Giáo dục - Đào tạo

Nhà giáo và tình yêu với nghề, với trẻ

Nguyễn Hiền 20/11/2023 05:52

Nghề giáo được xem là một trong những nghề cao quý. Dù công tác trong điều kiện thuận lợi hay môi trường gian khó, người giáo viên vẫn luôn tâm huyết, hết lòng vì học sinh để mang đến tri thức cho những "đứa con" thân yêu của mình.

Những "diễn viên" nhiều vai

Trong tất cả các bậc học, thì giáo viên mầm non được ví như một diễn viên, bởi trong một ngày phải đóng rất nhiều vai. Khi thì làm cô giáo, làm mẹ, làm bạn, làm bác sĩ, ca sĩ, nghệ sĩ, họa sĩ, nhân viên vệ sinh…

Để tạo hứng khởi, thu hút trẻ, giáo viên mầm non không chỉ tìm tòi, học hỏi để tiếp cận các phương pháp dạy học mới ở từng độ tuổi mà còn phải dành thời gian sưu tầm, làm đồ chơi, đồ dùng dạy học. Trẻ dù ở lớp nhỏ nhất là nhà trẻ, đến lớp mầm, chồi, lá thì giáo viên còn phải là "người mẹ" dỗ dành, chăm bẵm như con của mình. Điều đáng quan tâm là xã hội phát triển, trẻ em sử dụng các thiết bị điện tử sớm nên số lượng trẻ tự kỷ và tăng động có dấu hiệu tăng hơn. Với những trẻ như vậy, giáo viên mầm non phải dỗ dành và cùng chơi với các em như bạn mới có thể giúp các em tiến bộ hơn được.

20210913_112739(1).jpg
Cô giáo Trần Thị Thành (áo dài hồng) và đồng nghiệp Trường mầm non Hoa Bưởi, phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa) làm clip để phục vụ cho việc dạy học

Cô giáo Trần Thị Thành, Trường mầm non Hoa Bưởi, phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa) gắn bó với nghề “gõ đầu trẻ” hơn 16 năm nay. Vất vả nhiều nhưng mỗi ngày đón trẻ, cô vẫn luôn nở nụ cười trên môi. Cô giáo Thành cho hay, ngày nào cũng đi từ hơn 6 giờ sáng để dọn vệ sinh lớp và đón trẻ. Buổi trưa thì giáo viên phải ở lại trường để làm bảo mẫu trông trẻ khi các cháu ngủ trưa. Chiều tan trường, nhiều hôm phụ huynh đón con muộn phải đến tận 18 giờ tối mới về đến nhà nên thời gian dành cho gia đình cũng ít dần đi. "Nhiều lúc cũng cảm thấy mệt nhưng hôm sau thức dậy, nghĩ đến những gương mặt học trò ngây thơ của học trò tôi như được tiếp thêm động lực, tinh thần, tình yêu để tiếp tục công việc của mình. Làm nghề này nếu thật sự không yêu nghề, mến trẻ chắc sẽ khó để gắn bó và nâng cao được chất lượng nuôi dạy trẻ” cô Thành nhấn mạnh.

img_0057-1-.jpg
Giáo viên và học sinh Trường mầm non Hoa Phượng Vàng, phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa) trong giờ trải nghiệm

Tình yêu nghề và tấm lòng với trẻ

Đối với những giáo viên ở vùng sâu, vùng xa cũng có những nỗi lòng vất vả riêng. Cô giáo Vàng Thị Chim, Trường tiểu học La Văn Cầu, xã Đắk R’măng (Đắk Glong) chia sẻ: “Ở đây phần lớn học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số nên dạy tiếng Việt cho các em gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều học sinh vào lớp 1 rồi vẫn chưa biết tiếng Việt vì các em không được học qua các lớp mầm non. Để học sinh bắt kịp chương trình, hầu hết các giờ ra chơi, giờ nghỉ giáo viên phải tranh thủ để kèm tiếng Việt cho những em học yếu.

