Cấm ném đất, đá, cát hoặc vật thể khác vào người và phương tiện đang tham gia giao thông trên đường bộ

Chính sách - Ngày đăng : 16:59, 14/11/2023

Thảo luận về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ tại Tổ 04 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các tỉnh/thành phố: Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Lai Châu, Thừa Thiên – Huế, các đại biểu đề nghị cân nhắc quy định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình vì cho rằng việc áp dụng đối với mọi loại phương tiện giao thông cơ giới là rộng và khó bảo đảm tính khả thi...
Thảo luận tại Tổ 04 gồm các Đoàn ĐBQH các tỉnh/thành phố: Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Lai Châu, Thừa Thiên – Huế.


Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm là quy định về điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ tại Điều 33 dự thảo Luật. Điểm c khoản 1 Điều 33 quy định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải đáp ứng các điều kiện “Có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định”.
Góp ý về quy định này, đại biểu Lã Thanh Tân – Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng cho rằng quy định này chưa phù hợp với thực tế, quy định như dự thảo Luật phạm vi khá rộng. Do đó, đề nghị quy định thiết bị giám sát hành trình đối với xe kinh doanh vận tải như quy định hiện hành và quy định cụ thể về trung tâm tích hợp phân tích dữ liệu để quản lý và sử dụng hiệu quả hơn, tránh lãng phí; đối với xe ô tô cá nhân đề nghị quy định theo hướng khuyến khích lắp đặt.

Đại biểu Lã Thanh Tân – Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng.

Có cùng quan điểm, đại biểu Vũ Thanh Chương – Đoàn ĐBQH TP.Hải Phòng cho rằng cần thiết phải có quy định về thiết bị giám sát hành trình để bảo đảm quản lý nhưng không nên quy định bắt buộc đối với tất cả các phương tiện bởi khó khả thi và việc yêu cầu lắp các thiết bị trên sẽ tạo gánh nặng về kinh tế cho người dân. Do đó, cần giữ quy định như hiện hành là bắt buộc lắp camera hành trình đôi với xe ô tô kinh doanh vận tải, xe chở khách; đối với các phương tiện khác thì nên quy định khuyến khích.

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi – Đoàn ĐBQH TP.Hải Phòng cho rằng dự thảo Luật nói nhiều đến người tham gia giao thông mà chưa rõ trách nhiệm, vai trò của người bảo đảm an toàn trật tự giao thông như cảnh sát giao thông, các lực lượng tăng cường. Có Luật rồi mà thực thi không nghiêm thì sẽ hình thành thói quen và không có văn hóa giao thông. Đồng thời, cần phải chú trọng và xem điều phối giao thông như là một giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi – Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng.

Điều 8 dự thảo Luật quy định về các hành vi bị nghiêm cấm cũng là nội dung được các đại biểu tập trung cho ý kiến.

Về các hành vi nghiêm cấm, đại biểu Lã Thanh Tân cho biết tại Khoản 1 Điều 8 quy định: cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Đại biểu cho rằng quy định này chưa làm rõ tham gia giao thông ở đây là loại hình giao thông nào. Do đây là Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ nên cần quy định rõ hơn là “cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở cố nồng độ cồn”. Tương tự như vây, đối với quy định tại Khoản 24 Điều 8 cấm ném gạch đất, đá, cát hoặc vật thể khác vào phương tiện đang tham gia giao thông trên đường bộ, đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị phải rõ cả đối tượng ở trên phương tiện giao thông, theo đó, sửa thành “cấm ném đất, đá, cát hoặc vật thể khác vào người và phương tiện đang tham gia giao thông trên đường bộ”.

Đại biểu Phạm Như Hiệp – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Có cùng vấn đề quan tâm về các quy định cấm, đại biểu Phạm Như Hiệp – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế bày tỏ băn khoăn về Khoản 1 Điều 8 về cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Đại biểu cho rằng nếu quy định như dự thảo Luật thì các phương tiện khác như xe thô sơ, xích lô, xe kéo thì cũng có thể là vi phạm. Với phạm vi rộng như vậy, đại biểu cho rằng cần có quy định khung giới hạn để bảo đảm khả thi. Ngoài ra, đại biểu cũng dẫn chứng có trường hợp người dân uống rượu từ tối hôm trước nhưng sáng hôm sau trong máu vẫn còn nồng độ cồn, khi đó nếu bị phạt cũng gây băn khoăn và còn nhiều ý kiến thảo luận về vấn đề này. Do đó, cần có quy định làm rõ.

Góp ý về khoản 11 Điều 8 về cấm tự ý thay đổi kết cấu hệ thống xe, đại biểu Phạm Như Hiệp đặt vấn đề về độ xe máy, đặc biệt các loại xe phân khối lớn liệu có tính đến cái trường hợp thay đổi các kết cấu như thêm những phương tiện chiếu sáng bổ sung hay không? Hay tại Khoản 12 Điều 8 về tự ý can thiệp thay đổi phần mềm điều khiển xe cơ giới, đại biểu Phạm Như Hiệp đề nghị làm rõ quy định này áp dụng cho đơn vị sản xuất xe hay là đối với người sử dụng hay kiểm định xe cơ giới.

Đại biểu Vũ Thanh Chương – Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng.

Cùng góp ý về Khoản 1 Điều 8, đại biểu Vũ Thanh Chương – Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng đề nghị hợp nhất khoản 1 và khoản 2 vì đều liên quan đến cấm chất kích thích trong máu, hơi thở, cơ thể con người, theo đó quy định “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có cồn, có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng”.

Đại biểu Tống Văn Băng – Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng đề nghị lưu ý đối với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 61 về dừng xe của lực lượng cảnh sát thực hiện kiểm tra, kiểm soát. Điểm a quy định khi có dấu hiệu vi phạm, đại biểu Tống Văn Băng cho rằng dấu hiệu vi phạm có phạm vi rộng, nếu không quy định rõ sẽ dễ dẫn đến lạm quyền, ảnh hưởng đến quyền công dân. Do đó, đề xuất quy định giới hạn dấu hiệu vi phạm hành chính, hình sự hay mất an toàn giao thông đường bộ.

Bảo Yến - Phạm Thắng - Lê Hòa