Kiểm lâm “không phù hiệu” của Vườn quốc gia Tà Đùng
Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 14:35, 22/11/2023
Tổ nhận khoán phối hợp với Kiểm lâm Vườn quốc gia Tà Đùng tổ chức tuần tra rừng khu vực vùng đệm có nguy cơ cao xảy ra cháy rừng trong mùa khô. |
Vườn quốc gia Tà Đùng thuộc địa giới hành chính xã Đắk Som, huyện Đăk Glong, tỉnh Đăk Nông, có tổng diện tích tự nhiên được quy hoạch rừng đặc dụng khoảng 21.000ha, vùng đệm giáp ranh với 7 xã của 2 tỉnh Đắk Nông Và Lâm Đồng.
Trên lâm phần do Vườn quốc gia Tà Đùng quản lý có địa hình phức tạp, người dân có lịch sử canh tác trong vùng lõi từ lâu đời. Vì vậy, thời gian qua công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng còn gặp rất nhiều khó khăn...
Để thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, bên cạnh lực lượng quản lý bảo vệ rừng chuyên trách của đơn vị, từ năm 2017, Ban quản lý Vườn quốc gia Tà Đùng Đắk Nông đã tiến hành thành lập các tổ giao khoán quản lý bảo vệ rừng với nòng cốt là các hộ dân tộc thiểu số sinh sống khu vực giáp ranh.
Trong giai đoạn 2021-2025, Vườn quốc gia Tà Đùng đã tiến hành giao khoán quản lý bảo vệ hơn 3.000ha rừng tại các xã Đắk Som, Đắk R'Măng, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) và xã Phi Liêng, Đạ K'Nàng, huyện Đam Rông (Lâm Đồng) cho 14 tổ bảo vệ, với 153 hộ dân tham gia.
Tổ nhận khoán phối hợp với Kiểm lâm Vườn quốc gia Tà Đùng tổ chức tuần tra rừng khu vực vùng đệm có nguy cơ cao xảy ra cháy rừng trong mùa khô. |
Là một trong những thành viên tham gia tổ nhận khoán bảo vệ rừng của Vườn quốc gia Tà Đùng từ thời điểm ban đầu, ông K’Măng, tổ trưởng tổ nhận khoán số 11, xã Phi Liêng, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng cho biết, ông cùng với 9 thành viên trong tổ được giao bảo vệ khoảng 265ha rừng, từ khi nhận khoán các thành viên trong tổ luôn tích cực hỗ trợ lực lượng quản lý, bảo vệ rừng của Vườn quốc gia Tà Đùng trong công tác tuần tra, phòng cháy, chữa cháy rừng và phối hợp thực hiện các công trình lâm sinh trên lâm phần nhận khoán.
“Có nhiều lần tổ nhận khoán phối hợp cùng với lực lượng kiểm lâm của Vườn quốc gia Tà Đùng thực hiện tuần tra bảo vệ rừng vào ban đêm, gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm, đặc biệt vào mùa mưa thì việc đi lại càng khó khăn hơn, nhưng mọi người trong nhóm vẫn quyết bám rừng, bám địa bàn không để các đối tượng phá rừng, đặt bẫy thú, xâm hại đến đa dạng sinh học vườn quốc gia. Các thành viên tổ nhận khoán luôn xem Vườn quốc gia Tà Đùng là ngôi nhà thứ hai của mình nên ra sức bảo vệ để cho Tà Đùng xanh mãi”, ông K’Măng tâm sự.
Các tổ nhận khoán chủ động lập kế hoạch, thường xuyên tuần tra rừng nhằm ngăn chặn các đối tượng xâm hại đa dạng sinh học vườn quốc gia và săn bắn các động vật quý hiếm cần bảo tồn. |
Từng tham gia tổ nhận khoán bảo vệ rừng Vườn quốc gia Tà Đùng ngay từ khi có chủ trương, nên ông K’Măng, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông rất hiểu vai trò của rừng đối với cuộc sống của người dân vùng đệm.
Hiện nay, do tuổi cao nên ông K’Măng đã xin thôi công tác nhận khoán, nhưng thay vào đó người con trai lớn lại thay ông tiếp tục cùng với tổ nhận khoán làm công tác bảo vệ rừng của Vườn quốc gia Tà Đùng.
