tỷ lệ nợ xấu gia tăng, nhất là khi khách hàng phát sinh nợ xấu và thiếu hợp tác thì ngân hàng lại buộc phải đồng ý bàn giao tài sản cho thi hành án kê biên, xử lý để thu nợ.

Trong điều kiện thị trường bất động sản khó khăn như hiện nay, ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ, đặc biệt các trường hợp tài sản bảo đảm đã chuyển sang cơ quan thi hành án để xử lý.

Giá trị bất động sản hiện tại giảm sâu, nếu tiếp tục giảm giá bán thì cũng khó có người mua hoặc giảm giá nhiều lần để bán trong giai đoạn hiện nay thì giá bán thu được cũng không đủ để thu hết nợ gốc.

Nếu ngân hàng thực hiện đình chỉ thi hành án thì không có quyền yêu cầu thi hành án trở lại hoặc ngân hàng thỏa thuận với chủ tài sản để kéo dài thi hành án tạm thời chưa đề nghị cơ quan thi hành án định giá, đấu giá tài sản thì theo Điều 6 của Luật Thi hành án phải có chấp hành viên chứng kiến và ký tên trên biên bản thỏa thuận (phụ thuộc chấp hành viên).

Về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu (quy định tại Chương XII), đại biểu Mai cho rằng, Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội “Về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng” là nghị quyết thí điểm về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy việc xử lý nợ xấu được thực hiện một cách nhanh chóng, hiệu quả.

Tuy nhiên, việc luật hóa các quy định này cần được xử lý đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, đặc biệt là các luật liên quan đến lĩnh vực tố tụng hình sự, tố dụng dân sự, thi hành án dân sự, thuế, xử lý vi phạm hành chính,.. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định có liên quan trong hệ thống pháp luật cho thống nhất, đồng bộ.

ĐBQH Đắk Nông Phạm Thị Kiều: Nghiên cứu kỹ việc mở rộng đối tượng BHXH bắt buộc

Trước đó, vào sáng 23/11, ĐBQH Đắk Nông Phạm Thị Kiều cũng đã tham gia thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi.

Về cơ bản, đại biểu Kiều nhất trí cao với dự án luật này. Dự án luật đã sửa đổi, bổ sung 5 nhóm chính sách, được chi tiết hóa thành 18 nội dung lớn với nhiều điểm mới quan trọng như: bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng; bổ sung đối tượng tham gia và hưởng chế độ BHXH, giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu (từ 20 năm xuống còn 15 năm); quy định về điều kiện để được hưởng chế độ BHXH 01 lần...

kieu-23(1).jpg
Đại biểu Phạm Thị Kiều: Dự thảo Luật đã quán triệt và thể chế hóa quan điểm của Nghị quyết số 28-NQ/TW, đó là mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác (Ảnh: Lệ Quyên)

Những nội dung sửa đổi, bổ sung được quy định trong dự thảo luật đã cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng được nêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách BHXH theo hướng đa tầng, linh hoạt, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong từng giai đoạn; bảo đảm mọi người dân sau khi hết tuổi lao động đều có thu nhập để bảo đảm cuộc sống và hỗ trợ về chăm sóc sức khỏe.

Để bảo đảm tính thống nhất, khả thi, phù hợp với các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tương xứng với các chính sách khác mà hiện nay Nhà nước đang triển khai, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát việc quy định quản lý Nhà nước về BHXH và tổ chức thực hiện BHXH.

Đơn vị soạn thảo cần rà soát, bổ sung các giải pháp, chế tài phù hợp, khả thi, đáp ứng đầy đủ mục tiêu tăng cường an sinh xã hội, tuân thủ pháp luật, ngăn chặn kịp thời tình trạng gian lận, trục lợi chính sách bảo hiểm xã hội, hạn chế việc trốn đóng BHXH, đặc biệt là hạn chế trong việc chậm đóng BHXH trong thời gian dài dẫn đến không có khả năng thu, nộp, bảo đảm quyền tham gia và thụ hưởng bảo hiểm xã hội cho người lao động trong bối cảnh hiện nay.

Việc mở rộng đối tượng hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ, dân phố cho thấy dự thảo Luật đã quán triệt và thể chế hóa quan điểm của Nghị quyết số 28-NQ/TW, đó là mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác, trong đó có đối tượng là người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố.

Tuy nhiên, hiện nay phụ cấp hàng tháng cấp cho các đối tượng này rất thấp mà phải trích nộp BHXH thì phần thực nhận của họ còn thấp hơn, trong khi số lượng đối tượng này trên cả nước rất lớn nên phần ngân sách Nhà nước chịu trách nhiệm đóng cũng không nhỏ. Đề nghị cơ quan soạn thảo cần có đánh giá, phân tích kỹ lưỡng về khả năng bảo đảm ngân sách cho các đối tượng này….

Đức Diệu