Giáo dục - Đào tạo

Đắk Nông đồng hành cùng giáo viên vượt khó

Nguyễn Hiền 17/11/2023 05:05

Thời gian qua, cùng với toàn xã hội, ngành Giáo dục Đắk Nông luôn nỗ lực chăm lo đời sống cho vật chất, tinh thần để nhà giáo an tâm công tác, gắn bó và cống hiến với nghề.

Lo cho giáo viên hết cảnh "ở nhờ"

Năm học 2023-2024, niềm vui đến với cô giáo Phạm Thị Ngọc Hân, giáo viên Trường THCS-THPT Lê Hữu Trác, xã Đắk Ngo (Tuy Đức) khi được ở trong căn phòng công vụ kiên cố, khang trang. Vì nhà xa nên cô giáo Hân phải ở lại trường để bảo đảm việc dạy học hàng ngày. Cô giáo Hân chia sẻ: “Trước đây tôi được các đồng nghiệp nhường cho ở khu nhà công vụ cũ của trường. Mới đây, trường được xây thêm 2 phòng mới nên tôi được ưu tiên chuyển qua ở. Phòng mới rộng và sạch sẽ, sắp xếp đồ đạc cũng gọn gàng và nhất là có chỗ để làm việc hiệu quả hơn”.

123(1).jpg
Trường THCS-THPT Lê Hữu Trác ở xã Đắk Ngo (Tuy Đức) được hỗ trợ xây mới 2 phòng công vụ

Trường THCS-THPT Lê Hữu Trác là một trong những trường vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Thế Hiệt, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lê Hữu Trác thông tin: “Trường hiện có 34 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Hầu hết giáo viên đều ở xa nhà nên nhu cầu ở lại rất nhiều. Trường không đủ phòng công vụ nên giáo viên phải thuê nhà dân hoặc "ở nhờ" bên Trung đoàn 720. Tháng 9/2023, từ nguồn kêu gọi hỗ trợ, Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Đắk Nông đã đầu tư 500 triệu đồng xây mới được thêm 2 phòng với tổng diện tích 120 m2. Cùng với 2 phòng cũ của trường cơ bản đã đáp ứng được cho 9 cán bộ, giáo viên ở lại. Có nơi ở ổn định, giáo viên yên tâm hơn để đầu tư cho việc nâng cao chất lượng giảng dạy”.

img_8011(1).jpg
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà vui mừng khi được Công đoàn ngành Giáo dục hỗ trợ kinh phí xây tổ ấm

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà, giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi ở xã Đắk Som (Đắk Glong) là một trong những giáo viên có hoàn cảnh khó khăn được Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh hỗ trợ xây nhà. Cô giáo Hà chia sẻ: “Trước đây chưa có nhà, vợ chồng tôi phải thuê nhà ở với giá 1,5 triệu đồng/tháng khiến cho cuộc sống thêm khó khăn. Khi được Công đoàn ngành Giáo dục hỗ trợ 50 triệu đồng, vợ chồng tôi xoay sở thêm để làm căn nhà khá kiên cố, khang trang, với diện tích gần 70m2. Có nhà mới tạo động lực để vợ chồng tôi yên tâm công tác”.

img_7984.jpg
Được hỗ trợ xây nhà mới, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà yên tâm đầu tư cho việc nâng cao chất lượng giảng dạy

Theo thống kê, từ năm 2018 đến nay, ngành Giáo dục đã huy động, tiếp nhận phân bổ kinh phí xây 12 căn nhà “Mái ấm công đoàn” cho 12 đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, với số tiền trên 400 triệu đồng. Các đơn vị tỉnh bạn đã nhận đỡ đầu, trực tiếp hỗ trợ sửa chữa và xây dựng mới 2 nhà ở nội trú giáo viên Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (Đắk R'lấp) và Trường THPT Hùng Vương (Krông Nô) với tổng kinh phí 800 triệu đồng.