Mặc dù không còn trực tiếp tham gia bảo vệ rừng, nhưng ông K’Măng luôn có mặt mỗi khi Vườn quốc gia Tà Đùng cần phối hợp, ông thường xuyên cùng với lực lượng Vườn quốc gia Tà Đùng đến từng nhà dân tuyên truyền về Luật Lâm nghiệp, vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng, không xâm hại tài nguyên rừng và đa dạng sinh học vườn quốc gia.
“Tôi luôn động viên con trai và bà con trong vùng hãy tích cực cùng tổ nhận khoán bảo vệ lấy rừng, coi việc bảo vệ rừng như bảo vệ chính môi trường sống của bản thân và cộng đồng, đây cũng là nguồn thu nhập ổn định để phát triển kinh tế của gia đình”, ông K’Măng chia sẻ.
Ngoài việc chi trả tiền giao khoán bảo vệ rừng, Vườn quốc gia Tà Đùng còn ưu tiên thuê nhân công là các hộ dân sống gần rừng thực hiện các công trình lâm sinh như trồng rừng, thực hiện các công trình phòng, chống cháy rừng. |
Chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng kiểm lâm “không phù hiệu” đã phối hợp với lực lượng quản lý, bảo vệ rừng của Vườn quốc gia Tà Đùng thực hiện khoảng 930 lượt tuần tra rừng. Trong đó, phát hiện và tháo gỡ 212 bẫy thú; 5 lán trại dựng trái phép trong rừng; nhổ bỏ 440 cây cà-phê trồng trái phép trên diện tích 2.500m2; phát hiện và xử lý 1 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp.
Theo đánh giá, từ khi các tổ giao khoán bảo vệ rừng được thành lập, đã giúp cho Vườn quốc gia Tà Đùng hạn chế đến mức thấp nhất các vụ xâm hại tài nguyên rừng, ngăn chặn kịp thời việc lấn chiếm, khai thác lâm sản, săn bắt động vật rừng trái phép.
Cùng với công tác quản lý bảo vệ rừng, các hộ dân nhận khoán còn rất tích cực trong việc tham gia công tác phát triển rừng. Trong 10 tháng đầu năm 2023, lực lượng nhận khoán đã phối hợp với Vườn quốc gia Tà Đùng trồng hơn 8.000 cây giáng hương trên diện tích khoảng 8ha tại lâm phần đơn vị quản lý và một số trục đường thuộc các thôn nằm trong vùng đệm Vườn quốc gia Tà Đùng.
Ngoài ra, các hộ dân cũng tích cực hỗ trợ khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên với diện tích hơn 30ha, phối hợp với Vườn quốc gia Tà Đùng trồng được hơn 617ha rừng,…
Người dân sống ở khu vực vùng đệm được Vườn quốc gia Tà Đùng thuê khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng tự nhiên tái sinh, chăm sóc rừng trồng... góp phần nâng cao thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống. |
Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Tà Đùng Đắk Nông Khương Thanh Long cho biết, trong năm 2023, tổng kinh phí thực hiện công tác giao khoán bảo vệ rừng dự kiến khoảng 2 tỷ đồng.
Ngoài việc chi trả tiền giao khoán bảo vệ rừng, Vườn quốc gia Tà Đùng còn ưu tiên thuê nhân công là các hộ dân sống gần rừng thực hiện các công trình lâm sinh như trồng rừng, khoanh nuôi phát triển rừng tự nhiên tái sinh, thực hiện các công trình phòng chống cháy rừng…
Nhờ sự hỗ trợ, phối hợp từ Vườn quốc gia Tà Đùng nên thu nhập của người dân khu vực giáp ranh được ổn định, đời sống vật chất, tinh thần ngày được nâng cao, ý thức về công tác bảo vệ rừng từng bước thay đổi theo hướng tích cực, gắn bó với rừng hơn.
Cũng theo ông Long, hiện nay các hộ nhận khoán không chỉ thực hiện rất tốt vai trò của mình, mà còn chủ động trong công tác tuyên truyền cho người thân trong gia đình, dòng tộc; tích cực truyên truyền đến người dân trong khu vực giáp ranh để mọi người hiểu được giá trị của rừng, từ đó nâng cao tinh thần và trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.