Hồ tiêu Đắk Nông trên đà hồi sinh
Kỳ 3: Định vị thương hiệu hồ tiêu Đắk Nông
Nhờ đổi mới về cách thức sản xuất, hồ tiêu tỉnh Đắk Nông đang định vị được thương hiệu trên thị trường.
Chị Trần Thị Thu ở xã Thuận Hà, huyện Đắk Song, là người tiên phong phát triển hồ tiêu hữu cơ ở Đắk Nông. Chị hiện là Giám đốc HTX Nông nghiệp Thương mại Dịch vụ hữu cơ Hoàng Nguyên.
Ý định làm hồ tiêu sạch, hữu cơ của chị Thu và một số xã viên bắt đầu từ cách đây 10 năm. Lí do chính là chị nhận thấy trồng hồ tiêu theo kiểu phong trào, lạm dụng quá nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật dẫn đến nhiều nguy cơ.
Ngoài vấn đề về cây trồng chết, nhà nông thua lỗ, mất trắng thì điều chị trăn trở hơn là về chất lượng sản phẩm. Bởi nếu không bảo đảm các yếu tố canh tác an toàn, sản phẩm hồ tiêu dễ dư lượng hóa chất.
Thực tiễn thời gian qua, một số lô hàng hồ tiêu của Việt Nam đã bị đối tác trả lại vì dư lượng hóa chất.
Điều này ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng, làm mất uy tín của hồ tiêu Việt Nam. “Là phụ nữ, là mẹ, mình luôn muốn sử dụng các sản phẩm nông sản tốt cho sức khỏe gia đình. Đối với người tiêu dùng, họ cũng thế thôi. Nên tôi và một số anh em cùng chí hướng đã bắt đầu học cách làm hồ tiêu hữu cơ”, chị Thu kể.
"Sức khỏe của bạn là hạnh phúc của chúng tôi" là thông điệp được HTX gửi gắm đến người tiêu dùng. Đây cũng là câu khẩu hiệu được in trên bao bì sản phẩm của HTX.
Khoảng năm 2011-2012, chị Trần Thị Thu và một số nông dân trên địa bàn xã đã bắt đầu học cách canh tác hồ tiêu hữu cơ. Không có tài liệu, không có mô hình, chị và nhiều người tự tìm hiểu kiến thức qua mạng internet, tự bỏ tiền túi thuê xe đi đến nhiều tỉnh, thành để học hỏi kinh nghiệm. “Làm hồ tiêu theo hướng hữu cơ cũng chịu nhiều áp lực vì chọn lối đi riêng”, chị Thu nhớ lại.
Không ít lần chị và xã viên thất bại trong thử nghiệm các phương thức ngâm, ủ vi sinh vật, phân bón, dung dịch kháng sâu bệnh từ tự nhiên. Chị và xã viên tự đúc rút kinh nghiệm, quyết tâm làm hồ tiêu hữu cơ thành công và vận động, hướng dẫn các hộ dân khác quanh vùng cùng áp dụng.
Năm 2018, chị và 34 hộ dân khác đã tự nguyện, đồng thuận thành lập HTX. “Thành lập HTX, hồ tiêu hữu cơ Hoàng Nguyên khẳng định những bước đi chắc chắn và mạnh mẽ trên thương trường”, chị Thu cho biết.
Cũng trong năm 2018, sản phẩm hồ tiêu của HTX đạt các chứng nhận hữu cơ quốc tế như của Mỹ, EU. HTX có trên 195 ha hồ tiêu của 65 thành viên được chứng nhận hữu cơ của Nhật Bản, Mỹ, EU, Canada; đạt OCOP hạng 3 sao.
Từ đó đến nay, với việc liên tiếp vượt qua nhiều hàng rào kỹ thuật, hồ tiêu của HTX đã vào được nhiều thị trường lớn như châu Âu, châu Mỹ, EU, Nhật Bản..., khẳng định vị thế trên thị trường.