Chia sẻ để không ai bị bỏ lại phía sau

Theo ông Phan Thanh Thái, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh-Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Đắk Nông, những năm qua, Công đoàn ngành Giáo dục từ tỉnh đến cơ sở đã có nhiều giải pháp chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ cán bộ, nhà giáo và người lao động (CB-NG-NLĐ), nhất là chia sẻ, đồng hành cùng giáo viên những lúc khó khăn, ốm đau. Các công đoàn cơ sở thường xuyên nắm tình hình, kịp thời phát hiện khó khăn, bất cập để tham mưu với cấp ủy, phối hợp với chính quyền có các chế độ, chính sách hợp lý, thiết thực để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ nhà giáo.

Cụ thể, năm học 2022-2023, toàn ngành hỗ trợ cho trên 150 người bị bệnh hiểm nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng số kinh phí trên 200 triệu đồng. Riêng từ đầu năm 2023 -2024 đến nay, toàn ngành đã tiếp nhận, hỗ trợ trên 182 triệu đồng cho đoàn viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Thực hiện chương trình “Quyên góp, hỗ trợ nhà giáo và lao động”, trong 5 năm (2018-2023), các đơn vị trong ngành đã chủ động quyên góp hàng ngàn suất quà như: sách vở, quần áo, xe đạp, máy tính… trị giá trên 4 tỷ đồng để giúp đỡ cho học sinh và giáo viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hưởng ứng “Tháng Công nhân” và “Năm vì lợi ích đoàn viên”, ngành Giáo dục quyên góp, hỗ trợ CB-NG-NLĐ bị bệnh hiểm nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn với số tiền trên 500 triệu đồng.

Tạo sân chơi bổ ích cho giáo viên

Bên cạnh việc chăm lo đời sống vật chất, Công đoàn ngành Giáo dục các cấp còn chú trọng chăm lo tinh thần cho CB-NG-NLĐ với nhiều hình thức phong phú, động viên đội ngũ phấn khởi, ổn định cuộc sống, yên tâm công tác giảng dạy. Trong đó, Công đoàn ngành Giáo dục các cấp phối hợp triển khai Chương trình “Nâng cao đời sống văn hóa của nhà giáo và người lao động”. Bên cạnh đó, hằng năm, Công đoàn ngành Giáo dục phối hợp tổ chức các hoạt động thể thao, văn nghệ thu hút sự hưởng ứng, tham gia của CB-NG-NLĐ

Công đoàn cơ sở tham mưu đơn vị xây dựng, mua sắm vật dụng phục vụ hoạt động vui chơi, giải trí, thành lập các câu lạc bộ thể thao, văn nghệ để cán bộ, giáo viên vui chơi, rèn luyện sau giờ dạy. Các chương trình giao lưu, tham quan, nghỉ dưỡng tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, không khí vui tươi, phấn khởi, đoàn kết trong đơn vị được triển khai thường xuyên.

img_7567(1).jpg
Ngành Giáo dục tổ chức nhiều hội thao, tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên, nhân viên được giao lưu, học hỏi

Hằng năm, Sở Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức lễ gặp mặt và vinh danh nhà giáo tiêu biểu; lựa chọn giới thiệu nhà giáo xuất sắc, cán bộ công đoàn tiêu biểu để tuyên dương tại các chương trình vinh danh, khen thưởng của Bộ GD-ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Liên đoàn Lao động tỉnh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam… Trong 5 năm (2018 -2023), toàn ngành Giáo dục đã có 358 lượt nhà giáo, cán bộ công đoàn được vinh danh, tuyên dương.

Ông Trần Sĩ Thành, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đắk Nông cho biết: “Việc quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ CB-NG-NLĐ được ngành Giáo dục chú trọng. Đây chính là cơ sở để tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo Đắk Nông hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hằng năm, bằng nhiều hình thức thiết thực, phù hợp, ngành quan tâm hỗ trợ CB-NG-NLĐ, nhất là những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, với tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Cũng theo ông Trần Sĩ Thành, thời gian tới, ngành Giáo dục tiếp tục quan tâm. chú trọng đề xuất và phối hợp với các ngành, địa phương tham mưu tỉnh, Trung ương ban hành cơ chế, chính sách, chế độ hỗ trợ đội ngũ nhà giáo, nhất là giáo viên mầm non, tiểu học, các trường chuyên biệt, giáo viên đi học.…

Nguyễn Hiền