Phát triển du lịch Việt Nam nhanh bền vững
Sáng 15/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển du lịch Việt Nam nhanh bền vững.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tham dự hội nghị.
Tại điểm cầu trực tuyến Đắk Nông, đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương đã tham dự.
Theo đánh giá, du lịch trở thành điểm sáng trong phục hồi kinh tế của đất nước, tiếp tục khẳng định thương hiệu và vị thế trên bản đồ du lịch quốc tế. Việt Nam đã nhận 54 giải thưởng của các tổ chức quốc tế về du lịch và là 1 trong 3 nước có tốc độ tăng trưởng chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch cao. Trong 10 tháng đầu năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 10 triệu lượt, tăng gấp 4,6 lần so với cùng kỳ năm trước, vượt chỉ tiêu kế hoạch cả năm; khách nội địa đạt 98,7 triệu lượt khách; tổng thu từ khách du lịch đạt 582,6 ngàn tỷ đồng.
Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các doanh nghiệp du lịch, chuyên gia đã tập trung phân tích, làm rõ các vấn đề nội tại của ngành du lịch; đề xuất, hiến kế các định hướng, giải pháp nhằm đổi mới nền tảng cạnh tranh, tìm ra các động lực tăng trưởng mới để phát triển nhanh và bền vững.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế. Việc phát triển du lịch phải đặt dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, quản lý của chính quyền, sự đóng góp của doanh nghiệp, người dân. Quản lý du lịch phải thông minh, hạ tầng thông suốt, cơ chế thông thoáng. Du lịch phát triển một cách tổng thể, tạo đòn bẩy cho các lĩnh vực khác. Hệ sinh thái du lịch đảm bảo toàn diện, nhanh, bền vững, chuyển dần từ chiều rộng sang chiều sâu; không hy sinh an sinh xã hội, không hy sinh môi trường để lấy tăng trưởng nhanh.
Các cấp ngành, địa phương thay đổi tư duy, cách tiếp cận để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, khả năng cạnh tranh về du lịch như Việt Nam có hệ thống chính trị, an ninh trật tự ổn định; quan hệ ngoại giao với nhiều đất nước trên thế giới; vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên thuận lợi; nguồn lao động dồi dào; nền văn hóa dân tộc phong phú, đặc sắc; chuyển đổi số được quan tâm, đẩy mạnh… Du lịch muốn phát triển cần xây dựng chuỗi giá trị liên kết quốc gia và toàn cầu; huy động sự tham gia của các chủ thể.
Du lịch Việt Nam phải đạt tiêu chí đặc sắc, dịch vụ chuyên nghiệp, thủ tục thuận tiện đơn giản, giá cả cạnh tranh, môi trường sạch sẽ, điểm đến luôn an toàn, văn minh và thân thiện.