Đời sống

Tín dụng chính sách tiếp sức giảm nghèo bền vững ở Đắk Nông

Thanh Hằng 16/11/2023 06:00

Nguồn vốn tín dụng chính sách được xem là đòn bẩy quan trọng giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Gia đình chị H’Lê, bon Păng Sim, xã Trường Xuân (Đắk Song) là một trong những hộ được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của Phòng Giao dịch Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) huyện Đắk Song. Trước đây, gia đình chị H'Lê gặp nhiều khó khăn, nhất là khi chồng đột ngột qua đời, chị một mình phải nuôi 2 con ăn học. Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện, gia đình chị được vay vốn để đầu tư chăm sóc vườn cây cà phê, hồ tiêu.

Chị H’Lê cho biết: “Đối với hộ nghèo, nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi thực sự có tác động rất lớn đến việc phát triển kinh tế. Có vốn trong tay, tôi mạnh dạn cải tạo thay thế giống cũ bằng giống mới, mua phân bón chăm sóc để cây trồng cho năng suất cao hơn. Ngoài ra, trong thời gian được vay ưu đãi, tôi luôn tự nhủ phải cố gắng làm ăn, không chỉ để thoát nghèo mà còn để con cái nỗ lực vươn lên, không còn mặc cảm với các bạn”.

Khi đời sống đã dần ổn định, chị H’Lê yên tâm cho con đến trường, đồng thời tích cực học hỏi, tiếp cận với những kiến thức trồng trọt mới để sản xuất hiệu quả hơn.

hinh-1(1).jpg
Chị H'Lê được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất, từ đó có cơ hội được thoát nghèo

Tương tự, thuộc diện hộ nghèo của huyện Tuy Đức, ông Nguyễn Nhân Lương, thôn 4, xã Quảng Tâm là 1 trong những gia đình được vay vốn ưu đãi để xây dựng nhà ở theo Nghị định số 28 của Chính phủ.

Gia đình khó khăn, nguồn thu nhập không ổn định nên nhiều năm nay ông Lương không thể xây dựng căn nhà mới, dù nơi ở hiện tại đã xuống cấp. Được hỗ trợ kinh phí cho vay từ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tuy Đức, gia đình ông đã được vào ở trong một căn nhà mới, kiên cố sau hơn 2 tháng xây dựng.

Ông Lương phấn khởi: “Được sự quan tâm của chính quyền, sự hỗ trợ của ngân hàng huyện, gia đình tôi đã có một nơi ở ấm cúng, vững chắc. Không còn phải lo về chỗ ở, gia đình tôi cũng quyết tâm làm ăn, sớm trả được tiền vay của ngân hàng, không trở thành gánh nặng cho xã hội”.

hinh-2(1).jpg
Tính đến hết tháng 10/2023, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Đắk Nông đã có dư nợ khoảng 4.000 tỷ đồng. Trong ảnh, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đắk Song giải ngân vốn vay cho người dân xã Thuận Hà

Nguồn vốn ưu đãi đã tiếp cận trên 4 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác của tỉnh. Đến nay, Đắk Nông có trên 62.000 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn mua máy tính, thiết bị học tập và trang trải các chi phí để đến trường; hơn 3.100 căn nhà được xây dựng cho hộ nghèo không có nhà ở…

Kết quả đạt được cũng là yếu tố giúp chính quyền các cấp thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông khóa XII về công tác giảm nghèo, phấn đấu mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3% trở lên; hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm từ 5% trở lên theo chuẩn nghèo đa chiều.

Điều đáng ghi nhận, từ nguồn vốn vay ưu đãi, cùng sự thay đổi tư duy sản xuất, nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Nguồn vốn vay thực sự là chỗ dựa vững chắc để các đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Thanh Hằng