Pháp luật

Nỗ lực lấp "khoảng trống" ở bon làng Đắk Nông (kỳ 1): Những chuyện buồn ở bon làng

Đức Hùng 20/11/2023 18:54

Đắk Nông đã, đang nỗ lực đưa pháp luật về vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số (DTTS). Tuy nhiên, vẫn còn những "khoảng trống" ở bon làng về kiến thức pháp luật, đòi hỏi cần tiếp tục được quan tâm nhiều hơn.

tit-bai.png

Đắk Nông đã, đang nỗ lực đưa pháp luật về vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số (DTTS). Tuy nhiên, vẫn còn những "khoảng trống" ở bon làng về kiến thức pháp luật, đòi hỏi cần tiếp tục được quan tâm nhiều hơn.

tit-ky-1(3).gif

Chuyện buồn nhất ở nhiều bon làng của Đắk Nông lâu nay là nạn tảo hôn. Dù tỉnh đã có nhiều nỗ lực để ngăn chặn, xóa bỏ, nhưng thực tế vẫn còn nhiều đứa trẻ lấy vợ, lấy chồng ở độ tuổi vị thành niên.

tit-xen-1(4).gif

Hôm nay, Giàng Thị Thào bị ốm, không theo bố mẹ chồng lên rẫy. Trong ngôi nhà mái tôn rộng hơn 40m2, nền đất khá chật chội, Thào ngồi làm sạch gạo chuẩn bị bữa trưa cho nhà chồng.

dsc00553-1-.jpg
Giàng Thị Thào theo về ở nhà A Mùa vì đi học thích nhau

Thào hé cánh cửa chính để lấy ánh sáng. Phía sau 3 chiếc giường được kê chiếm gần hết không gian trong nhà.

Công việc chính hàng ngày của Thào là theo bố mẹ chồng lên nương, lên rẫy, làm việc nhà.

Chồng Thào là A Mùa năm nay mới chỉ đang học lớp 9. Thào học hơn A Mùa một lớp, cũng lớn hơn chồng 1 tuổi. Họ học cùng trường, nên biết và thích nhau.

Từ chỗ thích nhau, rồi Thào khăn gói về nhà A Mùa ở. Dù không có nghi lễ, nhưng khi Thào đến ở, nhà chồng cũng cho phép và mặc nhiên công nhận là vợ của A Mùa. Vì đó là theo phong tục truyền thống của người Mông.

Thào ngại giao tiếp, chỉ nói những câu ngắn, ngắt quãng về bản thân và quyết định của mình. Cách Thào về làm dâu nhà A Mùa cũng được em chia sẻ ngây ngô, giản đơn đến lạ: "Mình thích A Mùa thì mình theo về ở thôi!".

Đã làm dâu 10 tháng, nhưng công việc của nàng dâu Thào còn lóng ngóng, hành động và cách cư xử đơn giản như cái tuổi của em. Nhìn cách em làm việc, nói chuyện, dễ nhận ra Thào vẫn lạc lõng và lạ lẫm với gia đình nhà chồng.

Cũng dễ hiểu, vì thực ra Thào đang "tuổi ăn, tuổi ngủ", khó mà chu tất mọi thứ. Đến cái việc xem mình làm con dâu trong nhà A Mùa, Thào cũng chưa quen. Thào thật thà: "Em về ở làm vợ A Mùa nhưng bố mẹ chồng không cho hai đứa ngủ chung. Vì bọn em quá nhỏ".

Gia đình nhà chồng Thào là hộ nghèo, cuộc sống gặp không ít khó khăn. Giờ đây, thêm nàng dâu là gia đình thêm miệng ăn, thêm nỗi lo. Cái nghèo vì thế đeo bám. Với họ, cuộc sống chỉ biết những điều trước mắt, còn ngày mai là chuyện hầu như không tính tới.

dsc00536-1-.jpg
Tảo hôn vẫn đang xảy ra nhiều ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Nông

Thực ra, lâu nay chuyện "theo chồng bỏ cuộc chơi" sớm như Giàng Thị Thào là chuyện thường gặp ở nhiều vùng DTTS, vùng sâu tại Đắk Nông.

Đang học lớp 10, Giàng Thị Vy thích Sùng A Tràng. Học được 1 tháng, Vy theo về làm con dâu nhà A Tràng. Vy không đi học nữa, A Tràng cũng bỏ học theo. Nhà Tràng chấp nhận cho Vy về ở theo phong tục truyền thống người Mông. Vy được công nhận làm con dâu dù chưa tổ chức 1 nghi lễ gì.

Vợ chồng Tràng đã có một đứa con gần 7 tháng tuổi. Chuyện chăm sóc con, chi phí sinh hoạt của hai vợ chồng đều do bố mẹ Tràng lo. Vợ chồng Tràng đi làm chung 2 ha rẫy với bố mẹ, hết việc rẫy thì đi chơi.

Tràng tâm sự: "Bố mẹ không cho vợ chồng em cầm tiền vì sợ vợ chồng em tiêu hết. Cần việc gì vợ chồng em xin tiền bố mẹ". Gia đình Tràng cũng là hộ nghèo trong thôn. Cuộc sống của họ còn rất nhiều khó khăn và tương lai cũng là điều gì đó còn rất xa vời...

