Ưu tiên và kỳ vọng của APEC

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 05:18, 14/11/2023

Sự quan tâm, chú ý đang hướng về thành phố San Francisco của Hoa Kỳ, nơi diễn ra Tuần lễ cấp cao của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2023. Trải qua hơn 30 năm hình thành và phát triển, APEC tiếp tục khẳng định vai trò đi đầu thúc đẩy xu thế tự do hóa kinh tế, thương mại và đầu tư trong khu vực và trên thế giới, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Thành lập năm 1989, APEC hiện có 21 nền kinh tế thành viên. Với sự tham gia của nhiều nền kinh tế hàng đầu thế giới, như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản..., cùng chín thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và nhiều nền kinh tế phát triển năng động khác, APEC đại diện khoảng 38% dân số thế giới, đóng góp 62% GDP và gần 50% thương mại toàn cầu. Hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận, tự nguyện và không ràng buộc, APEC đề cao hợp tác tập trung ba trụ cột chính, gồm tự do hóa thương mại và đầu tư; thuận lợi hóa kinh doanh; hợp tác kinh tế-kỹ thuật, nâng cao năng lực, phát triển bình đẳng và bền vững.

Việt Nam trở thành thành viên chính thức của APEC năm 1998, dấu mốc quan trọng trong tiến trình triển khai chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa và hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ của đất nước. Chặng đường 25 năm tham gia APEC, Việt Nam đã đóng góp tích cực, chủ động, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác, duy trì vai trò của APEC là cơ chế liên kết kinh tế hàng đầu tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hai lần đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà APEC vào các năm 2006 và 2017, Việt Nam tiếp tục đề xuất các sáng kiến và dự án một cách tích cực, đồng thời tăng cường thúc đẩy triển khai các kết quả quan trọng của APEC.

Hoa Kỳ đăng cai Năm APEC 2023 với chủ đề "Kiến tạo một tương lai tự cường và bền vững cho tất cả mọi người". Trong lần thứ ba làm chủ nhà APEC, Hoa Kỳ đã công bố những ưu tiên của mình từ sớm. Tại cuộc họp không chính thức các quan chức cấp cao APEC diễn ra tại Honolulu (Hoa Kỳ) tháng 12/2022, đại diện Hoa Kỳ nhấn mạnh cam kết thúc đẩy về các vấn đề chính, như khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, thương mại kỹ thuật số, kết nối, cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, biến đổi khí hậu và bền vững môi trường. Các nội dung xoay quanh an ninh lương thực, y tế, chống tham nhũng, số hóa, trao quyền kinh tế cho phụ nữ và hỗ trợ các cộng đồng yếu thế cũng được chú trọng trong chương trình nghị sự, dựa trên ba ưu tiên là kết nối, đổi mới sáng tạo và toàn diện.

Cũng tại cuộc họp, Chủ tịch Hội nghị các quan chức cấp cao APEC 2023 khẳng định lại, APEC là nơi thúc đẩy các chính sách kinh tế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhằm đẩy mạnh thương mại và đầu tư tự do, công bằng và cởi mở, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng bền vững và toàn diện. Trong các ưu tiên năm APEC 2023, Hoa Kỳ thể hiện tham vọng mong muốn thúc đẩy đổi mới. Theo đại diện Xứ Cờ hoa, chủ đề và những ưu tiên phản ánh những nội dung được lắng nghe từ các thành viên APEC và các bên liên quan, nhằm thúc đẩy một chương trình nghị sự về chính sách kinh tế thiết thực, mang lại lợi ích cho người lao động, doanh nghiệp và các gia đình ở tất cả những nền kinh tế thành viên.

Cùng việc công bố những ưu tiên của chủ nhà APEC 2023, Hoa Kỳ cũng đề xuất một số lĩnh vực, chính sách cần sự tập trung từ các quan chức APEC. Ngoài việc thảo luận về cách thức cơ cấu để đạt kết quả, thì theo chủ nhà APEC 2023, chìa khóa để bảo đảm tính hiệu quả trong các nỗ lực của APEC nhằm giải quyết thách thức hiện nay chính là tiếp tục cam kết với các bên khu vực tư nhân, thanh niên, học giả và doanh nhân... Theo giới chuyên gia, chủ đề và các ưu tiên do Hoa Kỳ đề xuất có sự tiếp nối những chủ đề và ưu tiên của các chủ nhà APEC những năm gần đây, đặc biệt chú trọng thúc đẩy hợp tác về phát triển bền vững và bao trùm, kết nối, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới.

Phát biểu tại buổi họp báo ngay trước thềm Tuần lễ cấp cao APEC năm 2023, ông Christopher Wilson, trợ lý Ðại diện Thương mại Hoa Kỳ phụ trách Nhật Bản, Hàn Quốc và APEC cho biết, để chuẩn bị cho Hội nghị các Nhà lãnh đạo kinh tế APEC năm nay, Hoa Kỳ đã làm việc với các đối tác APEC để phát triển một bộ nguyên tắc chung, nhằm thúc đẩy hợp tác mang tính bền vững và bao trùm, đồng thời bảo đảm các nền kinh tế APEC tiếp tục phát triển và thực hiện chính sách thương mại của mỗi thành viên. Ông Christopher Wilson chia sẻ thêm, việc thúc đẩy các chính sách thương mại mang tính toàn diện cũng là một chủ đề quan trọng mà giới chức thương mại Hoa Kỳ tập trung tại kỳ họp APEC năm nay.

HỒNG LĨNH