Việc học đã khó, việc giữ chân học sinh ở trường còn khó hơn. Có những thời điểm ban ngày đi dạy nhưng ban đêm và cuối tuần, giáo viên phải đến từng nhà dân vận động cho học sinh đến trường. "Vất vả vậy, nhưng ở đây hầu như giáo viên nào cũng tâm huyết và rất trách nhiệm, thương học trò. Nhìn học sinh cơm nắm đến trường học "con chữ", giáo viên lại càng cố gắng hơn. Nhiều giáo viên ở xa tới cũng tình nguyện đi các điểm trường xa xôi dạy chữ cho học trò của mình” cô Vàng Thị Chim tâm sự.

img_0564(1).jpg
Cô giáo Vàng Thị Chim tranh thủ kèm học sinh trong giờ ra chơi

Cô Nguyễn Thị Sơn, giáo viên Trường THCS Nâm N'đri ở xã Nâm N'đri (Krông Nô) gắn bó với nghề giáo hơn 10 năm nay. Từng trải qua vai trò giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn… theo cô Sơn, có thể nói là giáo viên hiện nay đứng trước rất nhiều áp lực. Áp lực từ gia đình, chuyên môn, các cuộc thi, phụ huynh, mạng xã hội, với học sinh…. Vì vậy, giáo viên phải yêu nghề thì mới có thể cống hiến thật nhiều. "Bao nhiêu thế hệ học sinh là bấy nhiêu trách nhiệm. Dù vất vả nhưng bản thân tôi vẫn luôn tự nhủ nỗ lực làm thật tốt vai trò của mình, dạy những tiết học mang lại hứng khởi cho học sinh. Nhiều đồng nghiệp của tôi cũng đang ngày đêm tự học hỏi để có thể bắt kịp với những đổi mới hiện nay”, cô Sơn cho hay.

Cần sự chung tay và sẻ chia

Khi được hỏi về những vất vả của một giáo viên tiểu học, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương, chủ nhiệm lớp 5, Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa) cười chia sẻ: “Tôi thấy bất kỳ nghề gì thì cũng có những vất vả riêng. Nghề giáo cũng vậy, nếu bản thân giáo viên thật sự yêu nghề, yêu học sinh thì sẽ vượt qua được những khó khăn trong chuyên môn, cuộc sống, để truyền dạy kiến thức cho các thế hệ học sinh. Điều mà giáo viên cần nhất đó là sự chia sẻ và thấu hiểu hơn của phụ huynh học sinh”.

Theo cô Hương, qua hơn 14 năm giảng dạy cô cũng đã gặp rất nhiều sự việc đáng nhớ. Phần lớn phụ huynh rất quan tâm đến việc học tập của con, nhưng cũng có không ít cha mẹ chưa thật sự để ý đến việc học, rèn luyện, thiếu sự phối hợp với giáo viên, nhà trường trong giáo dục trẻ. Buồn nhất là khi có sự việc xảy ra, một số phụ huynh chưa xác minh sự việc đã gây áp lực đối với giáo viên, nhà trường.

Bên cạnh đó, theo cô Hương, hiện nay có một số cuộc thi chưa phát huy hết hiệu quả trong thực tế nhưng lại gây mất nhiều thời gian, tạo áp lực đối với giáo viên. Cô giáo Hương cho rằng, điều quan trọng nhất vẫn là khơi dậy được tinh thần tự học, sáng tạo của mỗi giáo viên để ứng dụng trong thực tiễn nâng cao chất lượng dạy học. Giáo viên tận tâm, trách nhiệm, hiểu được học sinh của mình sẽ là chìa khóa để mang lại những điều tốt đẹp nhất cho học sinh.

img_0175(1).jpg
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương luôn cố gắng nâng cao chất lượng mỗi tiết dạy

Ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đắk Nông cho biết: “Sự tâm huyết, yêu nghề, trách nhiệm của mỗi giáo viên chính là nhân tố quan trọng tạo nên thành công trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đại trà cũng như mũi nhọn. Những năm qua, ngành Giáo dục cũng đã có nhiều hoạt động để hỗ trợ giáo viên về cả vật chất và tinh thần, nhất là giáo viên ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Cùng với đó, các cấp công đoàn ngành Giáo dục luôn gần gũi, nắm bắt tâm tư, tình cảm, các hoàn cảnh khó khăn để có hình thức hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời, giúp đội ngũ yên tâm, gắn bó với nghề hơn”.

Nguyễn Hiền