1(1).png

Ông Vàng A Di, Trưởng thôn 12, xã Quảng Hòa (Đắk Glong) cho biết, phong tục theo về làm dâu vẫn thường xuyên xảy ra ở thôn. Khi trai gái thích nhau, người con gái theo về ở nhà con trai. Chỉ cần nhà trai đồng ý là họ thành vợ chồng. Con gái theo chồng khó phát hiện và ngăn chặn vì phần lớn việc này chỉ có 2 gia đình biết. Trước đây, có gia đình trong thôn khuyên và ngăn cản, trả cô gái về khiến cô này phản đối kịch liệt và tự tử. Từ đó, người dân không dám ngăn cản mà chỉ tìm cách bảo vệ, khuyên bảo con.

tit-xen-2(2).gif

Từ trung tâm xã Quảng Hòa (Đắk Glong) đến các thôn, bon, bản làng trên địa bàn dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân không đội mũ bảo hiểm. Trẻ em vô tư chạy xe phân khối lớn trên đường. Thói quen không đội mũ bảo hiểm, trẻ em điều khiển xe máy diễn ra nhiều năm nay.

dsc00541-1-.jpg
Dễ dàng bắt gặp người dân xã Quảng Hoà, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) điều khiển phương tiện, ngồi sau xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm

Xã Quảng Hòa hiện có 1.528 hộ với 7.779 khẩu, có 12 dân tộc cùng sinh sống. Trong đó, người DTTS chiếm tới hơn 92%, riêng người Mông trên 72% dân số của xã.

Ông Phan Đình Mạo, Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa (Đắk Glong) cho biết, tình trạng vi phạm pháp luật như: tảo hôn, vi phạm Luật Giao thông đường bộ; vận chuyển, tàng trữ chất ma túy, phá rừng… vẫn xảy ra nhiều.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xã Quảng Hòa xảy ra 6 vụ việc về an ninh trật tự. Trong đó, lực lượng công an đã khởi tố 2 vụ về vận chuyển, mua bán, chứa chấp trái phép chất ma túy. Tội phạm ma túy cũng là vấn đề về ANTT nổi lên tại địa bàn thời gian qua. Hiện nay, chính quyền xã Quảng Hòa đang quản lý, theo dõi 27 trường hợp có liên quan đến ma túy.

lam-nghiep-quang-son.jpg
Lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) vẫn thường xuyên xảy ra các vụ phá rừng. Ảnh: Lê Phước

Một vấn đề về ANTT khác đang nổi lên tại Quảng Hòa là tình trạng xâm chiếm đất rừng. Đồng bào dân tộc Mông tại địa bàn đã xâm canh, lấn chiếm rất nhiều diện tích đất rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn.

Quá trình xâm chiếm đất rừng, nhiều đối tượng đã manh động, liều lĩnh chống đối lực lượng chức năng.

Tương tự, tại xã Đắk Ngo (Tuy Đức), các loại tội phạm có chiều hướng gia tăng, nhất là đối với khu vực tập trung đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Trên địa bàn có 6 đối tượng tù án treo; 1 đối tượng hoãn thi hành án phạt tù, 1 tạm đình chỉ phạt tù; 10 trường hợp nghi nghiện ma túy; 35 thanh niên hư hỏng.... Cơ quan chức năng rà soát và lập mới 12 hồ sơ đối với các đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, Công an xã Đắk Ngo đã tiếp nhận và xử lý 10 vụ vi phạm pháp luật. Đơn cử, ngày 29/4/2023, S.T.T (SN 1983), xã Đắk Ngo, mua 1 gói ma túy của một người đàn ông không rõ lai lịch tại huyện Bù Đăng (Bình Phước) về địa phương chia nhỏ bán kiếm lời. Trong khi T đang bán ma túy thì bị lực lượng công an tỉnh phát hiện, bắt quả tang. Tại hiện trường, công an thu của T 1 gói chất ma túy. Qua vận động, T lấy thêm 1 gói ma túy khác nộp cho công an.

Ông Phạm Xuân Lam, Chủ tịch UBND xã Đắk Ngo cho biết, xã còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Sự manh nha của các loại tội phạm có chiều hướng gia tăng, nhất là đối với khu vực tập trung đồng bào dân DTTS.

bai-duc-hung.png

Từ tháng 12/2020 đến tháng 10/2023, Công an tỉnh Đắk Nông đã phát hiện, điều tra, xử lý 2 vụ, 4 đối tượng về hành vi mua bán người dưới 16 tuổi. Nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em là người đồng bào DTTS. Công an tỉnh chỉ ra nguyên nhân, đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết pháp luật, nhận thức còn hạn chế của nạn nhân để dụ dỗ, sau đó móc nối, mua bán người nội địa hoặc ra nước ngoài.

dtts222-1-.jpg
Những "khoảng trống" ở bon làng về kiến thức pháp luật, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần tiếp tục quan tâm nhiều hơn

(Kỳ 2: Nâng cao đời sống để thay đổi nhận thức)

Nội dung, ảnh: Đức Hùng

Trình bày: TD - NH

Đức Hùng