Giá sầu riêng ngày 20/11: Loại "trái cây vua” tiếp tục bứt phá về giá
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 14:27, 20/11/2023
Cập nhật mới nhấtgiá sầu riêng hôm nay 20/11/2023: Giá sầu riêng ở mức cao
Giá sầu riêng tiếp tục đứng ở mức cao. Trong đó, sầu riêng Thái xô ở mức giá dao động từ 125.000 -135.000 đồng/kg. Sầu riêng Ri6 đẹp cũng chạm mốc 106.000 đồng/kg. Xuất khẩu sầu riêng năm 2023 chắc chắn sẽ vượt con số 2 tỷ USD...
Cụ thể, giá sầu riêng hôm nay tại vườn: Sầu riêng Ri6 không có sự điều chỉnh, mức giá thương lái thu mua là 100.000 – 106.000 đồng/kg; giá sầu riêng Thái chững ở mức 125.000 – 140.000đồng/kg; sầu riêng Musaking duy trì ở mức 160.000 – 190.000 đồng/kg.
Giá sầu riêng hôm nay tại miền Tây Nam bộ: Sầu riêng Ri6 đẹp ở mức 100.000 – 106.000 đồng/kg. Trong khi đó, sầu riêng Ri6 xô ghi nhận ổn định ở mức 95.000 – 100.000 đồng/kg; sầu riêng Thái đẹp vẫn duy trì ở mức cao 135.000 – 140.000 đồng/kg, tương tự sầu riêng Thái xô neo ở 125.000 – 135.000 đồng/kg.
Tại các tỉnh miền Đông Nam bộ và khu vực Tây Nguyên: Giá sầu riêng Thái xô cũng có mức thu mua 93.000 – 97.000 đồng/kg; giá sầu riêng Ri6 Xô có mức 93.000 – 97.000 đồng/kg; sầu riêng Ri6 đẹp ở mức 100.000 – 105.000 đồng/kg; sầu riêng Thái đẹp duy trì ổn định ở mức 130.000 – 135.000 đồng/kg.
Dưới đây là bảnggiá sầu riêng hôm naytham khảo được thương lái thu mua tại vườn sầu riêng ở miền Tây Nam bộ, miền Đông Nam bộ, khu vực Tây Nguyên ngày 20/11. Tùy theo độ dài đường vận chuyển hay khu vực vận chuyển mà giá sầu riêng sẽ có sự chênh lệch ít nhiều.
Báo cáo đánh giá của Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo, xuất khẩu sầu riêng năm 2023 chắc chắn sẽ vượt con số 2 tỷ USD. Nguyên nhân là do, sau khi ký Nghị định thư, xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc tăng trưởng mạnh.
Trao đổi với báo chí, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định: “Có thể thấy, sau khi ký Nghị định thư, xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc bứt phá ngoạn mục. Năm nay, Hải quan Trung Quốc cũng đã phê duyệt thêm 230 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam, nâng tổng số lên 343 cơ sở được cấp phép, đây cũng chính là động lực lớn cho tăng trưởng xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường này.
Chúng ta đang chứng kiến giá trị xuất khẩu sầu riêng tăng trưởng rất mạnh, từ mức kim ngạch chỉ 29,2 triệu USD năm 2016, đã tăng vọt lên 420 triệu năm 2022. Trong 10 tháng của năm nay, xuất khẩu sầu riêng ước đạt 1,82 tỷ USD, như vậy chắc chắn sẽ vượt con số 2 tỷ USD trong năm 2023. Với việc tăng cường chất lượng, cùng với việc được cấp thêm nhiều mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, và mở cửa thêm nhiều thị trường thì con số xuất khẩu sầu riêng 3,5 tỷ USD trong thời gian tới chúng ta cũng hoàn toàn có thể đạt được”.
Theo các dự báo, đến năm 2025, dung lượng thị trường sầu riêng của Trung Quốc có thể đạt 20 tỷ USD và cả thế giới là 28,6 tỷ USD. Mức độ tăng trưởng của ngành sầu riêng thế giới trong giai đoạn 2019 - 2025 được dự báo khoảng 7,2%/năm. Như vậy, thời gian tới, thị trường tiêu thụ sầu riêng vẫn rất tốt. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta mới chỉ chiếm thị phần khiêm tốn với 5% tại Trung Quốc, còn lại là hàng Thái Lan, Malaysia. Đặc biệt, mới đây Thái Lan đã nâng tiêu chuẩn sầu riêng xuất khẩu, cụ thể là tăng độ khô của cơm sầu riêng từ 32% lên 35% và thực hiện giám sát từng lô hàng để đảm bảo đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu đề ra. Điều này đặt ra nhiều thách thức cho nông dân trồng sầu riêng và doanh nghiệp Việt Nam.
Cùng đó, việc ồ ạt trồng “nóng” mặt hàng này cũng rất dễ gây khó khăn trong việc quản lý mã số vùng trồng, chất lượng sản phẩm.
