Luật ngân sách tạm thời được ban hành, tránh kịch bản Chính phủ Mỹ đóng cửa

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 06:42, 19/11/2023

Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa ký phê chuẩn dự luật ngân sách tạm thời ngay sau khi Thượng viện và Hạ viện Mỹ bỏ phiếu thông qua văn bản này. Việc lưỡng viện của Quốc hội Mỹ đồng lòng thông qua dự luật đã giúp Tổng thống Biden kịp thời ký ban hành luật ngân sách, dù chỉ là tạm thời nhưng cũng đủ ngăn chặn nguy cơ Chính phủ liên bang Mỹ phải đóng cửa.

Tổng thống Biden đã ký dự luật ở thành phố San Francisco khi đang bận rộn với chương trình nghị sự dày đặc tại Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), cho phép văn bản này có hiệu lực ngay trước thời điểm luật ngân sách trước đó của chính phủ hết hiệu lực ngày 18/11 (giờ Việt Nam).

Nếu không kịp thời có đạo luật này, 1,5 triệu nhân viên chính phủ sẽ không được trả lương, nhiều hoạt động của chính phủ liên bang sẽ tê liệt, hầu hết cơ sở liên bang bao gồm các công viên quốc gia sẽ đóng cửa và các lĩnh vực như hàng không có thể bị gián đoạn hoạt động.

Trước đó, ngày 14/11, với 336 phiếu thuận và 95 phiếu chống, Hạ viện Mỹ thông qua dự luật ngân sách tạm thời, và ngay lập tức chuyển đến Thượng viện - nơi các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ và Cộng hòa đã lên tiếng ủng hộ - xem xét thông qua.

Việc dự luật này được thông qua với tỷ lệ tán thành vượt trội được coi là chiến thắng ấn tượng dành cho tân Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, người vừa được bầu vào vị trí này chưa đầy ba tuần trước, sau nhiều tuần hỗn loạn khiến Hạ viện Mỹ không có người đứng đầu.

Một ngày sau khi được Hạ viện thông qua, dự luật ngân sách tạm thời cũng đã được thông qua tại Thượng viện Mỹ với 87 phiếu thuận và 11 phiếu chống.

Luật ngân sách tạm thời có hiệu lực đến đầu năm 2024, giúp các nhà lập pháp có thêm thời gian để xây dựng các dự luật ngân sách chi tiết cho mọi lĩnh vực. Đạo luật cũng tách hạn chót cho cả năm tài chính thành hai ngày: ngày 19/1/2024 đối với một số cơ quan liên bang và ngày 2/2/2024 đối với các cơ quan khác.

Đạo luật này chi trả cho các lĩnh vực như xây dựng quân sự, phúc lợi cho cựu chiến binh, giao thông, nhà ở, phát triển đô thị, nông nghiệp, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA), cũng như các chương trình năng lượng và nước đến ngày 19/1/2024, trong khi ngân sách cho tất cả hoạt động liên bang khác, bao gồm cả quốc phòng, sẽ hết hạn ngày 2/2/2024.

Cách tiếp cận này bảo đảm Chính phủ liên bang Mỹ hoạt động bình thường ở thời điểm hiện tại, song lại khiến họ đối mặt nguy cơ đóng cửa một phần vào các ngày 19/1/2024 và ngày 2/2/2024.

Đây là cách tiếp cận hiếm khi được áp dụng đối với ngân sách liên bang tạm thời. Thông thường, các nhà lập pháp kéo dài thời gian cung cấp ngân sách đến cùng một ngày cho tất cả lĩnh vực hoạt động của Chính phủ liên bang Mỹ.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson lại có ý tưởng khác khi quyết định áp dụng phương pháp kết hợp nhằm trấn an những lo ngại của các nghị sĩ đảng Cộng hòa không muốn đối mặt một dự luật chi tiêu khổng lồ ngay trước kỳ nghỉ lễ cuối năm.

Kế hoạch không bao gồm các khoản tiền mà Tổng thống Biden yêu cầu cho Israel, Ukraine cũng như xây dựng bức tường an ninh ở biên giới Mỹ-Mexico.

Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Biden cho rằng kế hoạch này “không nghiêm túc”, không thể thực hiện và là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Theo Thư ký báo chí Nhà trắng Karine Jean-Pierre, đề xuất của ông Johnson sẽ khiến đảng Cộng hòa thêm hỗn loạn và chính phủ sẽ phải đóng cửa thêm nhiều lần.

Quốc hội Mỹ liên tục rơi vào tình trạng bế tắc tài chính trong năm nay, với tổng nợ công lần đầu vượt con số 33.000 tỷ USD vào ngày 18/9 vừa qua, khiến Chính phủ liên bang Mỹ đứng trước nguy cơ vỡ nợ.

Thực trạng này khiến Moody’s hạ triển vọng xếp hạng tín dụng của Xứ cờ hoa từ mức ổn định xuống tiêu cực vì lo ngại lãi suất cao sẽ tiếp tục đẩy chi phí vay cao hơn.

Chính sách tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) kéo theo chi phí vay nợ của nước này tăng vọt, khiến Washington gánh thêm 162 tỷ USD tiền lãi trong năm tài chính vừa qua so với năm 2022.

Việc luật ngân sách tạm thời được ban hành kịp thời khiến Chính phủ liên bang Mỹ thở phào nhẹ nhõm. Tuy nhiên, chính quyền Xứ cờ hoa ngay lập tức cần xắn tay vào việc xây dựng một dự luật ngân sách mới dài hơi, chứ không chỉ có hiệu lực vỏn vẹn hơn hai tháng như đạo luật vừa được ban hành.

LINH YÊN