Đoàn đại biểu Quốc hội - HĐND

ĐBQH Đắk Nông thảo luận về dự án Luật Tòa án nhân dân (sửa đổi)

Đức Diệu 22/11/2023 17:25

Tiếp tục chương trình, ngày 22/11, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV thảo luận tại hội trường về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023; dự án Luật Tòa án nhân dân (sửa đổi).

22_11_chieu-toan-canh-(1).jpeg
Toàn cảnh phiên thảo luận ngày 22

ĐBQH Đắk Nông Phạm Thị Kiều: Ứng dụng công nghệ thông tin vào xử lý đơn thư của ĐBQH

Thảo luận về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023, ĐBQH Đắk Nông Phạm Thị Kiều nhất trí cao với Báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo công dân gửi đến Quốc hội năm 2023. Bên cạnh đó, qua thực tế công tác tại địa phương, đại biểu Kiều cho rằng việc tiếp nhận, xử lý đơn thư của Đoàn ĐBQH tại địa phương vẫn còn mang tính chất hành chính, dừng lại ở việc “chuyển đơn”, đối với một số đơn thư hợp lệ thì bao gồm các bước “nhận đơn - đọc đơn - chuyển đơn - nhận trả lời đơn” là chủ yếu.

kieu-22-1(1).jpg
ĐBQH Đắk Nông Phạm Thị Kiều: đối với địa phương cần có quy định thống nhất về phần mềm đơn thư khiếu nại, tố cáo riêng với hệ thống Quản lý văn bản và điều hành để dễ tra cứu, theo dõi các vụ việc (Ảnh: Lệ Quyên)

Từ đó mới dẫn đến “Việc theo dõi, đôn đốc, đánh giá kết quả giải quyết, trả lời của cơ quan có thẩm quyền chưa được thực hiện thường xuyên nên dẫn đến việc tham mưu, đề xuất giám sát việc giải quyết đối với các vụ việc đã chuyển đơn, đã kiến nghị chưa thực hiện được nhiều” như Báo cáo đã nhắc đến.

Mặt khác, đa số các ĐBQH tại địa phương là kiêm nhiệm, trong khi lực lượng tham mưu, giúp việc của Đoàn mỏng nên việc chủ động tổ chức, thực hiện tiếp công dân ở một số địa phương còn hạn chế, còn phụ thuộc vào kế hoạch tiếp công dân định kỳ của địa phương và phân công của Đoàn ĐBQH. Hơn nữa ĐBQH không có chức năng giải quyết trực tiếp vụ việc, muốn tổ chức thì phải phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị có liên quan mà điều này phụ thuộc vào thời gian bố trí công tác của các cơ quan, đơn vị.

Để nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, theo đại biểu Phạm Thị Kiều, đối với địa phương cần có quy định thống nhất về phần mềm đơn thư khiếu nại, tố cáo riêng với hệ thống Quản lý văn bản và điều hành để dễ tra cứu, theo dõi các vụ việc.

Còn đối với Trung ương cần mở hệ thống phần mềm tập hợp, tổng hợp các vụ việc phức tạp, nổi cộm, đã chấm dứt thụ lý để giảm tải lượng đơn Đoàn ĐBQH chuyển đơn ngoài tỉnh hoặc đến các cơ quan Trung ương mà tình hình một vụ việc, một công dân hoặc tổ chức gửi một lúc đơn thư đến toàn bộ các đại biểu trong Quốc hội ngày càng nhiều. Đồng thời đẩy nhanh việc rà soát, lập danh sách vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài ở một số địa phương, hướng tới việc chủ động lập kế hoạch và tiến hành kiểm tra, rà soát để giải quyết dứt điểm tại địa phương.

ĐBQH Đắk Nông Trần Thị Thu Hằng: Cần có sự điều chỉnh một cách toàn diện, phù hợp về tên gọi toàn án nhân dân các cấp

Thảo luận về dự án Luật Tòa án nhân dân (sửa đổi), ĐBQH Đắk Nông Trần Thị Thu Hằng cho rằng tại dự thảo Luật, đổi tên Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương thành Tòa án nhân dân phúc thẩm, Tòa án nhân dân sơ thẩm. Quy định này khắc phục được tình trạng có nhận thức cho rằng Tòa án là một cơ quan hành chính thuộc địa phương, gây khó khăn cho việc xử lý, giải quyết các vấn đề về tổ chức và hoạt động của Tòa án, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử của Tòa án. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở việc đổi tên; số lượng các tòa án vẫn gắn liền với địa giới hành chính; cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tòa này không thay đổi thì vẫn chưa thể hiện được đặc thù của mô hình tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử. Vì vậy, cần có sự điều chỉnh một cách toàn diện, phù hợp với định hướng phát triển lâu dài. Một quy định rất mới cần nghiên cứu quy định cụ thể, đó là việc thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt (Điều 4, Điều 62 Dự thảo Luật), điều này là phù hợp nhằm bảo đảm tính chuyên môn hoá, phát huy trình độ chuyên môn sâu của Thẩm phán, Hội thẩm trong hoạt động xét xử đối với một số loại vụ việc có tính chất đặc thù; bảo đảm tính độc lập của Thẩm phán, Hội thẩm khi xét xử các vụ việc đặc thù.

hang-ngay-22(1).jpg
ĐBQH Đắk Nông Trần Thị Thu Hằng: nếu Tòa án không hỗ trợ sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (Ảnh: Lệ Quyên)

Đại biểu Hằng đề nghị thay thế cụm từ “Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ” bằng cụm từ “Tòa án hỗ trợ đương sự thu thập chứng cứ theo quy định” tại khoản 1 Điều 15 dự thảo vì trên thực tiễn trình độ nhận thức pháp luật của người dân còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Nếu Tòa án không hỗ trợ sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Đối với các vụ án hành chính, vụ việc dân sự thì theo Luật Tố tụng hành chính và Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành có quy định rất rõ: trong trường hợp đương sự đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà vẫn không thể tự mình thu thập được thì có thể đề nghị tòa án ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp (Điều 106 Bộ luật tố tụng dân sự và Điều 93 Luật Tố tụng hành chính). Như vậy, hầu hết các vụ việc thường các đương sự đề nghị Tòa án hỗ trợ thu thập bởi thực tế chứng minh có trường hợp nếu một bên đương sự yêu cầu cơ quan, tổ chức đang lưu giữ hồ sơ của đương sự phía bên kia thì cơ quan, tổ chức đó sẽ không cung cấp và không thực hiện đúng trách nhiệm của một cơ quan đang lưu giữ tài liệu. Do vây, hầu hết các vụ việc đều do tòa án “hỗ trợ” các đương sự và điều luật mới này của dự thảo cũng không thay đổi bản chất so với các quy định của Luật Tố tụng hành chính và Bộ luật Tố tụng dân sự.

Bên cạnh đó, một trong những tiêu chí về tiêu chuẩn bổ nhiệm Thư ký Tòa án quy định tại Điều 117 dự thảo Luật là người đã được đào tạo nghiệp vụ Thư ký Tòa án. Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều Trường Đại học đào tạo chuyên ngành Luật nhưng chỉ có duy nhất Học viện Tòa án là có đào tạo nghiệp vụ Thư ký Tòa án. Vậy điều kiện bổ nhiệm này có công bằng với các đối tượng khác ở các Trường Đại học khác có nguyện vọng tham gia tuyển dụng công chức ngành Tòa án hay không? Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu lại cho phù hợp.

Đức Diệu