Bệnh đốm rong trên cây sầu riêng và biện pháp quản lý
Triệu chứng, biểu hiện
Bệnh gây hại trên hầu hết các bộ phận của cây sầu riêng từ thân, cành đến lá. Mỗi bộ phận bị gây hại sẽ có biểu hiện đặc trưng khác nhau.
Biểu hiện của bệnh đốm rong trên lá:
Ban đầu, vết bệnh có hình dạng đốm tròn với một lớp lông nhung mọc nhô lên trên bề mặt lá, kích thước 3-5 mm, màu đỏ nâu hoặc xanh xám. Về sau, vết bệnh cũ sẽ chuyển sang màu xám nâu và khô lại.
Vết bệnh sẽ lan rộng nhanh khi gặp điều kiện thời tiết thích hợp. Mô lá ở mặt dưới của vết bệnh bị hoại tử và có những sợi tảo màu nâu đỏ mọc xuyên qua.
Khi bệnh nặng, các đốm rong sẽ xuất hiện dày đặc chi chít hơn.
Bệnh đốm rong thường xuất hiện, gây hại phổ biến trên lá trưởng thành.
Bệnh đốm rong làm lá bị thô cứng, ảnh hưởng đến quá trình quang hợp của cây, khiến cây còi cọc và sinh trưởng kém.
Biểu hiện của bệnh đốm rong trên thân, cành:
Bệnhthường tấn công, gây hại trên thân và cành già của tán cây.
Đầu tiên, vết bệnh là những chấm nhỏ hình tròn hoặc hình bầu dục màu xanh sau đó chúng lớn dần và phát triển thành từng mảng.
Vết bệnh hình tròn có lớp tơ màu xanh rêu, ở giữa có màu đỏ nâu.
Nếu bệnh nặng, các đốm rong có thể lan lên nhánh và cả trái.
Bệnh gây hại khiến vỏ cây trên thân, cành bị nứt và khô.
Điều kiện phát sinh, phát triển bệnh đốm rong trên cây sầu riêng
Mầm bệnh do tảo Cephaleuros virescens dễ có trong tự nhiên và dễ lây lan bởi chúng ký sinh trên nhiều loại cây trồng khác nhau.
Bệnh phát triển, gây hại mạnh trong điều kiện thời tiết chuyển biến phức tạp.
Vườn rậm rạp, thiếu ánh sáng, kém thông thoáng khiến độ ẩm tăng cao là môi trường yêu thích để bệnh phát sinh và phát triển.
Mùa mưa kéo dài, mưa càng nhiều càng tạo điều kiện thuận lợi để bệnh phát triển mạnh.
Bệnh thường xuất hiện ở giai đoạn trước và sau khi thu hoạch vì thời điểm này sức đề kháng cây kém, cây suy yếu, dễ bị nấm bệnh tấn công.
Tuổi của cây cũng là yếu tố ảnh hưởng đến việc cây trồng bị nấm bệnh tấn công, cây càng lớn tuổi, càng dễ dàng bị nấm xâm nhập và gây hại.
Biện pháp phòng trừ và điều trị
Để vườn sầu riêng được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, khỏe mạnh, đủ chất đề kháng chống lại các loại bệnh hại và sâu bệnh, đặc biệt là bệnh đốm rong vào mùa mưa cũng như có được mùa vụ bội thu, bà con cần áp dụng nhiều hình thức biện pháp phòng ngừa và điều trị bệnh khác nhau như:
Biện pháp canh tác
Cung cấp đủ lượng nước và chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng.
Không trồng cây ở mật độ quá dày, để vườn có khoảng trống đón ánh nắng mặt trời, thoát độ ẩm không khí.
Thường xuyên thăm vườn để kịp thời phát hiện nguồn bệnh và có biện pháp điều trị thích hợp.
Dọn dẹp lá rụng, tàn dư cây trồng dưới đất và quanh gốc cây nhằm giảm độ ẩm không khí và đất.
Đào mương, rãnh hoặc đắp mô giúp cây thoát nước tốt.
Thường xuyên kiểm tra độ pH đất, giữ đất luôn tơi xốp, tạo điều kiện cho các vi sinh vật có lợi phát triển.
Sau khi thu hoạch, nên rửa vườn để rửa sạch các bào tử nấm bệnh, nguồn bệnh trong vườn.
Biện pháp hóa học:
Khi phát hiện bệnh xuất hiện trên lá sử dụng thuốc gốc Đồng (Coc 85, Boóc-đô 1%, Kocide, Champion, Norshield,…) hoặc thuốc gốc lưu huỳnh (Kumulus, Sulox,…) phun trên lá. Nếu bệnh trên thân, cành có thể sử dụng thuốc gốc Đồng pha đậm đặc quét lên thân, cành. Có thể quét vôi lên gốc thân vào đầu và cuối mùa mưa để phòng bệnh cho những vườn thường xuyên bị nhiễm bệnh.