HTX vừa hợp tác với đối tác xuất khẩu trực tiếp, vừa xuất khẩu qua đơn vị trung gian. Sản phẩm của HTX được truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt, hồ tiêu hữu cơ của HTX Hoàng Nguyên là một trong số những sản phẩm đầu tiên trong cả nước được chứng nhận đạt hữu cơ quốc tế, trong đó có Controlunion.
Từ năm 2020, Chính phủ ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Hiệp định này càng mở rộng thị trường cho HTX xuất khẩu hồ tiêu trên toàn thế giới.
Nhu cầu đặt hàng hồ tiêu hữu cơ đối với HTX ngày càng lớn. Lợi thế này giúp HTX có đầu ra ổn định, giá bán sản phẩm cao. Thông thường, HTX bán sản phẩm tiêu hữu cơ với giá cao hơn giá thị trường 160%. Đời sống kinh tế của xã viên HTX ngày càng ổn định, ấm no, đồng lòng nuôi dưỡng nền nông nghiệp bền vững.
Không chỉ hồ tiêu Hoàng Nguyên, cây hồ tiêu Đắk Nông đang mang trong mình tâm thế mới, bền bỉ, mạnh mẽ hơn. Một số HTX điển hình khác về hồ tiêu chất lượng cao, hữu cơ như Bình Tiến, Nam Bình, ở huyện Đắk Song; Đồng Thuận, Trường Thịnh ỏ huyện Đắk R’lấp, Bình Minh ở huyện Cư Jút, Đắk R’moan ở TP. Gia Nghĩa...
Song song với sự vực dậy của doanh nghiệp, HTX, địa phương, nhiều doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hồ tiêu lớn tại Việt Nam như Trân Châu, Haprosimex, Phúc Thịnh, Olam, Sơn Hà đều đã có liên kết tại Đắk Nông. Họ cùng bà con đã hình thành các vùng nguyên liệu hồ tiêu quy mô lớn. Tất cả đều hướng về việc sản xuất hồ tiêu theo hướng bền vững.
Thống kê của ngành chức năng, những năm gần đây, diện tích hồ tiêu Đắk Nông phát triển ổn định ở mức 34.000 ha. Diện tích này phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh theo Quy hoạch tổng thể tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050.
Năng suất hồ tiêu bình quân chung toàn tỉnh đạt khoảng 2,4 tấn/ha; tổng sản lượng hàng năm đạt khoảng 70.000 tấn/năm. Đắk Nông đã có 547 ha hồ tiêu được chứng nhận hữu cơ, khoảng 332 ha áp dụng quy trình GAP.
Việc phát triển cây hồ tiêu những năm gần đây đã lên tầm cao mới gắn với các chuỗi giá trị. Đắk Nông đã xây dựng được 2 vùng sản xuất hồ tiêu ứng dụng công nghệ cao tại 2 xã Thuận Hà và Thuận Hạnh.
Ngày 9/11/2021, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 5157 về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00111 cho sản phẩm hạt tiêu “Đắk Nông”. Đây cũng là nông sản đầu tiên của tỉnh có được điều này.
Ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông khẳng định: Hồ tiêu, một trong 3 cây công nghiệp chủ lực của tỉnh đã có bước phát triển mới. Đây là một mảng màu sáng trong bức tranh nông nghiệp tỉnh 20 năm nay. Hồ tiêu Đắk Nông giờ đây đứng đầu khu vực Tây Nguyên và cả nước về diện tích, chỉ sau tỉnh Đắk Lắk về sản lượng.
“Cây hồ tiêu phát triển đúng quỹ đạo gắn với các tiêu chuẩn chứng nhận, chuỗi giá trị là bước tiến mới đối với ngành Nông nghiệp Đắk Nông; giúp định vị được thương hiệu hồ tiêu Đắk Nông trên thị trường quốc tế”, ông Yên khẳng định.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên gửi gắm: "Không chỉ hồ tiêu, nông dân Đắk Nông hãy làm nông nghiệp một cách trách nhiệm, tử tế với bản thân, với tài nguyên, môi trường thì chắc chắn sẽ phát triển bền vững".
Nội dung: Hồng Thoan
Trình bày: T.D - N.H