Y tế - Sức khỏe

30 - 50% ca bệnh truyền nhiễm liên quan đến nguồn nước

Nhật Nguyên 21/11/2023 05:10

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông cho biết, nếu nguồn nước uống và sinh hoạt không bảo đảm tiêu chuẩn và an toàn sẽ dẫn đến một số bệnh truyền nhiễm.

Giai đoạn 2017-2021, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông ghi nhận số lượng mắc cao các bệnh truyền nhiễm có liên quan đến nguồn nước, chiếm tỷ lệ từ 35-50%. Cụ thể, bệnh tiêu chảy 4.981 ca mắc; lỵ amip 199 ca; lỵ trực trùng 426 ca; sốt xuất huyết 7.410 ca; tay chân miệng 2.455 ca và viêm gan vi rút A 14 ca.

Số ca mắc các bệnh truyền nhiễm đều ghi nhận tại 8/8 huyện, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, TP. Gia Nghĩa có số ca mắc cao nhất với 2.661 ca; huyện Cư Jút 2.485 ca; Đắk R’lấp 2.255 ca, Đắk Mil 1.921 ca; Đắk Glong 1.793 ca; Krông Nô 1.579 ca; Đắk Song 1.545 ca và Tuy Đức 1.246 ca.

nuoc-sach(1).jpg
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông tổ chức tập huấn bảo đảm nguồn nước sạch tại cộng đồng

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có 94 đơn vị cung cấp nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Các đơn vị cấp nước, khai thác nguồn nước ngầm và nước bề mặt để làm nguyên liệu đầu vào. Trong quá trình sử dụng nguồn nước luôn được cơ quan chức năng quản lý, kiểm tra, giám sát chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để bảo đảm nguồn nước an toàn đối với người sử dụng.

Để kiểm soát chất lượng nước uống và nước sinh hoạt, Bộ Y tế đã ban hành QCVN 01:2009/BYT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống và QCVN 02:2009/BYT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt. Đối với QCVN 01:2009/BYT quy định về chất lượng nước ăn uống được Bộ Y tế ban hành năm 2009 với 109 chỉ tiêu, trong đó có 15 chỉ tiêu chất lượng nhóm A; 16 chỉ tiêu chất lượng nhóm B và 78 chỉ tiêu chất lượng nhóm C.

Đối với QCVN 02:2009/BYT quy định mức giới hạn các chỉ tiêu chất lượng đối với sử dụng cho mục đích sinh hoạt thông thường với quy mô nhỏ và các hình thức cấp nước hộ gia đình. So với QCVN 01:2009/BYT, QCVN 02:2009/BYT quy định ít chỉ tiêu chất lượng nước hơn, được chia thành hai mức I và II áp dụng cho các đối tượng khác nhau. Từ đó, Bộ Y tế đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt, trong đó quy định 99 chỉ tiêu/thông số phải giám sát đối với chất lượng nước thành phẩm.

Nước chiếm 70% trọng lượng cơ thể và có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống, sức khỏe của con người. Tuy nhiên, nước cũng là yếu tố gây nên các bệnh truyền nhiễm và các bệnh không lây nhiễm nếu việc cấp nước không được tuân thủ bảo đảm an toàn. Nước không sạch không những ảnh hưởng tới sức khỏe của một cá nhân mà còn ảnh hưởng tới đông đảo cộng đồng dân cư cùng sử dụng nguồn nước đó.

Để hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe thì tại mỗi hộ gia đình phải có biện pháp xử lý nguồn nước bảo đảm nguồn nước sạch trong sinh hoạt. Đồng thời, mỗi hộ gia đình cần sử dụng tiết kiệm nguồn nước sạch, bảo trì, cải tạo lại đường ống, bể chứa để chống thất thoát nước.

Các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân xây dựng các loại nhà tiêu hợp vệ sinh để tránh gây ô nhiễm nguồn nước. Các ngành đoàn thể - xã hội hướng dẫn người dân trong việc thu gom xác động vật, phân gia súc, gia cầm, xây dựng chuồng trại phải cách xa nguồn nước theo quy định vệ sinh…

Nhật Nguyên