Kinh tế

Kinh nghiệm chăm sầu riêng mùa cơi lá

Văn Tâm 23/11/2023 6:15

Sầu riêng Đắk Nông chuẩn bị ra bông cho vụ mới. Đây là giai đoạn rất quan trọng, quyết định năng suất cho cả vụ và sầu riêng cần được chăm sóc đặc biệt.

sau-rieng2-1-.jpg
Anh Nguyễn Văn Tiến, thôn 6, xã Nam Dong (Cư Jút) phấn khởi vì sầu riêng sinh trưởng, phát triển tốt

Đến thời điểm này, đa số vườn sầu riêng đã ra được 2 đợt cơi lá. Theo nhiều nhà vườn, nếu chăm sóc tốt, đúng quy trình kỹ thuật, sầu riêng sẽ đi thêm một đợt cơi lá nữa. Đến cuối tháng 11, đầu tháng 12 dương lịch, sầu riêng sẽ ra bông.

Tuân thủ quy chuẩn sản xuất

Trong những ngày này, gia đình anh Nguyễn Văn Thành, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) đang bận rộn tỉa cành, tạo tán, chuẩn bị làm bông cho vườn sầu riêng. Theo anh Thành, giai đoạn sầu riêng ra cơi lá rất quan trọng và cần chăm sóc tốt. Bởi khi cây có bộ lá khỏe thì nuôi trái cũng tốt hơn.

Anh Thành cho biết: “Những năm trước, tôi cho rằng để cây sầu riêng cho năng suất là phải tập trung vào giai đoạn làm bông, làm trái. Do đó, không tập trung nhiều cho giai đoạn cơi lá. Khiến cho tỷ lệ sầu riêng khô bông, rụng trái nhiều, làm giảm năng suất”.

Từ kinh nghiệm rút ra, khi nhận thấy sầu riêng ra cơi lá, anh Thành đã tập trung chăm sóc. Anh cắt cành, tạo tán, phòng bệnh, bổ sung dinh dưỡng, giúp vườn cây tạo cơi mới.

Còn gia đình anh Nguyễn Văn Tiến, thôn 6, xã Nam Dong (Cư Jút) có trên 100 cây sầu riêng năm thứ 7. Vụ sầu riêng năm ngoái, do ảnh hưởng của thời tiết, cùng với kỹ thuật chăm sóc chưa tốt, nên năng suất không đạt.

Anh Tiến cho hay: “Vụ vừa rồi, vườn sầu riêng của gia đình chỉ đạt 4 tấn, mất 50% năng suất. Do vậy, để đạt năng suất cần phải tuân thủ chặt chẽ quy trình chăm sóc phù hợp trong từng giai đoạn”.

Vụ sầu riêng năm nay, anh Tiến rất phấn khởi vì vườn cây phát triển khoẻ khoắn, tán lá dày, xanh mướt. Anh hy vọng niên vụ mới, sầu riêng sẽ được mùa.

Theo các nhà vườn trồng sầu riêng, dinh dưỡng cho cây giai đoạn này là vô cùng quan trọng. Trong đó, bà con cần bón phân để giúp bộ rễ khỏe, đi đọt nhanh, xanh cây, dày lá và tăng cường quang hợp.

Ngoài ra, các nhà vườn cũng chú trọng bổ sung dinh dưỡng hữu cơ, NPK, kích thích cây hình thành cơi đọt mới. Để cây có bộ rễ mạnh, bà con ưu tiên sử dụng Humic. Dưỡng chất này giúp cây hấp thụ dinh dưỡng tốt.

Đề phòng “sầu riêng heo”

Giai đoạn sầu riêng chuẩn bị làm bông, nếu chăm sóc không đúng cách rất dễ dẫn đến hiện tượng trái méo, lép múi, sượng cơm khi chín. Ngoài ra, việc bổ sung thừa dinh dưỡng, vườn cây quá sung sức sẽ cho trái lớn, vượt kích cỡ, khó bán được giá cao.

img-2817-1-.jpg
Anh Lê Văn Thanh, xã Đắk R’la (Đắk Mil) thường xuyên thăm vườn, kiểm tra nấm bệnh trên cây sầu riêng

Anh Lê Văn Thanh, xã Đắk R’la (Đắk Mil) chia sẻ: “Vụ vừa rồi gia đình tôi có 40 cây sầu riêng, thu được trên 8 tấn. Thông thường, sầu riêng đạt từ 2 – 4 kg/quả là đạt yêu cầu. Trong khi sầu riêng của gia đình bình quân đạt từ 5 – 6 kg/quả, gọi là “sầu riêng heo”, nên thương lái mua thấp hơn gần 20.000 đồng/kg”.

Các nhà vườn có kinh nghiệm khuyên rằng, giai đoạn sầu riêng làm già cơi lá đồng loạt, chuẩn bị bước vào thời kỳ làm bông, bà con có thể bón lá bằng KNO3 (đạm và kali) và MPK 0-52-34 (lân và kali). Điều này giúp lá sầu riêng dày lên, thúc đẩy quá trình trao đổi chất nhanh hơn và giúp chặn đọt cơi đã phát triển.

Trong giai đoạn sầu riêng phát triển trái, nhà vườn không nên bón thừa phân, nhất là đối với phân đạm. Bà con không dùng phân có chứa Chlor. Việc là để đề phòng vườn cây dư thừa chất dinh dưỡng.

sau-rieng3-1-.jpg
Một vườn mẫu trồng sầu riêng ở xã Nam Dong (Cư Jút)

Theo ông Phạm Tấn Minh, Trung tâm Khuyến nông – Giống nông lâm nghiệp tỉnh Đắk Nông, để giúp cây sầu riêng phát triển, đạt năng suất, mẫu mã và chất lượng trái đạt yêu cầu, người trồng cần tuân thủ đúng quy trình chăm sóc.

Bà con cần bón phân đầy đủ dinh dưỡng, tưới nước đúng cách, xử lý sâu bệnh và giúp cây sầu riêng chống chịu được với thời tiết khắc nghiệt...

Văn Tâm